Mường Lò vùng đất lễ hội
- Cập nhật: Thứ năm, 27/1/2011 | 2:16:37 PM
YBĐT - Mường Lò - cánh đồng rộng lớn thứ hai Tây Bắc sau Mường Thanh (Điện Biên) cứ mỗi độ xuân về lại rộn ràng lễ hội.
Điệu “Dậm thuông” trong Lễ hội “Cầu mùa” ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn.
|
Nơi đây còn bảo tồn nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc Tày, Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú...
Câu ca xưa "Muốn ăn gạo trắng nước trong/Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò" luôn gọi mời khách thập phương đến với Nghĩa Lộ - thị xã miền Tây, đến với các bản văn hóa của người Thái, người Mường, người Tày... huyện Văn Chấn, để được hòa mình vào các lễ hội "Gầu tào", "Hoa ban", "Hội Lồng tồng", lễ "Tăm khảu mảu", lễ "Đón lúa mẹ", "Tết nhảy"... Người xưa kể lại, vào cuối thế kỷ thứ X có một tộc người Thái đen do Lò Lạng Trượng dẫn từ phương Bắc đi qua châu Mai Sơn, châu Phù Yên và dừng chân bên hồ Nậm Thia khai phá miền đất rộng lớn này, rồi lập nên mường của họ nên nơi đây mới có tên là Mường Lò (mường của họ Lò). Rồi Mường Lò ngày thêm đông đúc. Ngoài người Thái còn có thêm người Tày, người Nùng, người Mông, người Khơ Mú, người Dao...
Mường Lò khi hoa ban, hoa mận, hoa đào nở khắp vùng điểm tô cho bức tranh xuân cũng là lúc bà con các dân tộc nơi đây tưng bừng mở hội. "Muốn biết lòng chủ nhà thế nào, hãy xem họ mời rượu" là câu tuyền khẩu qua bao đời nay của người Thái Mường Lò, thể hiện lòng mến khách mộc mạc, chân thành. Sự mến khách của người Thái Mường Lò không chỉ thể hiện qua cách mời rượu mà đón khách quen đến nhà cũng nồng nàn như men rượu. Họ xuống tận cầu thang đón khách, niềm nở đưa lên sàn, trải chiếu tiếp khách với những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới.
Người khách được gia chủ giữ chân bằng rượu nhâm nhi cả ngày để chủ nhà lấy may mắn. Khi tình cảm đã trở nên thắm thiết, chủ nhà có thể mời bà con trong bản, các thiếu nữ đến khắp, đến xòe trong âm hưởng rộn ràng của khèn bè, pí, sáo... Trong vòng xòe, chủ - khách tay trong tay dập dìu trong điệu múa, được các cô gái chúc những chén rượu thơm nồng tình xuân. Hội xuân của người Thái độc đáo nhất là sàn "Hạn khuống", thông qua hình thức diễn xướng giao duyên với những lời ca trữ tình bên bếp lửa và khung dệt thổ cẩm, trai gái được trổ tài hát đối thâu đêm.
Người Mường ở Mường Lò cũng có những nét văn hóa riêng độc đáo. "Trâu ra đồng ăn cỏ, người đến nhà ăn cơm" là quan niệm mến khách của người Mường, khách đến nhà phải tuân thủ lệ này. Thái độ ân cần của chủ nhà đã tạo ấn tượng ngay từ ban đầu bằng việc trải chiếu hoa bên cửa sổ nhà sàn, trước là uống nước, sau là uống rượu.
Chủ - khách trong ngày xuân từ tốn làm đẹp lòng nhau "Ăn cơm không khen cơm ngon mất lòng người giã gạo/Uống rượu không khen rượu ngon mất lòng người ủ men". Trong ngày xuân, nếu là khách quí còn được chủ nhà đón "thầy đang" đến hát đối đáp. Tình sâu, nghĩa nặng, khách đường xa còn được chủ nhà gói cho trứng luộc, cá nướng, cơm xôi mang theo niềm xúc động suốt chặng đường dài.
Tết đến xuân về cũng là lúc người Thái ở xã Hạnh Sơn làm lễ "Xên đông, xên bản". Người Tày ở xã Đồng Khê và nhiều xã khác ở vùng Mường Lò mở Hội "Tăm khảu mảu" (Hội giã cốm) rộn rã bản làng với tục "Đâm đuống" và hát giao duyên. Những bông lúa nếp bánh tẻ thơm trĩu hạt được hái về sấy trên than lửa rồi cho vào đuống giã thành cốm. Độc đáo là trong lễ hội, mỗi loại tiết tấu giã cốm lại nói về một sự tích gắn với thiên nhiên và tình yêu. Những lời khấn, vái trong lễ cúng trang trọng, thể hiện khát vọng của dân làng với mong muốn nhà nhà sung túc, trâu, lợn, gà, vịt đầy đàn, lúa, ngô đầy ruộng đầy nương, làng bản luôn yên ấm.
Người Mông ở Mường Lò với quan niệm "Có rượu cùng uống, có thịt cùng ăn". Hội "Gầu tào" được coi là sôi động nhất trong những ngày tết của người Mông. Tìm nơi trời đất khoáng đạt, trồng cây nêu lớn, buộc vải đỏ trên ngọn, dưới treo giấy bản màu và một quả bầu khô đựng đầy rượu. Dưới chân cây nêu, mọi người cùng ném pao, đánh tù lú, đẩy gậy, bắn nỏ, đua ngựa, thổi khèn, hát "khâu xia plềnh", múa khèn... Tính thượng võ, phóng khoáng của cộng đồng thể hiện rõ trong các trò chơi trong vui tết, đón xuân của người Mông.
Đón tân xuân, người Mường mở hội Xuống đồng (Khuông mùa) với các nghi thức ẩm thực và vũ điệu độc đáo. Đáng nhớ là vào ngày mùng 6 Tết, người Mường ở các xã Sơn A, Thanh Lương mở hội ở hang Thẩm Han để tưởng nhớ nàng Han, người con gái Mường dũng cảm đã lãnh đạo dân bản chống lại giặc Khăn Vàng (Trung Quốc) năm 220 trước Công nguyên.
Người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn vào mùa xuân có lễ hội "Mùa măng mọc" và "Đón mẹ lúa", không cầu kỳ nhưng ẩn chứa nhiều ý nghĩa. Ước mong một cuộc sống sung túc, vui tươi, lễ hội "Mùa măng mọc" của người Khơ Mú được trang trí cây chuối cuốn hoa đủ loại, cùng các con giống bằng tre, nứa nhuộm màu và các loại ngũ cốc. Mọi người tưng bừng nhảy múa, ca hát trong điệu dân ca, dân vũ với các nhạc cụ như: tăng bu, tăng bằnh, hươn mạy, xe cắp...
Giàu bản sắc văn hóa và đậm chất trữ tình, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên, Mường Lò - miền đất của lễ hội mùa xuân đã tạo cho con người và cảnh sắc nơi đây những nét riêng có độc đáo bởi sự cởi mở, phóng khoáng và trong sáng tinh khôi như sắc ban, sắc đào thắm nở mỗi độ xuân sang.
Minh Đức
Các tin khác
YBĐT - Đền Khả Lĩnh thờ bà Quỳnh Hoa, Quế Hoa được tương truyền là con gái của vua Hùng (thực chất đây là hai nhân vật trong tục thờ Mẫu của người Việt). Nhưng do đền đã đổ nát nên người dân địa phương đã rước hai bà về cùng thờ tại đình Khả Lĩnh.
Nội dung các hoạt động cụ thể của chương trình du lịch về cội nguồn 2011 của ba tỉnh, gồm các nội dung chủ yếu sau:
Góp phần vào sự phát triển nền kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, thời gian qua, ngành du lịch đã hoàn thành tốt sứ mệnh mang hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới. Tầm vóc và vị thế Việt Nam ngày càng được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới.
YBĐT - Ngày hội văn hóa các dân tộc lần thứ nhất được tổ chức đã tạo nên một ngày hội mùa xuân nơi huyện vùng cao Trạm Tấu. Chia tay nhau trong bịn rịn và nuối tiếc, dường như ai cũng mong muốn, mùa xuân năm sau và những năm tiếp theo ngày hội văn hóa các dân tộc sẽ tiếp tục được tổ chức để thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện.