Du xuân đất Ngọc

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/2/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cứ vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, người dân Lục Yên lại tổ chức lễ hội Đền Đại Cại. Lễ hội luôn thu hút đông đảo du khách thập phương bởi lẽ đây là lễ hội tâm linh đặc sắc của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.

Hội xuân Đại Cại Ảnh: Q.T
Hội xuân Đại Cại Ảnh: Q.T

Vượt cầu Tô Mậu bắc qua dòng sông Chảy vài ki-lô-mét, Khu di tích lịch sử Hắc Y - Đại Cại nằm giữa trùng điệp những dãy núi đá vôi. Dãy núi Vua Áo Đen, Bạch Mã chìm trong màn sương trắng càng khiến cho cảnh vật đậm chất tâm linh, huyền thoại...

Theo sử sách và những di chỉ khảo cổ khai quật ở đồi Hắc Y, đình Bến Lăn... thì mảnh đất Lục Yên xưa lưu giữ một bề dày truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha. Đền Đại Cại thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh, một nữ tướng có công lớn cùng Gia quốc công Vũ Văn Mật phò vua Lê chống nhà Mạc giữ yên bờ cõi.

Là phó tướng phụ trách quân lương ở vùng núi non hiểm trở, bà đã lập ấp, khai khẩn đất hoang, biến một dải sông Chảy thành sơn trang sầm uất. Hơn thế, bà đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi phổ biến cho nhân dân quanh vùng và trồng thảo dược để chữa bệnh cho dân. Nhờ vậy, nhân dân đã biết khai khẩn đất hoang, trồng bông dệt vải. Biết ơn công đức của bà, sau khi bà mất, nhân dân lập đền thờ.

Cùng thời gian, đền thờ bà được xây dựng ngày càng to đẹp và đã được nhận ba sắc phong của vua Cảnh Hưng (1784), vua Tự Đức (1787) và vua Duy Tân. Với những chứng tích được phát hiện, năm 2001, Khu di tích lịch sử - khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia với 8 địa điểm là: đình Bến Lăn (4 địa điểm), đồi Hắc Y, Chùa Dõng, Đền Đại Cại và núi Vua Áo Đen.

Về quần thể di tích, sau nhiều thời gian khảo cứu, theo Giáo sư Sử học Trần Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì di tích lịch sử khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại là quần thể di tích Phật giáo, có kiến trúc khá tiêu biểu của thời Trần được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII và là trung tâm Phật giáo có ý nghĩa rất to lớn trong đời sống tâm linh ở khu vực này. Các kiến trúc có liên quan đến nhân vật lịch sử được triều đình giao nhiệm vụ trấn ải vùng biên viễn này là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.

Với bề dày truyền thống lịch sử đó, lễ hội Đền Đại Cại được tổ chức trang trọng. Phần lễ được chia làm ba phần chính là: lễ thượng nguyên cầu cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; lễ dâng hương của nhân dân các xã quanh vùng tưởng niệm những người có công với đất nước, báo công với chúa Bà và phần rước.

Trong đó, lễ rước Bà trên sông về đền chính hấp dẫn hơn cả, được tái hiện với đoàn thuyền lớn trên dòng sông Chảy và lễ vật là những mâm lễ lớn gồm hoa quả, oản, bánh... do những cô gái đồng trinh người Dao, Tày, Nùng, Kinh rước. Đi theo rước chúa Bà là đội quân mang trang phục quân tướng nhà Trần với nón nhọn, giáo dài, mặc áo vàng, tay cầm khiên.

Sau khi xem phần lễ độc đáo với nghi lễ trang trọng, du khách sẽ đến với phần hội. Đó là những trò chơi dân gian truyền thống như: đua thuyền trên sông, kéo co, đẩy gậy... và được thưởng thức những món ăn truyền thống như: cá nướng, măng rừng, thịt lợn cắp nách, vịt nướng, các loại bánh tẻ, bánh nếp... cùng những sản vật của người dân địa phương.

Trong không khí lễ hội vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu xuân, xuôi dòng sông Chảy, du khách sẽ về thăm hang Chùa São, nơi được mệnh danh là "Đệ nhất Hương Thảo động". Thăm hang, du khách sẽ sửng sốt trước vẻ lộng lẫy của những nhũ đá muôn hình vạn trạng.

Tiếp nối hành trình, du khách đến bình nguyên xanh Khai Trung với những ngôi nhà sàn ẩn giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng... Tận hưởng không gian thoáng đãng của đất trời, du khách sẽ tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của người Dao, người Tày và được thưởng thức những món ăn độc đáo của bà con nơi đây mà chắc rằng hương vị thật khó quên khi xa...

  Minh Bảo

Các tin khác

YBĐT - Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ) là một trong những lễ hội lớn của nước ta đã có từ xa xưa và lưu truyền đến ngày nay. Cháu con của mẹ Âu Cơ ở khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm lại tìm về quê Mẹ với tấm lòng thành kính và biết ơn.

Xòe xuống đồng.

Sáng ngày 10-2, tức mồng bốn Tết, xã Thanh Phú, huyện Sa Pa đã tổ chức lễ hội xuống đồng đầu năm mới.

Thờ mẫu (mẹ) là một trong những tập quán sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tập quán này đã trở thành mỹ tục thấm đậm nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Lễ hội đền Quốc mẫu Âu Cơ thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa là khởi thủy của mỹ tục này.

Kính cẩn dâng lễ dưới chân tượng Quang Trung.

Mùng 5 Tết, hàng nghìn người dân đổ về Gò Đống Đa - Hà Nội dự lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Nơi cách đây 219 năm, Quang Trung Nguyễn Huệ đã hoàn thành tâm nguyện "Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục