Về đất hai vua

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/5/2008 | 12:00:00 AM

Đi khắp đất nước, có lẽ không nơi đâu nhiều đá ong đến mức nhuộm màu nâu đỏ cả một vùng, và có lẽ không nơi đâu có những ngôi nhà cổ, sân đình, giếng làng... còn vẹn nguyên nét cổ xưa như ở Đường Lâm (TP. Sơn Tây - Hà Tây). Cho đến thời điểm này, đây là ngôi làng đầu tiên và duy nhất cả nước được công nhận Di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Đây còn là quê hương của các vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng và Ngô Quyền...

Ngõ nhỏ trong làng cổ Đường Lâm với những bức tường đá ong bao quanh.
Ngõ nhỏ trong làng cổ Đường Lâm với những bức tường đá ong bao quanh.

“Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ...”

Với bất cứ ai từng có dịp về đây đều nhận thấy vẻ quyến rũ nhất của Đường Lâm chính là những vỉa đá ong cổ màu nâu đỏ xen lẫn màu vàng dọc khắp làng. Đá ong với vẻ rắn rỏi để dựng nhà, xây tường, bếp, vòm cổng... đã đi vào tranh, vào thơ của bao người. Ngày xưa, nhà thơ Quang Dũng từng thổn thức: “Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ...”. Đá ong có ở khắp vùng trung du Hà Tây, nhưng với Đường Lâm, nó đã trở thành vẻ đẹp lâu đời và đáng tự hào của người dân xứ Đoài bởi nét nguyên sơ, vừa u buồn vừa rực rỡ. Đường Lâm còn đẹp ở khuôn cổng cổ kính mấy trăm năm, với ba bề bốn bên đều có cổng: cổng Sui ở đầu xóm Sui, cổng Hậu ở đầu xóm Hậu, cổng Hè ở cuối xóm Hè. Cổng lớn nhất nằm ở đầu làng với một cây đa cổ thụ và một bến nước bốn mùa xanh ngắt, mang đậm chất làng quê Bắc Bộ.

Nhà văn Hà Nguyên Huyến, người con của đất Đường Lâm đã từng viết: Có một chuyện rất hay về kiến trúc đường làng ở Đường Lâm với những ngả đường hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ cụt. Vì thế, trộm vào làng có chạy đường nào rồi cũng bị bắt, bởi khi có động, tráng đinh cả làng ùa ra, ngay lập tức gặp nhau ở một chỗ. Các cụ già ở đây vẫn thường tự hào về điều này, bởi đường xương cá chính là đường chống trộm cướp, giặc dã rất tuyệt vời của một cộng đồng dân cư nông nghiệp khép kín.

Tương Đông Sàng, một đăc
sản của Đường Lâm
.

Từ xa xưa, vào kỳ lễ hội, người người từ các ngõ nhỏ toả vào các trục đường chính, tụ lại nơi sân đình. Hội làng mở từ mùng 4 đến mùng 10 tháng Giêng để thỉnh cầu trời đất, thần thánh phù hộ cho mưa thuận gió hoà. Bên cạnh đình còn có hệ thống điếm ở mỗi xóm, về mặt tín ngưỡng, có lẽ đây là nơi thờ thổ thần xóm. Cũng như các làng quê Việt khác, mỗi xóm nhỏ đều có một giếng làng, giếng xóm Sui còn có cả tấm bia ghi khắc ngày khởi công với bốn chữ: “Nhất phiến băng tâm”, nghĩa là một mảnh tâm trong sạch.

Theo một số nhà nghiên cứu, làng Mông Phụ là đại diện duy nhất về lúa nước châu Á còn sót lại mà tiêu biểu là đình làng Mông Phụ. Căn cứ vào niên đại xây dựng xác định được, đình có cách đây 364 năm. Ngôi đình mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc Việt - Mường với sàn gỗ, nét trạm trổ tinh vi trong từng nhát đục, bức trạm cốn, đầu dư. Đình Mông Phụ đặt trên đầu rồng mà giếng làng là hai mắt, sân đình đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh, khi mưa xuống, nước từ ba phía ào ạt đổ vào (nước chảy chỗ trũng), sau đó từ từ thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo nách đình (chống thuỷ lôi tâm). Từ xa nhìn lại, trong mưa, hai rãnh nước như hai râu rồng, vừa thật lại vừa ảo. Quả là ý tưởng hết sức độc đáo của các kiến trúc sư cổ.

“Lễ nghĩa bách niên Mông Phụ ấp”...

Đường Lâm, tên nôm na gọi là Kẻ Mía. Tục danh này bắt đầu từ cái tên Cam Giá (mía ngọt). Cam Giá xưa được chia thành hai tổng: Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ, trong đó Cam Giá Thượng là các xã thuộc miền Cam Thượng, Thanh Lũng, Bình Lũng... (nay thuộc huyện Ba Vì); Cam Giá Hạ là xã Đường Lâm ngày nay. Truyền thuyết kể lại rằng, năm ấy cọp về bắt đi bao nhiêu mạng người. Dân trong vùng sợ hãi không dám vào đồi kiếm củi, hái chè. Có một chàng trai khoẻ mạnh, quyết tâm diệt hổ dữ, trừ hoạ cho dân làng. Lựa một tháng cuối đông, chàng trai bện người nộm đem vào đồi đến bên mép nước cắm xuống ba bốn đêm liền như thế... Cho đến một hôm, hổ dữ ra vũng nước duy nhất còn sót lại, trước khi vục đầu xuống, hổ ta lấy tay tát đổ người nộm như mọi hôm. Nhưng nó không ngờ rằng, hôm nay có một cánh tay cứng như sắt đã túm chặt lấy bờm nó và liên hồi giáng xuống những cú đấm sấm sét. Chàng trai thông minh, dũng cảm ấy chính là Phùng Hưng. Trong cảnh đất nước chịu ách đô hộ của nhà Đường, Phùng Hưng đã cùng em là Phùng Hải và Bồ Phá Cần chiêu tập binh sĩ cùng nhân dân phất cờ khởi nghĩa. Ông đánh thành Tống Bình (Hà Nội), đập tan đạo quân xâm lược của Cao Chính Bình và dành lại quyền độc lập tự chủ. Nhân dân tôn vinh ông là Bố Cái Đại Vương (761- 802).

Đình Tổng thờ Bố Cái Đại Vương.

Còn Ngô Quyền (898-944) là con trai Châu mục Đường Lâm Ngô Mân, người làng Cam Lâm. Ngô Quyền sinh ra đã có tướng mạo hơn người, mắt sáng như sao, sức địch thiên hạ. Lớn lên, ông làm nha tướng cho Dương Diên Nghệ, trấn thủ châu Hoan, châu ái. Sau loạn Kiều Công Tiễn, ông trấn yên nước nhà và tiến hành cuộc kháng chiến chống thù ngoài với trận đánh trên sông Bạch Đằng nổi tiếng.

Một nhân vật lỗi lạc cũng đã để lại mốc son chói lọi trong trang sử nước nhà là Thám hoa Giang Văn Minh, sinh năm Nhâm Ngọ (1582) ở làng Mông Phụ. Tháng 2 năm Mậu Thìn (1628), đời Lê Thần Tông, ông dự khoa thi Hội, đỗ nhất giáp tiến sĩ Đình nguyên Thám hoa, cập đệ tam danh (không có Trạng nguyên, Bảng nhãn), được triều đình cử làm chánh sứ, dẫn đầu một phái bộ sang Triều Minh. Trong khi hội kiến với vua nhà Minh (Minh Tư Tông), sứ thần Giang Văn Minh đã trổ tài thao lược, đối đáp. Một lần vua Minh ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng trụ đến nay rêu đã phủ xanh), Giang Văn Minh đối lại rằng: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (sông Bạch Đằng từ xưa máu thù còn loang đỏ”. Vua Minh nổi giận vì nhắc tới nỗi nhục thua trận liền sai mổ bụng sứ thần Giang Văn Minh xem “gan to mật lớn” đến nhường nào. Giang Văn Minh chết (639). Ông được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (không để nhục mệnh vua). Vì thế mới có câu:

“Lễ nghĩa bách niên Mông Phụ ấp
Phong thanh thiên cổ Thám hoa môn”
(Tạm dịch là: Lễ nghĩa trăm năm là làng Mông Phụ /Tiếng thơm nghìn thuở cửa cụ Thám hoa này). Đây chính là câu đối trong từ đường thờ cụ Giang Văn Minh...

Chùa Mía, công trình kiến trúc đặc sắc

Ngoài 140 ngôi nhà cổ hàng trăm tuổi với lối kiến trúc chữ Môn, ba phía đều có các gian phụ hoặc mái che; mái nhà cong, lợp ngói mũi hài, cổng nhà hình quai giỏ, tường đá ong... không thể không kể đến một kiến trúc đặc sắc về nghệ thuật tạo hình thế kỷ XVII và cũng là ngôi chùa đẹp nhất xứ Đoài, đó là chùa Mía (Sùng Nghiêm tự).

Tháp Cửu phẩm Liên Hoa.

Dấu tích xưa của chùa là ngôi miếu nhỏ, đến đời Đức Long thứ 6 (1632), bà Ngô Thị Ngọc Diệu là phi tần trong phủ Chúa Trịnh Tráng, người làng Mía cùng bố mẹ và nhân dân trong vùng đã sửa sang ngôi chùa. Sau nhiều lần tu bổ, chùa mới có khuôn viên lớn như ngày nay. Chùa được làm theo kiểu “Nội công – Ngoại quốc”, phía sau có thêm Hậu đường chia làm 3 phần nên nhìn rất bề thế, uy nghi. Ngay cổng chùa có Tam quan với cây đa cổ thụ tán rủ rườm rà, ngọn tháp Cửu phẩm Liên Hoa; vào trong có sân gạch đỏ tươi dưới ánh nắng và những chậu mai trắng muốt đang nở rộ. Hai bên là nhà thờ Tổ và nhà khách, tiếp đến là Tiền đường, Thượng điện, Tả hữu với những hành lang san sát. Chùa có tất cả 27 gian, trong ngoài bao bọc, ngang dọc đan xen tạo thành chữ “Mục”.

Theo sư cụ Đàm Cẩn, trụ trì chùa Mía, chùa được làm từ nhiều loại gỗ quý, chạm khắc công phu hình Tứ Linh, hoa lá cách điệu. Tượng Phật trong chùa không chỉ đặc sắc về hình dáng mà còn phong phú về số lượng. 287 pho tượng trong chùa là 287 khuôn mặt, dáng vẻ khác nhau và được bài trí thành cụm khép kín. Đẹp nhất là tượng Tuyết Sơn, Kim Cương, Bá Đại Hoà Thượng, Quan Âm Nam Hải, bà Chúa Mía... Một nửa tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng óng ánh, riêng tượng bà chúa Mía tạc bằng gỗ mít đặt trong khám gỗ ngay sát Tam bảo điện. Ngoài ra, trong chùa còn có nhiều động đắp rất cầu kỳ, sinh động như Nam Hải, Tây Trìu... Theo sư cụ Đàm Cẩn, do vẻ đẹp cổ xưa độc đáo và thanh tịnh hiếm có, ngày càng nhiều khách thập phương đến thăm viếng chùa.

Với nghệ thuật kiến trúc dân tộc giản dị nhưng tôn nghiêm, năm 2000 – 2001, Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng để trùng tu ngôi chùa, góp phần đưa hình dáng ngôi chùa xứng đáng với giá trị lịch sử mà nó để lại.

(Theo Kinh tế  nông thôn)

Các tin khác

Tôm Tempura là một món rán nổi tiếng của người Nhật và được cả thế giới công nhận là một món ăn điển hình Nhật Bản giống như Sushi và Suki-yaki. Tôm Tempura thường được người Nhật chế biến cho bữa cơm đón mùa hè của gia đình. Hãy cùng tìm hiểu món ăn đặc trưng Nhật này.

Sa Pa - viên ngọc trong sương

Ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển, thị trấn Sa Pa ảo huyền, thơ mộng đã từng được các văn nhân nghệ sĩ ví von là Đà Lạt của phương Bắc, là AnPơ của xứ Đông Dương, là người đẹp trong rừng, là chốn bồng lai tiên cảnh…

Thiên nhiên trải rộng trên hồ Thác Bà.

YBĐT - Ngày Quốc tế lao động 1-5 và nhân dịp ra mắt hoạt động, Công ty Lavie Vũ Linh đã đón và phục vụ hàng trăm lượt du khách quốc tế đến với điểm du lịch Ngòi Tu ở xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái).

(Ảnh: Báo Lào Cai).

Sáng 30/4, tại Khu du lịch Hàm Rồng, Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa phối hợp với Công ty Cổ phần du lịch cao su Hàm Rồng đã tổ chức "Lễ hội trên mây".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục