Lễ hội đua thuyền – Cách ăn tết độc lập rất riêng của người Lệ Thủy
- Cập nhật: Thứ ba, 23/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - Nhắc đến Quảng Bình, người ta thường nghĩ ngay tới nắng và gió. Nắng chói chang và gió ào ạt. Nhưng nhắc đến Quảng Bình là người ta cũng nhắc ngay tới Lệ Thủy – một vùng đất anh hùng, giàu truyền thống văn hoá, nổi tiếng với dòng Kiến Giang, suối nước khoáng Bang, điệu Hò khoan Lệ Thủy hay quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Còn một điều thật đặc biệt ở vùng đất Lệ Thủy đó là lễ hội bơi thuyền trên sông Kiến Giang.
Lễ hội này được tổ chức vào ngày 2/9 hàng năm và cũng không ai nhớ Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang có từ khi nào, chỉ biết rằng mấy vị bô lão trong làng nói “từ khi sinh ra đã có tục đua thuyền hàng năm”.
Tương truyền, ngày xửa ngày xưa cái xứ “nhất Đồng Nai, nhì Hai Huyện” này không được sầm uất, trù phú như bây giờ bởi thiên tai khắc nghiệt. Một đêm vị Thần Hoàng khai khẩn chiêm bao thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến bảo: Muốn mưa thuận, gió hoà thì cứ mỗi dịp khai xuân nên có Lễ hội cầu đảo, đua thuyền để khai thông sông rạch. Tâm nguyện người dân sẽ được Đất Trời chứng giám mà phù hộ. Rồi từ đó, phong trào đua thuyền đã trở thành thông lệ. Hàng năm, cứ đến rằm tháng bảy là dân khắp vùng lại nô nức về đua thuyền trên dòng Kiến Giang.
Cách mạng Tháng Tám thành công, kỷ niệm 1 năm ngày nước Việt Nam độc lập, Lệ Thủy tổ chức Lễ hội đua thuyền đúng ngày 2/9/1946. Cũng từ đó, Lễ hội luôn được diễn ra trong ngày thiêng liêng này và nó được gọi là Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập. Tết Độc lập đã mang lại mưa thuận, gió hòa cho mảnh đất này...
Để vào lễ hội đua thuyền, người ta đã phải chuẩn bị từ vài tháng trước, từ đặt người đóng thuyền, tuyển chọn người đua, tập luyện… Để có một chiếc thuyền đua tốt, mỗi đội phải đi tìm những người thợ đóng thuyền riêng, mỗi một người thợ không được phép đóng 2 chiếc thuyền cho 2 đội của 2 HTX cùng tham gia cuộc đua. Theo những người Lệ Thủy kể rằng: “Mỗi một người thợ có một “hèm” riêng. Có thể chỉ là thêm một cái đinh, hay bớt đi một đinh cũng đủ để làm cho thuyền chạy nhanh hơn. Sau mỗi vòng đua thì người thợ lại thay đổi sao cho phù hợp hơn”.
Năm nay, vòng loại đua thuyền được tổ chức trước trận chung kết 2 ngày. 16 đội nam và 13 đội nữ được vào đua vòng chung kết. Cũng như mọi năm, hình thức thi đua của nam là ngồi chèo thuyền hay còn gọi là bơi chải, nữ đứng chèo gọi là đua thuyền. Trên thuyền đua của nam có 13-15 người trong đó có 1 người cầm cái – có nghĩa là gõ mõ lấy nhịp chèo (mõ được làm bằng đốt cuối cùng của cây tre). Trên thuyền đua của nữ có từ 10-15 người trong đó cũng có 1 người gõ “san” lấy nhịp. “San” bằng 2 thanh tre có chiều dài từ 25-30cm, rộng đủ tay cầm. Trong tiếng hò gieo, cổ vũ của người dân dọc 2 bên bờ sông, tiếng mõ, san vẫn vang lên đều nhịp nổi bật.
Lễ hội đua thuyền Lệ Thủy đã ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt của người những người con Lệ Thủy. Từ người già tới những đứa trẻ con ở đất Lệ Thủy này đều sẵn có trong người niềm đam mê đối với đua thuyền, bơi trải. Có những cụ già nhà cách khu vực thi vài cây số nhưng vẫn bắt con cháu dẫn đến xem. Cụ Trần Thị Thi – 92 tuổi – xã Lộc Hà tâm sự: “Ta phải xuống xem tụi nó thi ra sao chứ ở nhà đứng ngồi không yên”. Còn cụ Nguyễn Đức Vượng – 70 tuổi, xã Đại Phong đứng trên cầu Kiến Giang tay cầm chiếc đài nhỏ, khi đội của ông đi qua ông cũng giống nhiều người hô vang “đua đi! đua đi!”, xong rồi lại bật radio nghe Đài phát thanh huyện tường thuật trực tiếp xem thuyền của xã ông đi thứ mấy.
Lễ hội còn là niềm tự hào của người Lệ Thủy. Vì vậy mà Lệ Thủy có câu ca: Dù ai đi Tây, về Đông/ Mồng hai tháng chín cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay… Ông Lê Đức Được đang sinh sống tại Hà Nội rất hào hứng khi được nói về đua thuyền Lệ Thủy: “Dù sống xa quê, nhưng năm nào 2/9 tôi cũng cùng gia đình về xem đua thuyền. Tôi không xem đội nào nhất nhì, mà tôi tìm thấy trong Lễ hội là tinh thần kiên cường bất khuất, không chịu lui bước khi gặp khó khăn của người Lệ Thủy. Tôi tự hào vì điều đó”. Trong khi đua thuyền, dù thuyền có lật, có chậm hơn vài chục mét, đến nửa đường đua thì không bao giờ có một đội nào bỏ cuộc. Với người Lệ Thủy bỏ cuộc là một điều đáng chê trách nhất, “dù về cuối cùng cũng không bỏ cuộc”.
Lễ hội đua thuyền trên sống Kiến Giang đã trở thành một nét văn hóa rất đặc trưng của vùng đất Lệ Thủy, thể hiện tính nhân văn, tính cộng đồng sâu sắc. Nó cũng là cách ăn Tết đọc lập rất riêng của người Lệ Thủy.
Thanh Ba
Các tin khác
“Bốn bề phong cảnh lạ thay/Bồng Lai kia cũng thế này mà thôi” là cảnh sắc chùa Quan Âm trong truyện thơ nôm khuyết danh Quan Âm Thị Kính mà theo tích xưa thì phong cảnh ở chùa Bổ Đà, nằm trên bờ Bắc sông Cầu, thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Mỗi lần về lại vùng quê miền Trung, được thưởng thức những món ăn đặc sản mang đậm hương vị của biển, trong tôi lại gợi cảm giác rất lạ, mát lạnh nơi đầu lưỡi về những món ăn tươi ngon được chế biến từ sứa.
Hướng tới những sự kiện của Năm du lịch Tây Nguyên 2009 và thành công của Lễ hội cà-phê năm 2005, UBND tỉnh Ðác Lắc tiếp tục tổ chức Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ hai từ ngày 10 đến 14-12-2008 nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Ðác Lắc từ thương hiệu của một vùng thủ phủ cà-phê nổi tiếng, thúc đẩy phát triển xuất khẩu và mời gọi đầu tư trong việc trồng và chế biến cà-phê trên vùng đất cao nguyên.
Đi dọc con đường lởm chởm sỏi cuội men theo dòng sông Duero, những ngọn đồi thoai thoải màu xam xám của thành phố Soria hiện ra với vẻ đẹp hiền lành, trầm mặc và đầy nét cổ kính.