Về miền tâm linh
- Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đầu năm trảy hội. Khách thập phương tấp nập đổ về Đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), ngược Lào Cai thăm viếng đền Thượng, đền Bảo Hà. Gạch nối giữa hành trình ấy là miền đất tâm linh Yên Bái đua du khách đến với một hệ thống đình đền chùa, một vốn văn hóa lễ hội, tâm linh vô cùng phong phú, vô cùng hấp dẫn.
Lễ rước Mẫu sang sông trong Hội đền Đông Cuông (Văn Yên).
|
Nằm trong lưu vực hai con sông bắt nguồn từ phương Bắc là sông Hồng và sông Chảy, Yên Bái là mảnh đất mang nặng dấu ấn lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Những đền chùa ở Yên Bái cũng gắn liền với những nhân vật lịch sử, những danh tướng oai hùng trong chiến trận cách đây hàng ngàn năm. Nổi bật bên tả ngạn sông Hồng, đền Tuần Quán ở thành phố Yên Bái linh thiêng có tiếng. Ngôi đền này gắn liền với lịch sử giữ nước từ thời Trần và đã được 10 lần sắc phong. Chỉ dọc theo đoạn sông Hồng qua thành phố Yên Bái cũng đã tọa lạc mấy đền, chùa. Người ta đến để cảm nh?n sự uy nghiêm, tĩnh lặng trong một không gian rộng mở, nên thơ của đền. Dưới nắng xuân nhẹ nhàng, làn sương mỏng là là trên mặt sông cuốn theo mấy chiếc thuyền nan đang buông lưới. Đẹp và linh thiêng nên chẳng riêng lễ hội đầu năm, trong một năm ở đền diễn ra 13 lễ chính vẫn thu hút đông đảo khách thập phương dâng lễ cầu may.
Ngược sông là chùa Bách Lẫm ở phường Yên Ninh, là Ngọc Am tự ở phường Hồng Hà. Nổi tiếng bởi kiến trúc đẹp, chùa Ngọc Am có lịch sử hơn trăm năm vốn là điểm dừng thuyền nghỉ ngơi trên đường vận tải sông Hồng. Ngọc Am thờ Phật, thờ Tam phủ và Đức Thánh Trần. Nay chùa mở rộng, có sư trụ trì là địa chỉ chiêm bái và tham quan của hàng ngàn phật tử và du khách ngay từ đầu xuân. ở chùa Ngọc Am có hai tiết lễ được nhiều người quan tâm là Chạy Đàn và Chèo thuyền về Tây Trúc. Cũng trong tháng Giêng, du khách lại đến dự lễ thả chim cầu an độc đáo tổ chức vào ngày rằm ở quần thể di tích đình - đền Nam Cường và chùa Vạn Thắng ở xã Nam Cường để có dịp thưởng ngoạn phong cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây. Chỉ kết nối và cảm nhận những điểm đến văn hóa tâm linh ở thành phố, ta đã có một cuộc xuất hành đầy ý nghĩa để tĩnh tại tâm hồn và cầu mong sự bình an, thịnh vượng cho một năm mới.
Giá rét đầu năm chưa hết, từng đoàn người lại hướng lên phía Bắc tới đền Đông Cuông ở huyện Văn Yên để cầu may. Rất tiện bởi đến đây có thể đi bằng đường bộ, đường sắt hoặc đi thuyền theo sông Hồng. Đông Cuông mở hội ngàn người đến bởi tiếng thiêng cầu được ước thấy lan truyền. Vào ngày Mão đầu năm, du khách sẽ được tham quan lễ rước Mẫu qua sông và hưởng trọn nghi thức mổ trâu trắng tế lễ. Có khuôn viên rộng, đền nằm dưới những bóng cổ thụ xòe tán, dáng dấp kiến trúc thời Lý - Trần in đậm sau trùng tu.
Đặc biệt hơn, du khách còn được chiêm ngưỡng cây mít cổ thụ hàng trăm năm tuổi trước cửa đền - nơi thường được chọn làm lễ mổ trâu trắng lúc nửa đêm. Càng tựu hào hơn khi tháng Giêng của mùa xuân Kỷ Sửu này, đền Đông Cuông sẽ long trọng đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Từ Đông Cuông, du khách lại ngược đường chừng hai chục cây số để tới đền Nhược Sơn ở xã Châu Quế Hạ. Đền Nhược Sơn thờ võ tướng Hà Chương người dân tộc Tày, phò nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên Mông. Gần đây đền Nhược Sơn đã khôi phục các hoạt động lễ hội và đón khách thập phương vào dịp tháng Giêng và tháng Chín Âm lịch hàng năm.
Trong các tuyến du lịch bằng đường bộ do Ban tổ chức Chương trình Du lịch về cội nguồn năm 2009 do 3 tỉnh Yên BáI- Phú Thọ- Lào Cai tổ chức, đất ngọc Lục Yên cũng là một điểm dừng chân thú vị mà điểm nhấn là đền Đại Cại. Đền thờ bà Vũ Thị Ngọc Anh - nữ tướng phụ trách quân lương thời nhà Lê. Bà có công giúp dân khai khẩn đất hoang, canh tác ruộng nước, trồng bông dệt vải và huấn luyện binh sỹ. Theo các nhà sử học, Khu di tích lịch sử, khảo cổ Hắc Y - Đại Cại có cơ sở của một trung tâm Phật giáo ở phía bắc Đại Việt xưa. Hội đền Đại Cại được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng với lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; lễ dâng hương và lễ rước Bà trên sông Chảy. Dự lễ và hội xuân với nhiều trò chơi truyền thống của người dân nơi đây, du khách có thể xuôi dòng sông Chảy tham quan hang chùa São với muôn hình vạn trạng nhũ đá mà cảm nhận về đá và hồng ngọc quý của Lục Yên.
Cho thỏa chuyến du xuân, người ta lại theo nước nguồn sông Chảy về thăm Thủy điện Thác Bà, hoặc xuôi quốc lộ 70, theo đường Đông hồ về trảy hội đền Thác Bà. Đền nằm ngang lưng núi Hoàng Thi đón gió hồ Thác trong lành. Từ sân đền hướng ra xa tít tắp, trên 1.300 hòn đảo cây xanh chồi biếc lung linh in bóng mặt hồ, có cảm giác ru ta trong không gian xanh thơ mộng, thu thái tâm hồn.
Mùa xuân đi lễ đền, chùa là một phong tục đẹp ngàn đời của người Việt Nam. Miền đất tâm linh Yên Bái cùng bao điều kỳ thú đang chờ đón bạn!
Quang Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Tôi lặng lẽ đi trong mưa hoa, cảm nhận vô cùng hạnh phúc. Bởi thêm một lần thiên nhiên Đất - Trời cho tôi hiểu sự kỳ diệu đến nhường nào của tình yêu chung thuỷ!
YBĐT - Cũng như các dân tộc thiểu số khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Dao ở thôn Khe Rộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có một cách ăn tết khá riêng, đặc trưng cho dân tộc. Đó là Tết nhảy. Từ bao đời nay, Tết nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Dao trong mỗi dịp tết đến, xuân về.
YBĐT - Trong thú ẩm thực phong phú của người Việt, có một món ăn khá độc đáo, đó là thịt đông. Món ăn độc đáo ở chỗ là ăn khi đã để nguội lạnh, mà thường ăn vào những ngày đông giá hay lúc xuân sang. Với thời tiết như ở Việt Nam, món ăn này phổ biến hơn và được coi như món ăn khá đặc trưng của miền Bắc trong mùa đông.
Gọi Tết cổ truyền của người Mông là Tết hoa mận cũng không sai. Bởi người Mông ăn Tết trước người Kinh khoảng một tháng, cũng là lúc hoa mận nở trắng sáng bừng khắp núi rừng. Tết cổ truyền của người Mông với những nét văn hoá đặc sắc và thú vị đã quyến rũ không ít khách phương xa tới cùng thưởng thức, ăn Tết, ngắm Tết và chơi Tết cùng người Mông trên khắp các rẻo cao của Sơn La, Mộc Châu.