Bún đậu - món ăn nhẹ ưa thích của người Hà Nội

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/9/2010 | 2:20:49 PM

Cũng là bún lá cắt làm ba, đậu rán vàng, mắm tôm đủ vị, chua, cay, mặn, ngọt, thêm chút rau kinh giới, tía tô, ấy vậy nhưng vẫn có những điểm lạ không trộn lẫn giữa các quán bún đậu ở Hà Nội.

Anh Dick (khách du lịch Pháp) trở lại hàng này để thưởng thức bún đậu sau khi được bạn dẫn đi ăn một lần.
Anh Dick (khách du lịch Pháp) trở lại hàng này để thưởng thức bún đậu sau khi được bạn dẫn đi ăn một lần.

Suốt bốn mùa của xứ Bắc, rất nhiều người Hà Nội chọn cho mình món bún đậu làm bữa sáng hay bữa trưa. Những gánh hàng rong đi khắp các con phố rồi hạ tại một điểm cố định. Khách tự tạo cho mình thói quen, cứ ra đó là tìm thấy bún đậu. Ở khu vực Thanh Xuân, chị Lan (27 tuổi) từ 7h sáng rong ruổi gánh bún đi bán dọc phố Nguyễn Quý Đức đến 10h sáng là hết hàng.

Lên khu vực Cầu Giấy, trên vỉa hè trước cổng chính Công Viên Thủ Lệ, đến bữa trưa là có sáu hàng bún đậu ngồi xếp hàng thẳng tắp. Khách tiện đường thì vào ăn.

Đi dần lên khu vực Hoàn Kiếm, gần một hiệu thuốc trên đường Hai Bà Trưng cũng là một điểm bán bún đậu quen thuộc. Bà Hà (52 tuổi) kể: “Ngồi trên vỉa hè nhưng sạch sẽ là khách cũng thích rồi”, quả thật cả một dãy hàng không thấy một chút rác nào rơi ra.

Bún đậu giá bình dân nhưng có vị ngon, dễ ăn vào bất cứ mùa nào. Ảnh: Phương Thảo.

Bún đậu có hút khách hay không còn tùy vào duyên của người bán. Bà Ngân (55 tuổi) nhà ở Phố Hàng Thiếc đã bán bún đậu rong trên phố Hai Bà Trưng gần chục năm nay. Ngay cả lúc trời nóng nhất bà vẫn cười vui vẻ, thêm vài câu bông đùa thế là ai cũng vừa lòng.

Chị Linh, nhân viên bán hàng của siêu thị Nguyễn Kim kể: “Ăn bún ở đây mà nghe bác bán hàng nói chuyện giống hệt như xem hài”.

Dù là gánh hàng rong hay một cửa hàng lớn, thì người bán hàng đều phải học chữ “nhẫn”. Khách đến ăn mỗi người một tính, nên chủ hàng mà cáu gắt thì dễ "cãi nhau cả ngày".

"Khách đòi cho thêm đường, cho thêm ớt, người khác lại đòi rán thêm đậu. Nếu thấy ai đó ngồi đợi thì phải lựa lời nói thật khéo để khách không bỏ đi. Cái nhanh tay, mát tính của người chủ hàng sẽ khiến cho khách hài lòng", bà Ngân chia sẻ.

Từ phố hàng Khay có một ngõ nhỏ thông với ngõ chùa Vũ Thạch. Chỗ này khó tìm, nhưng ai đã đến một lần thường sẽ tìm lại. Cô chủ hàng mượn tạm một gian của ngôi nhà cổ, tuy đã cũ nhưng che nắng che mưa rất tốt. Cảm giác ngồi trong một gian nhà cổ có những thú vị rất riêng. Những bức tường đã đã tróc vôi, cánh cửa gỗ bạc màu, những bức tranh nhỏ của người chủ vẫn treo trên tường. Ngoài sân giếng là một bể hứng nước mưa và một giàn trầu không xanh xanh, mộc mạc. Cô chủ hàng ở đây chiều khách và làm bún cho khách rất cẩn thận, sạch sẽ.

Bún đậu có hút khách hay không còn tùy vào duyên bán hàng. Ảnh: Phương Thảo.

Anh Dick (khách du lịch Pháp) tâm sự: "Mình được một người bạn Việt Nam dẫn vào đây ăn tuần trước, rất thích bún đậu, thích những cái ghế nhựa thấp, thích địa điểm quán nên hôm nay quay lại đây ăn".

Bức tường phía ngoài quán là gạch đỏ lâu ngày, nếu thích bạn có thể lưu lại cho mình một bức ảnh dễ thương.

Ông Đoàn, 57 tuổi, một khách ăn bún trên phố Nguyễn Khắc Cần tâm sự: “Ăn bún đậu ở vỉa hè ngon và thoải mái. Hà Nội mùa này chợt mưa, chợt nắng bác lại nhớ Mùa lá rụng của Onga Becgon”.

Đôi khi những thứ tưởng chừng như rất đơn giản nhưng cũng để lại trong lòng người một dư vị ngọt ngào, một sự níu giữ và ràng buộc khó nắm bắt, chỉ biết rằng bước chân vẫn quen một nhịp và đi vào quán cũ. Và từ đó bún đậu quen quen đấy mà vẫn lạ lạ.

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Tại sân khấu ngoài trời Công viên Bách Thảo Hà Nội, Lễ hội áo dài với chủ đề “Hà Nội và tôi” đã thu hút sự quan tâm của hàng ngàn người dân thủ đô.

“Quê hương ta bánh đa, bánh đúc Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt Nơi tuổi thơ ta đã trải qua đẹp như giấc mơ…”

Ngày 19/9, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng VHDL) chính thức khai trương. Trước đó, Quy hoạch chung Làng VHDL đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh lại với việc ưu tiên 9 dự án để đảm bảo lộ trình phát triển đến năm 2015.

Tiết trời Hà Nội đã dần chuyển sang mùa thu, không còn cái năng oi ả thiêu đốt. Dịp này hễ đi qua đường Xuân Thủy (Q. Cầu Giấy) hay khu Mễ Trì (huyện Từ Liêm), bạn sẽ thấy phảng phất mùi hương cốm ngạt ngào.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục