Du lịch văn hóa: Đang “đánh thức” tiềm năng
- Cập nhật: Thứ bảy, 16/10/2010 | 9:25:52 AM
Hiện cả nước có hàng vạn di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, một số có giá trị nổi bật toàn cầu.
Khách tham quan gian hàng của Lào tại Liên hoan Du lịch Quốc tế 2010.
|
Tại hội thảo "Phát huy các giá trị di sản văn hóa và làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch" - hoạt động nằm trong khuôn khổ Liên hoan Du lịch quốc tế chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch nhận xét: Du lịch văn hóa được coi là một trong những loại hình du lịch có sức cuốn hút du khách nhất hiện nay. Ở Việt Nam, các giá trị văn hóa dù đã được chú trọng đầu tư để phục vụ phát triển du lịch nhưng so với tiềm năng thì việc khai thác chưa đạt hiệu quả cao.
Di sản - nguồn lực phát triển du lịch
Hiện cả nước có hàng vạn di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, một số có giá trị nổi bật toàn cầu. Từ năm 1993 đến nay, UNESCO đã tôn vinh 6 di sản văn hóa và thiên nhiên nước ta là di sản thế giới; Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh và Ca trù cũng là những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO tôn vinh.
Theo đại diện của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Việt Nam may mắn có được nguồn tài nguyên du lịch văn hóa phong phú, đa dạng và đặc sắc. Đó là nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Sau khi được xếp hạng di tích quốc gia, số khách tham quan làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) từ chỗ "gần bằng không" trong năm 2005, đã lên tới khoảng 40 nghìn lượt người trong năm 2009. Tại phố cổ Hội An, lượng khách du lịch đã tăng đáng kể (từ 160 nghìn trong năm 1999 lên hơn 1 triệu trong năm 2007) sau khi nơi đây được công nhận là di sản thế giới…
Ông Vũ Thế Bình cho rằng khám phá là nhu cầu quan trọng của khách du lịch. Việc công nhận di sản văn hóa, đặc biệt là từ UNESCO, thể hiện sự tôn vinh đối với di sản, làm cho chúng trở nên đáng chú ý hơn. "Phát huy các giá trị của di sản văn hóa có tác động to lớn đến phát triển du lịch, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống", ông Vũ Thế Bình khẳng định.
"Bỏ sót" tài nguyên
Du lịch văn hóa trở thành sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, ở nước ta, việc phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Với nhiều di sản có giá trị, chúng ta chưa bảo tồn và khai thác tốt, một số đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Với các di sản tầm thế giới, việc đầu tư phát triển du lịch cũng lộn xộn, thiếu kế hoạch đồng bộ và dài hơi… Điều đó không có lợi cho bảo tồn di sản, thúc đẩy du lịch.
Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho rằng Hà Nội có một kho di sản văn hóa vô giá. Sự độc đáo, hấp dẫn có thể thấy được từ những công trình kiến trúc, kho tàng nghệ thuật, di tích khảo cổ học, văn hóa ẩm thực… cho đến danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch chưa tương xứng với thế mạnh của Thủ đô. Ngoài một số điểm đến thường xuyên của du khách bấy nay, Hà Nội còn rất nhiều sản phẩm văn hóa - du lịch chưa được "phát lộ".
Để "đánh thức" tiềm năng, theo ông Vũ Thế Bình, việc cần làm là đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của phát triển du lịch trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với văn hóa, đặc biệt là trong đầu tư, bảo tồn và sử dụng di sản.
(Theo HNMO)
Các tin khác
Tối 11-10, Liên hoan Ẩm thực Hà thành, sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã bế mạc tại Công viên Hồ Tây với sự có mặt của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng.
Đây là khẳng định của bà Katherine Muller Marin - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
YBĐT - Tuần Văn hoá, Thể thao và Du lịch Danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) diễn ra trong thời gian cuối tháng 9/2010 với nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, thương mại và du lịch rất sôi động, hấp dẫn.
Tối 6/10, Liên hoan Ẩm thực Hà thành 2010 đã rộn ràng khai mạc tại Công viên nước Hồ Tây. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.