Đặc sắc chợ phiên Bắc Hà
- Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2008 | 12:00:00 AM
Bắc Hà vốn có 3 thứ "đặc sản" không đâu sánh bằng: chợ phiên, rượu ngô Bản Phố và xòe Tà Chải. Đã lên tới Bắc Hà, dù chưa đến Tà Chải xem múa xòe, cũng nên ra chợ uống rượu với thắng cố.
|
Chợ Bắc Hà từ lâu đã gắn với những hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, tiêu biểu cho một vùng đất, vùng văn hóa đặc sắc. Người dân đi chợ được thưởng thức và tham gia các hoạt động văn hóa dân gian; đua ngựa, bắn nỏ, hát giao duyên; được cùng nhau bên chảo thắng cố tâm tình... Thắng cố là văn hóa ẩm thực độc đáo có ở những phiên chợ vùng cao này. Đã ăn thắng cố cũng nên uống bát rượu ngô Bản Phố.
Về chợ, các cô gái ăn mặc thật đẹp, như những cánh hoa rừng đua sắc trong khi những chàng trai áo quần giản dị như màu sắc núi rừng. Trên đường vắng hay dưới thung sâu kín đáo các cô dừng lại trang điểm, thay váy mới; chàng trai vô tình đi qua, lấy kèn lá, đàn môi ra nhờ lời ca nói hộ lòng mình. Nghe thấy tiếng đàn, các cô gái thẹn thùng nép vào lùm cây bên đường làm duyên. Thỉnh thoảng vài chàng trai quất ngựa phi lên trước, ngựa hí vang một vùng rừng. Đi chợ là để chơi, gặp bạn bè, uống rượu, xem phim... rồi hẹn đến... phiên sau. Nhiều lứa đôi nên duyên từ phiên chợ này. Đến chợ tìm người yêu hẳn là một nét văn hóa độc đáo.
Trong chợ, những bộ trang phục của người Mông, Dao, những túi vải Tày, Nùng thêu hoa văn sặc sỡ, chỗ này bán cải nương, rau rừng, chỗ kia mộc nhĩ, nấm hương; chỗ kia là chợ lợn. Có lẽ đi chợ là một nhu cầu của người vùng cao. Họ đi chợ không hẳn để mua bán, mà còn vì để thỏa mãn tinh thần... Người dân Bản Liền cách chợ 28 km, phải đi chợ từ 2 giờ sáng chỉ để gặp người quen hay mua vài thứ lặt vặt kim chỉ, dầu, muối... rồi lại đi bộ 6 tiếng nữa mới về đến nhà. Mấy cô bé Mông 15, 16 tuổi lặn lội từ Si Ma Cai về chợ chỉ để gặp bạn.
Chợ phiên Bắc Hà vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ của mình. Chợ Bắc Hà họp một tháng bốn phiên vào sáng chủ nhật, được coi là nét văn hóa tinh thần đặc sắc nhất và không thể thiếu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Bắc Hà.
(Theo LCĐT)
Các tin khác
Lâu nay, các đầu bếp khéo tay miền Tây đã chế biến ốc gạo thành nhiều món ăn ngon: gỏi ốc trộn bưởi, cơm dừa; ốc cháy mỡ tỏi; ốc lẩu mắm; ốc um nước dừa, ốc rang bơ, gỏi cuốn ốc. Gần đây, lại có thêm món ốc gạo tiềm thuốc bắc.
Mướp hương thơm phong vị đất đai vườn nhà nông, lại xào cùng loại hến sống ở đáy nước đậm đà phù sa thì ai xa quê làm sao quên được. Hến xào mướp hương đi cùng gia vị củ hành tây và lá hành ta, không quên điểm thêm hương nồng của tỏi.
Đến Huế vào dịp này, du khách sẽ được thưởng thức một “Đêm Hoàng cung” sống động tại Đại Nội, cùng nhiều sinh hoạt văn hóa cung đình. Non nước mộng mơ, vẻ trầm mặc của Huế sẽ níu chân du khách.
Nằm chênh vênh trên triền núi cao quanh năm mây phủ, bên những bản người Mông của xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần (Hà Giang) khu di tích đá cổ chạm khắc các hình vẽ có cách đây cả nghìn năm. Khác với di tích đá cổ ở Sa Pa (Lào Cai), bãi đá cổ Nấm Dẩn còn được ít người biết đến nhưng về mức độ tập trung của di tích và vẻ đẹp các hình vẽ cùng những điều bí ẩn quanh các phiến đá thì không kém phần hấp dẫn.