Xuân đến Yên Bái mà lễ đền chùa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đầu năm chảy hội đền chùa là mỹ tục ngàn đời của người Việt Nam. Tết đến xuân sang, dòng người lại đến với Yên Bái, đến với những địa danh linh thiêng được truyền tụng lâu nay. Những chùa Ngọc Am, đền Tuần Quán, đền Nam Cường ở ngay thành phố Yên Bái cũng đón hàng ngàn khách thập phương.

Tọa lạc trên dải đất hơn ngàn mét vuông ở phường Hồng Hà, chùa Ngọc Am in bóng xuống dòng sông Hồng nặng đỏ phù sa. Chùa có kiến trúc đẹp với chùa chính, đền thờ mẫu, nhà oản, nhà khách và các công trình phụ trợ. Cuối triều Nguyễn, đây là nơi các nhà buôn và chủ thuyền cắm sào nghỉ ngơi trên đường vận tải sông Hồng. Họ đã góp công dựng am để cầu bình an trong chặng giang đài. Am dựng lên bằng tranh tre nứa lá, sau được mở rộng và có sư trụ trì.

 

Ngày nay, Ngọc Am trở thành điểm đến quen thuộc của hàng ngàn phật tử và du khách ngay đầu năm. Cùng với thờ Phật, do yêu cầu của phật tử và khách thập phương, nhà chùa bố trí gian Tam Phủ riêng và cung thờ Đức Thánh Trần. Một năm Ngọc Am có nhiều lễ nhưng có hai tiết lễ thật sinh động là: "Chạy Đàn" trong lễ chay cầu siêu cho tư gia và chúng sinh cô hồn ngày rằm tháng bảy, xá tội vong nhân trước bàn thờ phật và tiết lễ Chèo thuyền về Tây Trúc.

 

Từ đường Thanh Niên, qua cổng chùa, một không gian sáng rộng và tiếng gõ mõ tụng kinh lan tỏa trên mặt sông đón du khách. Trong tiết xuân và khí thiêng đất Phật, trong âm âm hư vô của nhà chùa, tất cả những gì ồn ã của chốn đô thị, những lo toan tất bật trong cuộc sống trần tục được gạt bỏ, mọi người tĩnh tâm, hướng thiện và cầu mong sự bình an, thịnh vượng.

 

Cùng ở thành phố Yên Bái, xã Nam Cường là có một quần thể di tích văn hóa tâm linh độc đáo. Đó là chùa Vạn Thắng, đình và đền Nam Cường nằm trên đất thôn Cầu Đền, xưa kia là trang Cường Lỗ, phủ Hưng Hóa. Lưng tựa núi, ba bên bao quanh là nước, quần thể thật như bức tranh sơn thủy hữu tình. Mới có lịch sử chừng 100 năm, nhưng ở vị trí đắc địa, với thế long chầu hổ phục uy nghiêm và gần gũi, tiếng thiêng của ngôi đền mẫu lan truyền từ người này sang người khác.

 

Bên cạnh đền chùa, đình Nam Cường cũng đã được xếp hạng di tích. Đây là nơi ghi công những người đã có công khai sinh lập xã. Cổng đình còn lưu: Tiền nhân khổ tứ khai lập xã Lưu danh công đức cốt tự nhân/ Hậu thế tu tâm xây nghiệp vững Nhân hòa lưu tụ vạn y dân. Quần thể đình-đền-chùa này đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của đông đảo nhân dân, là nơi để con cháu ghi khắc tâm đức ông cha.

 

Ngày rằm mồng một, bà con trong làng và nhiều người dân ở các nơi thành tâm dâng lễ đền-chùa, cầu xin sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hội đền được mở vào rằm tháng giêng. Thôn làng dâng cúng những lễ vật tự tay họ làm ra và dâng sớ lên thánh mẫu về những gì làm được năm qua và điều mong muốn trong năm mới. Trong hội còn có lễ thả chim mang theo ước nguyện cầu an, tổ chức mừng thọ người cao tuổi, biểu dương tặng quà những con cháu học hành đỗ đạt và tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống.

 

Từ chùa Ngọc Am xuôi dọc sông Hồng chừng 2 cây số, lại có đền Tuần Quán thuộc đất phường Yên Ninh. Đền Tuần Quán - ngôi đền đã từng mang tên đền Quốc Mẫu Thánh Ân Bách Lẫm cũng là nơi linh nghiệm lắm. Đền được gọi là Linh tích, vốn là 1 trong 16 trạm dịch lộ dọc sông từ Tuần Quán đến biên ải lập ra từ năm Thái Bảo (1721). Địa danh này gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử giữ nước từ thời Trần đến những năm kháng chiến chống Pháp.

 

Đền Tuần Quán dựa lưng vào gò đồi, hướng ra điểm hợp lưu của ngòi Tuần Quán và sông Hồng nên có một không gian thoáng đạt, phong cảnh nên thơ. Tại khu vực này, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật bằng gốm, sứ có giá trị. Đền đã từng được đánh giá là công trình kiến trúc nổi bật bên tả ngạn sông Hồng. Sau khi hoàn tất việc xây lại năm 1999, đền có đại bái rộng 160 mét vuông, hậu cung rộng 15 mét vuông. Cuốn Đền đình chùa ở tỉnh Yên Bái của tác giả Hồ Văn Thái và Nguyễn Liễn cho biết, đền Tuần Quán đã được sắc phong 10 lần.

 

Theo truyền thuyết, lúc đầu đền thờ Diệp phu nhân, một người có công giúp vua đánh giặc Nguyên, bảo vệ giang sơn. Sau đó đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, Đức Thánh Trần và các vị thần thánh. Bên cạnh đền có Lầu Sơn Trang thờ đủ 12 cô và 10 cậu là nơi khách thập phương cầu làm ăn may mắn, buôn may bán tốt, gặp được duyên lành, cầu cho con cháu mạnh khỏe, ngoan ngoãn học hành tiến bộ.

 

Ngoài lễ sóc, lễ vọng hàng tháng, ở đền thường diễn ra 13 lễ trong năm âm lịch. Đáng chú ý là Giỗ quan Lớn Tuần ngày 25 tháng 5, tiệc Cô Ba Bơ ngày 12 tháng 6, tiệc ông Hoàng Bảy ngày 17 tháng 7, tiệc Cô Chín ngày 9 tháng 9, tiệc ông Hoàng Mười. Nhà đền tổ chức giỗ Mẫu vào ngày 3 tháng 3, giỗ Cha ngày 20 tháng 8. Hội đền được tổ chức từ mồng 1 đến mồng 6 tháng 3 âm lịch với nhiều nghi thức truyền thống thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

 

Chẳng riêng đền Tuần Quán, Nam Cường hay Ngọc Am, đến với Yên Bái trong mùa xuân Mậu Tý, du khách sẽ còn hòa trong không khí Lễ hội đền Đông Cuông ở huyện Văn Yên, đền Đại Cại ở Lục Yên, đền Thác Bà ở Yên Bình, đền Hóa Cuông ở Trấn Yên và nhiều điểm nhấn của du lịch văn hóa lễ hội, tâm linh của tỉnh Yên Bái. ở đó du khách sẽ có những khoảng khắc tĩnh tâm, thư thái và đón nhận sự linh nghiệm cho mong ước của mình ngay từ những ngày đầu xuân mới.

 

Quang Tuấn

Các tin khác
Khau Phạ trong mây.

YBĐT – Từ thành phố Yên Bái, ngược theo quốc lộ 32 chừng 5 giờ đồng hồ, qua thị tứ Tú Lệ, đèo Khau Phạ huyện Mù Cang Chải hiện ra đẹp như một bức tranh. Cả một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng, những cánh rừng già còn mang đậm nét nguyên sơ và những triền ruộng bậc thang là những kỳ quan bởi bàn tay kheo léo của người Mông.

Đỉnh Phan Xi Păng đứng từ núi Hàm Rồng.

Trả lời phỏng vấn báo chí tối ngày 21/1, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin – Thể thao – Du lịch Hoàng Tuấn Anh thông báo tin vui đầu năm mới 2008:

Là loài cá nhỏ không bao giờ thiếu vắng trong các cánh đồng lúa nước, cá rô từ lâu đã là loại thực phẩm tạo nên các món ăn dân dã mà hấp dẫn lạ lùng. Ngoài những món truyền thống như cá rô kho tương, cá rô nướng trui, đến với thành phố Thanh Hóa bây giờ, bạn còn có thể tìm thấy một hương vị lạ mà quen từ món miến cá rô.

Thủy cung Vinpearl tại Vinpearl Land – Nha Trang sẽ chính thức đi vào hoạt động vào ngày 31/1/2008. Với diện tích 3.400m2, chia làm nhiều không gian trưng bày và có hơn 200 họ, loài sinh vật, đây có thể coi là thủy cung lớn và hiện đại nhất tại Việt Nam hiện nay.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục