Sơn tra mùa quả chín

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/8/2010 | 2:56:52 PM

YBĐT - Tại Yên Bái, chủ yếu là các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, sơn tra (còn gọi là táo mèo) mọc tự nhiên ở các triền núi có độ cao so với mặt biển từ 700 mét trở lên. Cây nở hoa vào mùa xuân, cho quả chín vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Quả sơn tra có đủ vị chua - chát - ngọt, mới nhấm vào thấy chát se nơi đầu lưỡi, song chỉ một lát vị ngọt sẽ lan toả cùng mùi thơm gây cảm giác thật dễ chịu.

Đặc sản sơn tra (táo mèo) ngâm rượu của Yên Bái đã và đang khẳng định thương hiệu trên thị trường và một cơ sở bán sơn tra tại phường Yên Thịnh thành phố Yên Bái.
Đặc sản sơn tra (táo mèo) ngâm rượu của Yên Bái đã và đang khẳng định thương hiệu trên thị trường và một cơ sở bán sơn tra tại phường Yên Thịnh thành phố Yên Bái.

Cây sơn tra có sức chống chịu cao đối với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, có thể mọc ngay ở những nơi mùa mưa đất xói lở, mùa khô cây cỏ xác xơ nhưng sơn tra thì vẫn lên xanh tốt. Ngay cả những khu rừng bị cháy, với các loại cây khác là mất hẳn một vòng đời, còn đối với sơn tra, lửa chỉ làm chậm thời gian phát triển của cây.

Hiện nay, sơn tra là nguồn thu không nhỏ của đồng bào dân tộc hai huyện vùng cao. Từ nhiều năm trước, người Mông Mù Cang Chải, Trạm Tấu thu hái quả sơn tra về băm lát phơi khô bán cho các cửa hàng dược chế làm thuốc. Tháng 9, 10 hàng năm, sơn tra chín rộ, người dân lại toả đi khắp các cánh rừng, nơi sơn tra mọc nhiều để thu hái. Theo các con đường mòn từ trên núi xuống, sơn tra được đồng bào Mông đem về trung tâm huyện lỵ để bán. Bán cân, bán cả bao tải, bán đong bằng chính những chiếc lù cở cho các tư thương từ dưới xuôi lên, hoặc cho các tài xế có vốn kết hợp buôn chuyến về tỉnh lỵ, về các tỉnh, thành phố khác. Mấy năm nay tiếng đồn về quả sơn tra có nhiều công dụng, giá quả lên cao tới vài chục nghìn đồng một kg. Cuối niên vụ năm ngoái, 1 kg quả tươi đã lên tới 40 - 50 nghìn đồng nhưng vẫn thiếu hàng bán. Đầu vụ năm nay, ngay tại nơi thu hái sơn tra, giá bán buôn đại trà từ 7 đến 8 nghìn đồng 1 kg.

Sơn tra cũng là món khoái khẩu khá nhiều người, nhất là giới trẻ. Người ta gọt vỏ quả sơn tra, bổ tách lấy cùi thành miếng nhỏ đem trộn với muối ớt làm món sơn tra muối; trộn với đường làm món sơn tra ngọt. Sơn tra chặt thành miếng ngâm qua nước cho hết vị chát, rửa sạch rồi cứ cho một lớp đường là một lớp sơn tra đựng trong bình ngâm kỹ trong nửa năm sẽ có món si rô sơn tra có vị chua dịu, vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng dùng làm nước giải khát trong mùa hè rất tốt. Phần quả sơn tra còn lại có thể đổ rượu trắng vào ngâm độ vài tháng, ta sẽ có thêm một bình rượu vừa có vị chua, ngọt nhẹ của sơn tra và đậm đà của men rượu qua ngâm ủ, uống vào tuyệt nhiên không có cảm giác chóng mặt, nhức đầu. Cũng có cách ngâm trực tiếp quả sơn tra với rượu làm rượu sơn tra nguyên chất.

 Loại rượu này thường phải ngâm kỹ từ 6 tháng tới 1 năm để cho hết vị chát, chiết lấy vị chua ngọt của quả, uống điều độ trước bữa ăn sẽ cho cảm giác ăn ngon, giúp cho giấc ngủ sâu hơn, đặc biệt rượu để càng lâu màu càng đậm và thơm ngon không hề bị hỏng.

Quả sơn tra đem xay nhỏ ngâm với nước sạch trong một, hai tháng ta sẽ có dấm sơn tra. Loại dấm này mỗi ngày dùng một chén nhỏ có thể giúp điều hoà huyết áp, bôi lên vùng da đầu bị nấm rụng tóc có thể triệt được nấm, giúp tóc mọc xanh trở lại… Có thể nói, sơn tra là thứ quả đem lại khá nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nếu biết sử dụng đúng cách, đồng thời nó cũng là cây trồng có giá trị kinh tế ở vùng cao.

Một cơ sở bán sơn tra tại phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.

Thực hiện chiến lược chuyển đổi cây trồng, hàng năm, huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã đưa cây sơn tra vào trồng đại trà ở các thôn, bản vùng cao. Đến nay, chỉ riêng huyện Mù Cang Chải đã có gần 1.000 ha cây sơn tra, mỗi năm cho thu từ 2.500 đến 3.000 tấn quả, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Hoài Văn

Các tin khác

Hơn 100 món ăn chay sẽ được giới thiệu tại Lễ hội ẩm thực chay 2010, diễn ra từ ngày 26 đến 29-8, tại Công viên 23-9 (TPHCM) nhân mùa Vu lan báo hiếuNgày hội diễn ra với nhiều hoạt động như: hội thi sắc màu ẩm thực chay, đêm tri ân mẹ, vào bếp cùng người nổi tiếng, đêm hoa đăng, con yêu mẹ...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, vụ phó Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), cho biết từ 25-8 sẽ tiếp nhận hồ sơ, ý tưởng dự thi tìm kiếm biểu tượng và khẩu hiệu mới cho du lịch Việt Nam nhằm sử dụng trong hoạt động tiếp thị giai đoạn 2011-2015.

Hãng tin Nga Ria Novosti đã có bài phóng sự ảnh giới thiệu vẻ đẹp mê hồn của Mũi Né - khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Bình Thuận thuộc miền trung Việt Nam.

Ruộng bậc thang La Pán Tẩn.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Nhìn về lịch sử, ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải (Yên Bái) có từ rất lâu đời, nó gắn liền với lịch sử cư trú của dân tộc Mông nơi đây. Ruộng bậc thang là một kỳ tích của một phương thức canh tác nông nghiệp kết hợp nhuần nhuyễn giữa canh tác nương rẫy và ruộng nước, là một quá trình công phu tốn nhiều công sức, từ năm này sang năm khác, thế hệ này sang thế hệ khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục