Phong cách ẩm thực trong văn hóa Huế
- Cập nhật: Thứ năm, 27/9/2007 | 12:00:00 AM
Không đa dạng như lối ẩm thực Bắc Hà, cũng không được phồn thực như lối ẩm thực Nam Hà, ẩm thực Huế có một chiều sâu riêng, mang đậm nét bản sắc của một vùng đất từng là kẻ chợ, thanh lịch, nhẹ nhàng và tùng tiệm.
|
Người Huế ăn uống gắn liền với ba tiêu chí là: rẻ, ngon và nhất là phải đẹp. Một món ăn không đẹp, không phải là một món ăn và với những tiêu chí đã nêu, người Huế đã chia ăn uống thành ba bậc: khẩu thực, nhãn thực và tâm thực: Một trong những món ăn được rất nhiều người Huế ưa thích là rau dại nấu canh tập tàng. Khó mà diễn tả cái mùi bách thảo lan toả khi mới được nấu chín: một chút hương thơm bùi ngùi của chồi bí, một chút chát ngọt của rau bồ ngót và chút hăng hăng của cây bồ hôi, rồi nào là dền gai, đọt thài lài non, nõn chuối chát, lá rau diếp cá... Có cảm giác như cả thế giới rau dại đã cùng nhau dung dăng dung dẻ trong bát canh xanh ngăn ngắt và gợi lên gốc gác, rằng có một thời con người đã sống bằng hái lượm. Với tuổi trẻ, thật khó có thể hiểu bát canh rau dại nhỏ đã gói gắm trong nó cả một triết lý lớn về đời sống con người. Trở lại với cách ăn, người Huế xem ẩm thực gần như là một nghi lễ. Dù đơn giản hay bày biện phong phú, bữa ăn phải thanh tịnh, chén đĩa tươm tất, tư thế ngồi đằng thằng; không lăng xăng, ồn ào trong lúc ăn. Đưa bữa là những câu chuyện gia đình vui vẻ; hết sức tránh những chuyện buồn, chuyện đàm tiếu, tranh luận và cãi vã trong bữa ăn. Chính trong bầu không khí có vẻ như tôn giáo ấy, các thành viên trong gia đình ý thức nhiều hơn về sự bao dung và cẩn trọng trong hành xử hằng ngày. Thú vị nhất là với một món ăn không bao giờ được dọn ra một lần mà được tiếp làm nhiều lần để vừa tránh được cảm giác ối thừa thức ăn, lại vừa giữ được thức ăn nóng suốt bữa. Do không nắm được nét ẩm thực khoa học này, nhiều người lần đầu ăn cơm khách Huế đã ái ngại nhìn những chiếc dĩa con con, mà không dám "thực lòng". Văn hoá ẩm thực Huế là sự trả lời cho câu hỏi "ăn như thế nào" chứ không phải là "ăn cái gì?". Chính vì vậy, ngay từ trong bếp núc các món ăn đã được chăm chút nhiều lúc đến mức thái quá, để giữ riêng một vẻ đẹp đặc trưng. Dù món ăn đó là nem công, chả phụng, bào ngư hầm hay canh hoa lý, mắm cua gạch.... đều được thực hiện với một cung cách kỹ lưỡng như nhau. Theo thời gian, ẩm thực Huế đang lên ngôi và ngày càng phổ biến trong nước. Có thể ăn một bát bún riêu cua Huế ở góc đường Hai Bà Trưng (Pleiku), một tô cơm hến trên những con phố nghèo quận 8 (TPHCM) hoặc là dĩa bánh bèo- nậm- lọc ở đường Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn)... Món ăn Huế đã theo chân người Huế làm một cuộc du hành và ở những nơi mới đến, các món ăn có thay đổi chút ít để phù hợp với khẩu vị địa phương. Chính với cách ăn như một nghi lễ đời thường đó, người Huế đã xem ẩm thực là nhân cách. Qua cái ăn, con người bộc lộ những cách nghĩ, cách cảm về cuộc đời... (Theo TCDL)
"Khẩu thực" là ăn bằng miệng và ăn để tồn tại. “Nhãn thực” là ăn bằng mắt.; tức là thưởng thức cái đẹp trong sự đắn đo về màu sắc, hình khối, khả năng bày biện, xếp đặt để tạo ra một hiệu ứng thẩm mỹ cao. "Tâm thực" là ăn bằng cả tấm lòng mình.
Các tin khác
Mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước, vì vậy, bao đời nay người Việt đã khéo léo vận dụng lợi thế ấy vào mọi mặt đời sống trong đó có việc ăn uống, như một phần đặc trưng trong văn hoá – ẩm thực.
Lâu đài Hoàng Yến Chao là một công trình kiến trúc độc đáo kết hợp phong cách phương Đông với phương Tây, được xây dựng ở thế kỷ 20. Lâu đài nằm trên địa phận bản Nà Hối Thổ, huyện Bắc Hà (qua chợ Bắc Hà khoảng 300 m (900 ft) là tới nơi).
Núi đôi Quản Bạ cách thị xã Hà Giang 40 km, trên quốc lộ 4C tới các Huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang.
Lễ hội nghinh Ông là tục thờ cá "Ông" phổ biến từ Quảng Bình trở vào Nam (gồm cả Phú Quốc), là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân.