Khu động táng lớn nhất Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/6/2010 | 7:48:49 AM

Hang Pó Cúng nằm trên dãy núi Pha Hang bên bờ sông Luồng thơ mộng thuộc huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) là khu động táng lớn nhất tại Việt Nam.

Đường vào hang Phi phía dưới hang Pó Cúng, nằm ngay cạnh sông Luồng.
Đường vào hang Phi phía dưới hang Pó Cúng, nằm ngay cạnh sông Luồng.

Xương người sưu tầm được trong hang Pó Cúng đang được nghiên cứu khoa học - Ảnh: Hà Đồng

Đường từ chân núi lên hang Pó Cúng (theo tiếng người dân tộc Thái có nghĩa là “vũng tôm”) khá hiểm trở, cheo leo, phải bám vào vách đá tai mèo dựng đứng lần lên từng bước một. Mướt mồ hôi mới lên đến nơi, chúng tôi ngắm bốn bề sông núi từ miệng hang lộng gió trước khi vào bên trong hang. Hang động Pó Cúng có thể được xem là rộng lớn và quy mô nhất trong số những khu động táng đã được phát hiện ở nước ta.

Những bí ẩn chưa được giải đáp

Hang sâu khoảng 30m, cao hơn 10m, được chia làm ba ngăn, được thông gió qua hai cửa ra vào cao 5m, rộng hơn 2m nên luôn khô ráo, không khí thoáng đãng và có đủ ánh sáng. Trong số 74 bộ quan tài cổ được đục từ nguyên thân gỗ lớn xếp đầy ba tầng hang động có một số đã bị thời gian hủy hoại, cũng có một số bị cạy bật ván thiên nhưng phần lớn còn tương đối nguyên vẹn.

Theo các nhà khảo cổ học, động táng là cách thức an táng người đã khuất bằng cách đưa quan tài vào các hang động trên núi cao thay vì chôn. Động táng đã phổ biến từ thời văn hóa Đông Sơn và là truyền thống an táng của nhiều tộc người ở khu vực Đông Nam Á. Ở khu vực phía nam sông Dương Tử của Trung Quốc (các tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Tây) hiện vẫn còn khá nhiều hang động loại này.

Các nhà khảo cổ học đã xác định được niên đại của những quan tài trong hang động ở Thái Lan có từ thế kỷ 1, ở Trung Quốc là trong khoảng từ thời Chiến quốc tới thời Minh - Thanh (thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên đến đầu thế kỷ 20). Tại Việt Nam, những quan tài dạng thuyền độc mộc trong hang Pó Cúng là phát hiện đầu tiên và quy mô nhất về hình thức an táng này.

Những quan tài đục từ nguyên thân cây gỗ được đặt trên các giá gỗ trong lòng hang động (chứ không phải đặt dưới nền) Pó Cúng là minh chứng thuyết phục, xác thực nhất về hình thức động táng. Những mảnh xương chi, răng, sọ người cùng một số đồ tùy táng hiện còn lưu giữ được là những hiện vật, di vật rất quan trọng để các nhà khảo cổ học xác định được niên đại, chủ nhân của các bộ quan tài cổ này.

Khi phát hiện 74 bộ quan tài cổ trong hang Pó Cúng, nhiều câu hỏi được đặt ra: bằng cách nào người xưa có thể đưa hàng chục chiếc quan tài vào các hang núi cao có độ dốc lớn như vậy? Phải chăng trước đây nước sông Luồng từng dâng cao hàng chục mét nên có thể dễ dàng dùng thuyền đưa quan tài vào hang? Phải chăng từng có những quả đồi dẫn lên cửa hang nhưng đã bị thời gian và mưa lũ làm trôi mất?

Có ý kiến cho rằng căn cứ vào số lượng và kích thước lớn nhỏ khác nhau của các bộ quan tài trong hang Pó Cúng, có thể đây là khu động táng của một hoặc vài ba gia tộc lớn, có địa vị trong cộng đồng địa phương vùng Quan Hóa thời ấy. Bởi cần tập hợp được nhiều người mới đủ sức đưa các cỗ quan tài lên hang.

Về kích thước, quan tài lớn nhất dài 2,8m, rộng 0,48m; cái nhỏ nhất dài 1,4m, rộng 0,28m. Đặc biệt, nhiều quan tài không chứa xương, thậm chí chưa có dấu tích mai táng, phải chăng là dành cho những nhân vật đặc biệt khi qua đời?

Một quan tài hình thuyền độc mộc trong hang tương đối còn nguyên vẹn  - Ảnh: Hà Đồng

Gìn giữ một vùng di sản

Sau khi phát hiện khu động táng hang Pó Cúng cách đây vài năm, UBND huyện Quan Hóa đã phối hợp với Viện Khảo cổ học VN nghiên cứu, giải mã những bí ẩn của khu mộ này, đồng thời bảo vệ nguyên trạng khu động táng để có hướng phát triển thành một khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh.

Ông Hà Mạnh Hùng, bí thư Huyện ủy Quan Hóa, cho biết: “Huyện đã xây dựng cây cầu treo nối hai bờ sông Luồng và làm tuyến đường từ tỉnh lộ 520 sang dãy núi Pha Hang. Thời gian tới huyện tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến đường từ chân núi Pha Hang lên hang Pó Cúng với hệ thống lan can bằng sắt để du khách lên tham quan khu động táng này được thuận lợi, an toàn. Huyện cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng khu nhà nghỉ dưỡng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống dân tộc Thái dưới chân núi Pha Hang để phục vụ du khách”.

Hang Pó Cúng thuộc địa bàn bản Khằm, xã Hồi Xuân, cách thị trấn Quan Hóa hơn 3km và cách TP Thanh Hóa 140km. Đến với khu động táng lớn nhất xứ Thanh, du khách có dịp tham quan quần thể hang Phi rất đẹp bên dưới hang Pó Cúng, thắp hương tưởng niệm tướng quân Khằm Ban, một tướng tài thời Hậu Lê có công bảo vệ các huyện phía tây Thanh Hóa, tại đền thờ ông ở bản Ban.

Vùng đất này còn chứa đựng những truyền thống văn hóa Mường Ca Da, một di sản văn hóa đồ sộ của cộng đồng dân tộc Thái phía tây tỉnh Thanh Hóa.

Các tin khác

Đây là sự tôn vinh công lao to lớn của vua Lê Thái Tổ trong công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ con cháu Việt Nam đối với vua Lê.

Vịnh Hạ Long đã hai lần được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới bởi sự phong phú và kỹ vĩ của 1969 hòn đảo. Trong tổng số gần 2.000 hòn đảo của Vịnh Hạ Long, Tuần Châu là hòn đảo đất duy nhất, đẹp nhất và duy nhất có dân cư sinh sống.

Đồng bào Thái ở Mường Lò chuẩn bị các món ăn dân tộc để đón khách.

YBĐT - Năm nào cũng vậy, Nghĩa Lộ, Mường Lò đều nằm trong Chương trình Du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh: Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai. Bởi vì, đây là vùng đất mang đậm truyền thống văn hóa các dân tộc, với 17 dân tộc chung sống như: Thái, Kinh, Tày, Mường..., mỗi dân tộc đều mang trong mình một bản sắc văn hóa riêng và nơi đây còn là nơi mang đậm truyền thống lịch sử.

Nấm đá trong hang động 31km.

Ngày 23-5, tiến sĩ Howard Limbert (Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh) cho biết, sau một thời gian tính toán các thông số, hồ sơ về hang động Thiên Đường (Bố Trạch, Quảng Bình) đã hoàn thành. Hang động trên được công bố dài 31km - một kỷ lục mới đối với hệ thống hang động tầm cỡ thế giới tại Quảng Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục