Sa Pa - viên ngọc giữa lưng trời

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/5/2008 | 12:00:00 AM

Ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển, thị trấn Sa Pa ảo huyền, thơ mộng đã từng được các văn nhân nghệ sĩ ví von là Đà Lạt của phương Bắc, là AnPơ của xứ Đông Dương, là người đẹp trong rừng, là chốn bồng lai tiên cảnh…

Sa Pa - viên ngọc trong sương
Sa Pa - viên ngọc trong sương

Với ưu thế về vị trí địa lý, phong cảnh, khí hậu, từ đầu thế kỷ 20 Sa Pa đã được biết đến với chức năng nghỉ mát - an dưỡng. Ngày nay, cùng với công cuộc dựng xây và phát triển của Lào Cai, Sa Pa càng đẹp và thơ mộng hơn, như viên ngọc giữa lưng chừng mây trời núi non hùng vĩ. Sa Pa là tên gọi xuất xứ từ tiếng địa phương “Sa Pả” tức là bãi cát. Vị trí của bãi cát được xác định là thung lũng phía ngoài thị trấn chừng 4km, tức là khoảng thung lũng cuối dãy Hàm Rồng, nơi có cây cầu km32 thuộc địa bàn xã Sa Pả hiện nay, còn vị trí của huyện lỵ nằm trên khu vực có tên cổ là Hồng Hồ.

Tương truyền rằng xa xưa trên vùng đất lưng chừng mây núi Hoàng Liên, có một mạch nước ngầm màu đỏ đùn lên. Cư dân bản địa gọi là “Hồng Hồ” - nguồn suối nước đỏ. Hồng Hồ nay đã trở thành một hồ nước được chăm sóc kỹ luỡng trong mục tiêu giữ gìn đô thị xanh sạch đẹp, Hồng Hồ thơ mộng soi bóng những công trình mới cùng cỏ cây hoa lá, non nước trời mây. Về âm điệu Sa Pả, do người Pháp không phát âm được dấu hỏi, nhưng vẫn tôn trọng địa danh nên đã gọi là Sa Pa. Từ những năm đầu thế kỷ 20 ấy, địa danh Sa Pa đã được chính thức ghi vào các văn tự, để đến ngày nay, danh tiếng Sa Pa - vùng du lịch hấp dẫn của Lào Cai - Việt Nam đã bay khắp năm châu.

Trong trung tâm thị trấn Sa Pa, ở rất nhiều góc độ đều có thể nhìn thấy núi Hàm Rồng. Ngọn núi như đầu rồng ngẩng cao hướng về phía đỉnh Phan Xi Păng của núi Hoàng Liên chất ngất. Gắn với núi là những truyền thuyết được thêu dệt bằng quan niệm dân gian thú vị và bất ngờ.

Chuyện kể rằng, thuở khai sinh lập địa, có đôi rồng sống trên vùng đất này, khi ấy đất còn bằng phẳng. Rồng chàng to lớn vạm vỡ, đĩnh đạc và nghị lực; rồng nàng bé bỏng tươi xinh, năng động và nghịch ngợm. Đôi lứa quấn quít trong tình yêu thương, đầm ấm, vui vẻ. Đến lúc Ngọc Hoàng Thượng đế định ranh giới cho muôn loài cư ngụ, thì rồng nàng vẫn mải mê tắm suối với những trò nghịch ngợm hồn nhiên, nên khi thời gian đã điểm, rồng chàng hoá thành dãy Hoàng Liên, thì rồng nàng không đến kịp. Do đó, rồng nàng hoá thành dãy núi nhỏ hơn uốn lượn hướng về phía rồng chàng.

Còn có một chuyện khác nữa, đó là xửa xưa có 3 anh em Rồng sống quây quần trên vùng đất Hồng Hồ. Ngọc Hoàng ban lệnh: “Phía Đông đã chật hẹp, phía Tây còn rộng dài, khi nghe hiệu lệnh của ta, muôn loài hãy chạy về phía Tây để nhận cát cứ của mình”. Tiếng cồng từ thinh không vang lên, hai rồng anh to khỏe hơn nên chạy đến nơi này thì hóa đá thành dãy Hoàng Liên Sơn sừng sững, còn chú em bé nhỏ chậm chân hơn đành hoá đá trong tư thế hướng về hai người anh mình, miệng còn dở dang câu gọi: “Đợi em với!” Vì vậy, núi Hàm Rồng hướng về dãy Hoàng Liên với cái đầu vẫn như vang tiếng gọi tình cảm anh em thân thiết.

Trên núi Hàm Rồng, xen giữa các cụm rừng đá là hàng ngàn loài hoa luôn tỏa hương khoe sắc, trong đó có hoa cẩm tú đẹp kỳ diệu bởi mỗi bông hoa có đến 5 màu sắc, tuy nhiên nếu tách rời từng bông sẽ không thấy hết vẻ đẹp. Dường như hoa cũng có nhân tính cộng đồng, vì cẩm tú chỉ đẹp nhất khi đứng trong cộng đồng của mình, các bông hoa tôn vinh vẻ đẹp của nhau lên.

Còn trên dãy Hoàng Liên Sơn điệp trùng kỳ vĩ, thảm động - thực vật chứa đựng đa dạng sinh học làm cho bất cứ ai cũng phải ngạc nhiên. Theo tài liệu khoa học, thì 600 triệu năm trước cả khu vực này còn chìm trong sóng biển, sau nhiều cuộc vận động của vỏ trái đất, mãi đến thời kỳ Tân kiến tạo cách đây khoảng 100 triệu năm, mới hình thành các dãy núi trùng điệp. Hoàng Liên Sơn chính là bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ nhất khu vực Đông Nam á, với 700 loài thực vật đặc hữu cùng hàng trăm loài động vật có tên trong sách đỏ.

Khí hậu Sa Pa cũng thật độc đáo với 4 mùa thời tiết trong một ngày. Buổi sáng mặt trời lên, muôn hoa tỏa hương khoe sắc như Mùa Xuân; buổi trưa ấm nắng thỉnh thoảng phớt chút mưa như mùa hạ ; buổi chiều nắng tắt, không khí hơi se lạnh như mùa thu; và khi đêm xuống - dường như mùa đông đã về. Sa Pa còn có tuyết rơi với tần suất từ 4 đến 6 năm một lần dịp cuối đông đầu xuân. Các năm không có tuyết rơi, băng giá vẫn xuất hiện trên đỉnh đèo Hoàng Liên, đóng cứng trên cây cối thành lớp dày, thậm chí kéo đổ cả những cây thông non vài tuổi. Màu trắng tinh khôi của băng giá Sa Pa đã tăng cường thêm sự hấp dẫn của vùng đất vốn dĩ đã nhiều kỳ thú này, nên du khách trong nước và quốc tế đến với Sa Pa ngày một nhiều.

Những điều kiện tự nhiên đã tạo cho Sa Pa một tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng. Tất cả đều như món quà mà thiên nhiên ưu đãi cho Sa Pa. Về xã hội, ngay từ xa xưa nơi đây đã là địa điểm cư trú của người Việt cổ và người Tày. Sau đó, những bộ tộc người Hmông, Dao, Giáy, Xa Phó cũng chọn lựa làm nơi định cư quần tụ sinh sống muôn đời. Các dân tộc anh em luôn kết đoàn chống lại thiên tai địch họa, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất và chống kẻ thù chung. Người Giáy ở Tả Van Giáy, khu vực thung lũng Mường Hoa vẫn cúng thần đất theo truyền thuyết là người Tày trong lễ hội xuống đồng đầu năm. Lễ hội này cũng là nơi cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người bình an và gia súc gia cầm sinh sôi. Mỗi dịp tổ chức lễ hội, cùng với người Giáy (đóng vai trò tổ chức), phần hội còn có sự tham gia đông vui náo nhiệt của các dân tộc anh em trong khu vực như người Mông, người Tày, biểu hiện tình đoàn kết keo sơn dưới chân núi Hoàng Liên từ lâu đời.

Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, Sa Pa được gọi bằng cái tên: Tổng Hướng Vinh. Nhân dân Sa Pa sớm giác ngộ tinh thần cách mạng, trong đó có ông Nguyễn Tài Thu (hiện là giáo sư, viện trưởng Viện châm cứu Việt Nam) tổ chức đội hướng đạo sinh thân Việt Minh, rồi tham gia cách mạng, gia nhập Vệ quốc đoàn. Hai lần giải phóng Sa Pa cũng là hai cuộc chiến đấu kiên cường anh dũng của dân Sa Pa dưới ngọn cờ của Đảng để vùng lên đánh đuổi bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai, làm chủ thân phận mình.

Truyền thống yêu nước được dưỡng nuôi bằng mạch nguồn hào khí cha ông. Nằm kề trung tâm thị trấn, ngôi đền Hàng Phố nép mình bên vách đá dựng đứng trên đường đi xuống thung lũng San Sả Hồ. Ban thờ chính vọng tưởng Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo, vị tướng lừng danh ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông, nhà chiến lược an dân bình xã tắc đã hiển thánh trong lòng dân tộc. Ngôi đền có mặt trên đất này đã hàng trăm năm nay, theo tín ngưỡng dân gian, trong đền còn thờ Phật, Ngọc Hoàng thượng đế, Tam toà thánh mẫu và các ông hoàng.

Đến với Sa Pa cũng là đến một vùng tài nguyên nhân văn đặc sắc. Chợ Sa Pa luôn thu hút du khách trong và ngoài nước. Đường vào chợ có nhiều bậc đá từ đầu thế kỷ do người Pháp xây dựng phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng vẫn thầm lặng chứng kiến cuộc sống đổi thay của ngày hôm nay. Trong chợ, thổ cẩm của người Hmông, người Dao - những họa tiết, hoa văn, trang phục truyền thống đã trở thành hàng hoá trong nền kinh tế du lịch. Đồng bào có nguồn sống và làm giàu nhờ những hiệu quả cụ thể nhất của chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Đến với Sa pa cũng là đến một Sa Pa phố. Nếu như ở những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, phố Sa Pa còn lấm lem bùn đất, đen đúa và ẩm ướt đến khó chịu, thì ở những năm của thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ 21 này, cuộc vận động chuyển mình trong kiến thiết dựng xây đô thị đã làm cho Sa Pa như trút bỏ hình hài cô bé lọ lem để trở thành nàng công chúa lộng lẫy. Đặc biệt là từ năm 2004, khi chương trình hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với vùng A-qui-ten cộng hòa Pháp về quy chế xây dựng đô thị Sa Pa hoàn thành, thì việc coi trọng cảnh quan, thực hiện nguyên tắc kiến trúc phù hợp với thiên nhiên Sa Pa đã làm cho đô thị được quy hoạch theo hướng phát huy giá trị ưu đãi của tự nhiên.

Cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội luôn là điều kiện quan trọng nhất cho sự phát triển của một vùng đất. Phan Xi Păng - nóc nhà Đông Nam á theo là biến âm từ “Hòa Sử Pan”, nghĩa là ba tảng đá chống trời. Ngọn núi là một phần của Sa Pa, là đỉnh điểm cao độ về địa lý, và đỉnh điểm quyết tâm chinh phục của biết bao người.

Bên dãy Hoàng Liên Sơn điệp trùng hùng vĩ, dáng hình một thành phố trong mây trong núi - có sự gắn kết hài hòa giữa thiên nhiên hoang dã và bản sắc văn hóa, giữa tài nguyên sinh thái và tài nguyên nhân văn - vẫn hiện lên đầy tự tin và rạng rỡ. Sa Pa xứng đáng với hình tượng viên ngọc quý lung linh tỏa sáng giữa lưng trời.

(Theo LCĐT)

Các tin khác
Thiên nhiên trải rộng trên hồ Thác Bà.

YBĐT - Ngày Quốc tế lao động 1-5 và nhân dịp ra mắt hoạt động, Công ty Lavie Vũ Linh đã đón và phục vụ hàng trăm lượt du khách quốc tế đến với điểm du lịch Ngòi Tu ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái).

(Ảnh: Báo Lào Cai).

Sáng 30/4, tại Khu du lịch Hàm Rồng, Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa phối hợp với Công ty Cổ phần du lịch cao su Hàm Rồng đã tổ chức "Lễ hội trên mây".

Múa dân tộc tại lễ hội.

Lễ hội trên mây Sa Pa mở đầu cho "Tuần văn hóa- du lịch Sa Pa 2008” đã khai mạc sáng 30-4 trên đỉnh núi Hàm Rồng ở độ cao hơn 2.000m của thị trấn du lịch. Sự kiện đã thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước, trong dịp nghỉ lễ.

Chả bắp

Cuối tháng 5, trời đổ mưa, ở quê tôi vào mùa trỉa bắp. Bắp có thể chế biến rất nhiều món ngon, nhưng tôi thích nhất bẻ bắp còn non vô mài làm chả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục