Lễ hội mùa xuân vùng đất tổ

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM

YBĐT - Mùa xuân đất Tổ được coi là mùa của lễ hội. Mùa xuân, mở đầu một năm mới, là thời điểm thiêng liêng, phút khởi đầu cho từng loại hành vi, động tác được coi là rất quan trọng. Lễ hội nông nghiệp mùa xuân hướng về đích cầu mùa, cầu đinh cho cộng đồng vững mạnh.

Lễ dâng hương tại đền Mẫu Âu Cơ.(Ảnh: Hoàng Đô)
Lễ dâng hương tại đền Mẫu Âu Cơ.(Ảnh: Hoàng Đô)

Nghi lễ và tiệc hội thường gắn liền với quá trình sinh trưởng của cây lúa, với quá trình sinh hoạt và mối quan hệ giữa con người với môi trường như bắt đầu mùa trồng cây có lễ "hạ điền" (khai canh), khi lúa bén rễ thì "lễ cầu lúa tốt"; gặp phải sâu bệnh thì "cúng thần trùng", hạn hán thì "cầu đảo", úng lụt phải có "lễ kỳ tinh", cày cấy xong thì lễ "thượng điền", đến vụ thu hoạch làm "lễ cơm mới", không may con người đau ốm hay vật dịch thì có lễ "cầu phúc, cầu yên"...

Trong các hội làng Phú Thọ, chúng ta được thấy những sinh hoạt văn hóa dân gian phản ánh hình thái xã hội nông nghiệp khi các làng chạ đã định hình với các công xã láng giềng đông vui, khi hạt lúa do một nắng hai sương mà có đã được chế biến ngày một tinh xảo và chăn nuôi đã phát triển, thông qua hội hè, đình đám của công xã với các hình thức thi tài, nhân dân muốn biểu dương và cổ vũ đời sống nông nghiệp, tổng kết và trao đổi kinh nghiệm, góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống và phát triển văn hóa. Những hình thức sinh hoạt văn hóa trong hội đám của các làng xã trên đất Tổ Hùng Vương thông thường với các loại hình khác nhau như: các hình thức vui chơi hội đám, các trò diễn vui khỏe, các trò thi tài đua khéo, các trò múa và trò trình nghề, các trò diễn mang hình thức sân khấu, sân khấu dân gian chèo và tuồng. Các hình thức vui chơi có hội còn, chơi đu, chọi trâu...Các trò diễn vui khỏe như vật ở xã Thạch Sơn, xã Kinh Kệ, xã Chu Hóa, xã Vĩnh Mộ (huyện Lâm Thao), xã Danh Hựu (nay thuộc xã Cổ Tiết - Tam Nông); đánh cháo gạo xã Thạch Sơn (Lâm Thao); đánh quân ở xã Dị Nậu; đánh phết, cướp cầu ở xã Hiền Quan (Tam Nông); chơi cầu giỏ ở thôn Gia Dụ xã Vực Trường, thôn Danh Hựu xã Cổ Tiết (Tam Nông), thôn Mạo Phổ xã Lương Lỗ (Thanh Ba); chạy thi xã Chu Hóa, Kinh Kệ...

Ngoài chạy thi, hội làng Phú Thọ còn tổ chức biểu diễn và thi đấu nhiều môn võ thuật hay thể thao dân tộc như ném lao, múa gậy, đấu thiết lĩnh, đấu quyền, đấu mộc... Xã Thanh Hà (Thanh Ba) tổ chức đánh gậy vào ngày hội làng. Xã Hiền Quan (Tam Nông) có thi ném lao rất độc đáo, chỉ dành riêng cho các cụ già vào thi. Xã Đào Xá (Thanh Thủy) có tục đua chải đêm vào ngày tiệc tế thủy thần. Bên cạnh các hình thức vui chơi là những trò thi tài, đua khéo như nấu cơm thi, thi làm bánh, nấu cỗ, đập trâu, chém lợn...

Trong các trò diễn hội làng đình đám còn có những trò thuộc loại hình nghệ thuật mang nhiều yếu tố sân khấu như các trò múa, các trò trình nghề, các trò diễn thần thoại và truyền thuyết dân gian và hát chèo sân đình. Chúng ta có thể kể đến múa Săn mà các cụ xưa gọi là múa "Gà phủ" của xã Phú Lộc (Phù Ninh) được tổ chức vào ngày 7 tháng giêng âm lịch trong lễ mở cửa rừng; múa Xuân Ngưu làng Đào Xá (Thanh Thủy), làng Đào Xá thờ thủy thần mở tiệc vào mồng 5 tháng Giêng âm lịch. Múa Mo Nam Cường (Tam Nông) không giống với múa Mo Mậu Lân xã Khai Quang huyện Tam Dương - Vĩnh Phúc là múa đeo mo mà theo các cụ múa Mo ở đây là cúng lễ. Múa Mo Nam Cường (Tam Nông) là nghi thức cầu mùa nghề nông, song vẫn dùng thủ pháp ma thuật đã thấy từ thời trước. ở đây tiếng hú vẫn được sử dụng như một công cụ không thể thiếu, có giá trị âm nhạc, lại có giá trị giao cảm giữa con người với siêu nhiên (tiếng hú vốn thuộc loại ngôn ngữ tín hiệu của loài người). Lễ hội mở vào ngày mồng 7 tháng Giêng, sau khi tế nữ thần Xuân Nương (tướng của Hai Bà Trưng) thì cuộc múa bắt đầu.

Cùng với múa Mo Nam Cường là các trò trình nghề tái hiện các sinh hoạt nghề nông như trò "Tứ dân" xã Dị Nậu huyện Tam Nông, trò Bách nghệ ở Triệu Phú...Đây là lễ hội tái hiện các sinh hoạt nghề nông và giới thiệu một vài nghề khác trong làng được mang tên phổ biến là "Lễ trình nghề" như trò "Tứ dân" (Dị Nậu - Tam Nông), trò trám (Tứ Xã - Lâm Thao).

Song song với lễ cầu mùa nghề nông cho "vật thịnh", vào đầu xuân người ta cũng tiến hành lễ cầu đinh để "nhân khang" vì nam giới là lực lượng sản xuất chủ yếu. Các hình thức nghi lễ này có nhiều dạng với các tên gọi khác nhau nhưng mục đích cuối cùng đều là cầu con trai, cầu giống "đinh tài hưng vượng", "đinh đa gia thịnh". Xã Gia Thanh (Phù Ninh) mở tiệc cầu xuân từ mồng 2 tết. Tiệc lễ tế thần bằng cỗ 12 bánh chưng, 12 bánh dầy. Mồng 3 tết, tất cả nam giới trong làng tham gia cuộc rước lợn thờ, còn gọi là rước ông Cầu về miếu trò; chủ tế thắp hương khấn cáo trình lễ vật rồi mới mổ lợn để dâng thờ.

Qua lễ hội mùa xuân ở Phú Thọ, chúng ta thấy lễ gắn liền với hội. Hội thường gắn với các sinh hoạt văn hóa dân gian. Độc đáo, sâu sắc nhất là sinh hoạt văn hóa dân gian ở Phú Thọ đa số gắn với sự tích Hùng Vương, Tản Viên dựng nước và giữ nước, sau đó là gắn với những trang sử vẻ vang chống xâm lược từ phương Bắc, kể từ Hai Bà Trưng phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc của đất nước. Dù là đấu vật, thổi cơm thi, giã bánh dầy hay lễ sát ngưu; dù là những trò rước "lúa thần", diễn xướng trình nghề hay múa hát, mỗi trò đều nhắc nhở nhân dân ghi nhớ công ơn tổ tiên xưa đã vượt bao gian khổ để có được giang sơn gấm vóc.

Mặt khác, các hội làng mùa xuân Phú Thọ đều biểu hiện nhiều nét nguyên thủy, cổ sơ của nhân dân nước Văn lang thời các Vua Hùng. Truyền thống tốt đẹp đó, qua các hội làng Phú Thọ cứ tiếp nối mãi và trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc.

(Báo Phú Thọ)

Các tin khác
Lễ rước Mẫu sang sông trong Hội đền Đông Cuông (Văn Yên).

YBĐT - Đầu năm trảy hội. Khách thập phương tấp nập đổ về Đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ (Phú Thọ), ngược Lào Cai thăm viếng đền Thượng, đền Bảo Hà. Gạch nối giữa hành trình ấy là miền đất tâm linh Yên Bái đua du khách đến với một hệ thống đình đền chùa, một vốn văn hóa lễ hội, tâm linh vô cùng phong phú, vô cùng hấp dẫn.

Ảnh M.Q

YBĐT - Tôi lặng lẽ đi trong mưa hoa, cảm nhận vô cùng hạnh phúc. Bởi thêm một lần thiên nhiên Đất - Trời cho tôi hiểu sự kỳ diệu đến nhường nào của tình yêu chung thuỷ!

Hai thầy cúng cầu trời đất, tổ tiên phù hộ cho gia đình, bản làng và xin được làm lễ Tết nhảy.

YBĐT - Cũng như các dân tộc thiểu số khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dân tộc Dao ở thôn Khe Rộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có một cách ăn tết khá riêng, đặc trưng cho dân tộc. Đó là Tết nhảy. Từ bao đời nay, Tết nhảy đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc không thể thiếu của người Dao trong mỗi dịp tết đến, xuân về.

YBĐT - Trong thú ẩm thực phong phú của người Việt, có một món ăn khá độc đáo, đó là thịt đông. Món ăn độc đáo ở chỗ là ăn khi đã để nguội lạnh, mà thường ăn vào những ngày đông giá hay lúc xuân sang. Với thời tiết như ở Việt Nam, món ăn này phổ biến hơn và được coi như món ăn khá đặc trưng của miền Bắc trong mùa đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục