Bánh tét mật cật

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/9/2007 | 12:00:00 AM

Cứ tưởng bánh tét mật cật là "sáng chế" độc đáo của mấy bà cụ ở Phú Quốc (Kiên Giang) bây giờ. Nào dè dưới bàn tay của "mấy bả" nó chỉ là bản sao của món ăn đã có mặt trên đất đảo này từ những năm 1930, được nhà văn hóa Đông Hồ kể trong bài Cảnh vật Hà Tiên đăng trên Tạp chí Nam Phong (từ số 150 - 154, tháng 5 đến tháng 9.1930:

 "Mồng 5 tháng 5, có bánh trạng gói bằng lá mật cật, bốn góc như bánh ú, nên có người kêu bằng bánh ú nước tro vì nếp trước phải ngâm nước tro mới được".

Đi chợ Dương Đông (Phú Quốc) ai cũng thích thú được nhìn ngắm và mua những con cá biển ngon cực kỳ vì tươi xanh. Nhưng nếu không thưởng thức và mua bánh tét mật cật sẽ là thiếu sót "nghiêm trọng", bởi đây là loại bánh "độc quyền" của địa phương này. Bánh tét mật cật có ba chủ bán ngay hai bên cửa chợ Dương Đông, đều là những cụ già ở tuổi huốt "thất thập cổ lai hi". Bà cụ Lê Thị Thảo, 86 tuổi, bà cụ Nguyễn Thị Liễu cũng "xêm xêm" số tuổi ấy ngồi bán cạnh nhau. Hai bà cụ thân tình với khách đã đành, mà còn thân tình với nhau. Cũng không có gì lạ vì hai bà cụ đều là sui gia của nhau. Cả hai bà cụ cho biết đã bán bánh tét mật cật tại chợ Dương Đông trên 20 năm nay nhưng không biết ai là "thủy tổ" của món ăn độc đáo xứ đảo này.

Mật cật là loại cây lá xòe như lá cọ, mọc đầy trên dãy núi Hàm Ninh - ngọn núi cao và dài nhất huyện đảo Phú Quốc. Thông thường, người ta dùng lá mật cật để chằm nón lá. Nhưng từ xưa mà nay với ba bà cụ này, lá mật cật được dùng để gói bánh tét thay cho lá chuối "truyền thống". Trước tiên, các bà phơi lá mật cật hơi héo cho cọng và lá mềm, không rách khi gói. Sau đó, lá được rửa, lau sạch, bôi lớp dầu. Gói đòn bánh tét bằng lá mật cật là một việc làm "tử công phu" vì mặt lá hẹp, không to bản như lá chuối. Càng phải khéo tay hơn vì bánh được cột bằng gân lá mật cật, không mềm như dây lác. Bánh ngon còn nhờ kỹ thuật buộc dây. Buộc chặt, bánh không chín đều; buộc lỏng, bánh nong nước, nhão nhoẹt, ăn mất ngon. Khó hơn là đòn bánh dài khoảng 30cm này được gói theo dạng hình tam giác. Nhờ vậy, bánh tét mật cật Phú Quốc vừa không giống bánh đất liền mà còn có một hình dạng rất đẹp mắt.

Bánh tét mật cật làm từ nếp được lựa kỹ không lẫn gạo. Sau khi "vuốt" sạch, để ráo, nếp được nhuộm màu xanh ngọc bích đẹp mắt bằng nước cốt lá bồ ngót cùng nước cốt lá dứa. Đậu xanh cà nấu nhừ cùng dây thịt mỡ làm nhưn. Bánh tét nấu chín vừa dẻo chất nếp, vừa ngọt bùi hương đậu xanh, vừa thơm béo thịt mỡ, thơm hương đồng cỏ nội của lá dứa, lại có tính giải nhiệt, ngừa và trị được mụn nhọt nhờ nước cốt lá bồ ngót.

(Theo TNO)

Các tin khác

Thác Prenn nằm ở chân đèo Prenn - khu vực cửa ngõ Đà Lạt (cách trung tâm thành phố hoa chừng 10km), nằm lọt thỏm giữa một vùng đồi núi chập chùng, bát ngát thông xanh. Kể từ khi được giao cho Công ty Dịch vụ Du lịch Đà Lạt (Dalat toserco), Khu du lịch đã liên tục được đầu tư tôn tạo về cảnh quan và bổ sung nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch nhằm không ngừng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.

Không đa dạng như lối ẩm thực Bắc Hà, cũng không được phồn thực như lối ẩm thực Nam Hà, ẩm thực Huế có một chiều sâu riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất từng là kẻ chợ, thanh lịch, nhẹ nhàng và tùng tiệm.

Mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước, vì vậy, bao đời nay người Việt đã khéo léo vận dụng lợi thế ấy vào mọi mặt đời sống trong đó có việc ăn uống, như một phần đặc trưng trong văn hoá – ẩm thực.

Lâu đài Hoàng Yến Chao là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp phong cách phương Đông với phương Tây, được xây dựng ở thế kỷ 20. Lâu đài nằm trên địa phận bản Nà Hối Thổ, huyện Bắc Hà (qua chợ Bắc Hà khoảng 300 m (900 ft) là tới nơi).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục