Xá Nhè, chợ phiên đa sắc
- Cập nhật: Thứ tư, 12/3/2008 | 12:00:00 AM
Chợ phiên Xá Nhè (huyện Tủa Chùa, tỉnh Ðiện Biên), sáu ngày một phiên, họp vào ngày dậu, ngày mão. Chợ có sức thu hút rất đông đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao, Phù Lá, Kinh...
Một góc chợ phiên
Xá Nhè (Điện Biên).
|
Chợ như ngày hội phô bầy đặc sắc của đất và người một góc vùng cao Tổ quốc.
Sớm tinh mơ, bản gần, làng xa đã rậm rịch bước chân đồng bào xuống chợ. Mặt trời nhô lên đỉnh núi thì cả một khoảng đất rộng đã ngập tràn mầu sắc và rộn rã tiếng nói cười. Người già, trẻ nhỏ, nhất là thanh niên, thiếu nữ, ai ai cũng rạng rỡ trong bộ trang phục mới, tươi cười hớn hở như đã trút đi vất vả cực nhọc ngày ngày, để mà say sưa với không khí chợ phiên rực rỡ, thỏa thuê ngắm nhìn và giao lưu, đồng cảm với cộng đồng rộng lớn nhiều sắc mầu mới lạ .
Khách du lịch hào hứng ngắm nhìn bức tranh sống động vùng cao, như là kỳ ảo bởi sự đa sắc của những khăn "piêu", khuy bạc thiếu nữ Thái; những ô nhiều mầu, thắt lưng mầu đỏ nổi trên mầu áo chàm người Mông; khăn áo ngũ sắc truyền thống của người Dao..., tất cả sắc mầu thiên nhiên đổ về hòa quyện và chuyển động vô cùng tận trong khoảng không gian viền bóng núi, dưới cây cọ vẽ vô hình của đời sống, trên cái nền ồn ào như sóng của tiếng nói cười.
Sản vật không phong phú chủng loại, nhưng không ít sắc mầu và hương vị -những gạo thơm từ lúa nương; rau quả, cây trái vườn nhà; gia súc gia cầm giống núi; dược liệu, hương liệu, mật ong... của rừng; đồ mây tre đan lát, vải vóc, thổ cẩm... của những bàn tay cần mẫn, khéo léo.
Giao lưu kinh tế vùng cao nay đã khá, tư thương các vùng tìm đến làm phong phú thêm mầu sắc, âm thanh bằng những sạp hàng tạp hóa, những máy xay xát, điểm sửa chữa xe máy, xe đạp, đồng hồ, đồ điện...
Chợ mỗi ngày một đông và sôi động thêm nhờ những tư thương tìm đến thu mua nông-lâm sản, yên tâm là sạch bởi đồng bào thuần hậu chưa dùng hóa chất kích thích cây trái tăng trưởng hoặc giữ bền rau quả. Người nhạy thị trường thì săn đặc sản độc đáo như gà "hắc nhục" - cả lông và thịt mầu đen, dân thường gọi là "gà thuốc"...
Không phải vì ham bán mua, mà ham vui văn hóa, mới thật sự biến chợ phiên thành hội. Người mua kẻ bán chẳng cần mặc cả, bán được mua được hay không vẫn nói cười hể hả. Trẩy hội kia mà. Ðể được nghỉ ngơi một ngày, mà đắm chìm vào cảnh sôi động nhiều mầu sắc lạ mắt gây phấn chấn. Ðể được gặp gỡ, trò chuyện với đồng bào không cùng tiếng nói nhưng chan hòa, thân thiết.
Ðàn ông có thú vui riêng. Họ kéo bạn bè vào quán lá với vài món đơn sơ, vui ngả nghiêng với men rượu ngô thơm lan tỏa. Và cao hứng hát hò, thổi khèn, múa lượn... Thanh niên, thiếu nữ gặp gỡ làm quen, mến nhau thì hẹn phiên chợ tới, nhiều đôi nên nghĩa vợ chồng. Trẻ con thì đặc biệt hào hứng, như là choáng ngợp thấy thế giới tuổi thơ rực rỡ, đầy ắp niềm vui sống...
Ðến lượt nó, chợ phiên-hội vùng trở thành một đặc sản hấp dẫn bậc nhất của du lịch vùng cao-nơi thiên nhiên giầu có, trong lành, đồng bào lam lũ mà thuần hậu, làng bản tiềm ẩn giầu có văn hóa cổ truyền và khát khao giao lưu, hòa nhập hồn nhiên vào cộng đồng rộng lớn mà sự phát triển làm cho mỗi ngày thêm mới mẻ...
(Theo NDĐT)
Các tin khác
Chùa Huyền Không, tọa lạc trên lưng chừng vách đá ở núi Hằng Sơn, thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, là một trong những kiến trúc bằng gỗ tinh sảo, độc nhất vô nhị trên thế giới.
YBĐT – Tăm Khảu Mảu, hay còn gọi là lễ hội Giã cốm là phong tục tập quán, là nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Tày ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Thốt nốt được trồng nhiều nhất là ở vùng Tịnh Biên, Tri Tôn (Bảy Núi, An Giang) và khu vực Hà Tiên (Kiên Giang). Ngoài việc cho đường, cơm thốt nốt có mùi thơm mít chín, còn được đồng bào vùng Bảy Núi chế biến thành bột làm ra một số loại bánh, phổ biến nhất là bánh bò hoặc nấu chè và bánh thốt nốt.
Trên ba mươi công ty Việt Nam đã tham dự Hội chợ du lịch lớn nhất thế giới (ITB), từ ngày 05 - 09-3-2008, tại Trung tâm Hội chợ quốc tế Berlin, CHLB Đức. Trong số này có 26 công ty đến từ trong nước, 10 công ty tại Đức và một công ty đến từ Anh quốc.