Du lịch Yên Bái: Còn quá nhiều khoảng trống

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ năm 2004 trở lại đây, ba tỉnh: Yên Bái - Lào Cai - Phú Thọ đã có chương trình liên kết, hợp tác phát triển về thương mại - du lịch với chủ đề: "Du lịch về cội nguồn". Qua hoạt động liên kết này, hàng năm đã thu hút khoảng 200 ngàn lượt du khách, doanh thu đạt gần trăm tỷ đồng.

Những cây chè tuyết cổ thụ ở Suối Giàng (Văn Chấn) hôm nay mang lại cho du khách sự ngạc nhiên thú vị và họ rất thích chụp ảnh lưu niệm bên những cây chè này.
(Ảnh: S.N)
Những cây chè tuyết cổ thụ ở Suối Giàng (Văn Chấn) hôm nay mang lại cho du khách sự ngạc nhiên thú vị và họ rất thích chụp ảnh lưu niệm bên những cây chè này. (Ảnh: S.N)

Đất nước mở cửa hội nhập, kinh tế-xã hội ngày một phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, đó là tiền đề cho du lịch phát triển. Sự phát triển của du lịch Yên Bái được thể hiện qua số lượng khách đến tăng hàng năm. Nếu như năm 2004 mới có khoảng 100 ngàn khách, thì  năm 2007 con số đã là 200 ngàn khách cả trong nước và quốc tế. Du lịch văn hoá lễ hội, văn hoá tộc người cùng với vô vàn những sắc màu tiềm ẩn của trên ba mươi dân tộc là một sức hút mạnh mẽ với du khách. Mỗi lễ hội đều ẩn chứa nét văn hóa đặc sắc riêng.

Vào Văn Chấn, Nghĩa Lộ du khách được đắm mình trong những điệu xoè nồng say, đến với những rừng chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Lên cao hơn tới huyện Mù Cang Chải, du khách được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang như những bức tranh với gam màu tuyệt mỹ - một kỳ quan vừa được công nhận danh thắng quốc gia. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư xây dựng các khu du lịch trọng điểm và xác định được sản phẩm mũi nhọn của Yên Bái là “du lịch sinh thái, du lịch văn hoá”. Một số tuyến du lịch được hình thành như: tuyến dọc theo sông Hồng; tuyến Đông hồ Thác Bà từ huyện Yên Bình đi Lục Yên; tuyến Miền Tây tỉnh Yên Bái...

Thông qua du lịch văn hoá, đã tạo ra các sản phẩm du lịch góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc. Di tích lịch sử và tâm linh không ngừng được tôn tạo đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Các điểm du lịch đã từng bước tạo ra sản phẩm du lịch mang tính cộng đồng, tạo nguồn thu, giải quyết việc làm, thu nhập cho nhân dân. 

Những cái được trong du lịch Yên Bái những năm gần đây không ai có thể phủ nhận, nhưng bên cạnh đó vẫn còn những khoảng trống cần khắc phục. Có một điểm thấy rõ là nhu cầu của khách du lịch ngày nay rất phong phú, nhưng phần lớn các điểm du lịch từ du lịch tâm linh đến du lịch sinh thái, du lịch văn hóa phần lớn vẫn chưa được đầu tư thoả đáng, nên vẫn chỉ là tiềm năng. Trong đó, hầu hết các địa chỉ có thể khai thác du lịch trên địa bàn đều thiếu hoặc không có các dịch vụ ăn nghỉ, hướng dẫn, thuyết minh. Nếu có thì chất lượng các loại hình dịch vụ này còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Nhiều lần trở thành hướng dẫn viên du lịch “bất đắc dĩ” dẫn khách vào “Miền Tây hoa ban trắng” hoặc đến “Đất ngọc Lục Yên”… du khách đều hỏi tôi xem có sách, hay tờ gấp giới thiệu về điểm đến này để, đọc, tôi cũng đành phải nói thật rằng, việc ấy ngành du lịch Yên Bái vẫn chưa làm được.

Trong một chuyến du lịch khác đi vòng các tỉnh Tây Bắc, điểm dừng chân cuối cùng là thị xã Nghĩa Lộ, khi đoàn tới nơi ai cũng mệt lả và muốn được ngâm mình trong suối nước nóng. Khi tới suối nước nóng Bản Hốc, mọi người không thể tin được đây lại là một điểm du lịch vì không một dịch vụ bán hàng và khách muốn mua cái khăn tắm, gói dầu gội đầu cũng không có còn ở suối nước nóng bản Bon (Sơn A) thì nơi tắm bẩn quá. Hiện tượng phổ biến nhất là khách đến thăm quan, du lịch vừa không có người của ngành du lịch thuyết minh, hướng dẫn, vừa không có sách, tài liệu giới thiệu về điểm đến nên khách hiểu rất lơ mơ về du lịch Yên Bái. Không biết đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều du khách đến Yên Bái đã một đi không trở lại? Và đây cũng là lý do mà nguồn thu trong du lịch còn thấp.

Phát triển du lịch cần nhiều giải pháp đồng bộ và phải có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành và cần có thời gian, lộ trình... Nhưng việc trước tiên trong quy hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, ngành du lịch cũng cần quan tâm đến những việc tưởng như nhỏ bé nêu trên, đáp ứng nhu cầu của du khách. Một vấn đề nữa là không nên đầu tư dàn trải, mà nên tập trung vào một số điểm du lịch trọng điểm, nơi vui chơi giải trí, tạo điểm nhấn trong du lịch Yên Bái.

 Thanh Phúc

Các tin khác

Vẻ đẹp của đất trời, biển cả luôn là điều hấp dẫn với mọi người... Đến với Cù Mông - nơi sông núi giao hoà, biển cả mênh mông và những cảnh đẹp gắn liền với lịch sử... Đến đây du khách sẽ có được những cảm giác thật tuyệt vời.

Một góc nhỏ tại Khu du lịch Đại Nam.

Đó là Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến (viết tắt Khu du lịch Đại Nam) do Cty CP Đại Nam làm chủ đầu tư, tọa lạc tại xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Với diện tích 8 héc ta, bể bơi nhân tạo San Alfonso del Mar được coi là lớn nhất thế giới nằm tại Chile.

Để làm loại bánh ít này, cứ 5 lít nếp trắng cùng nửa lít nếp than trộn lại với nước cốt dừa, dùng làm vỏ bánh. Phần nhân bánh dùng đường cát trắng cho vào chảo nấu tan, cho dừa rám nạo vào xào tới khi nào thấy hỗn hợp dẻo quánh đầu đũa thì cho đậu phộng rang giã sơ đã trộn đậu xanh nấu nhừ vào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục