Tháng 5, mùa ốc gạo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/5/2013 | 8:33:54 AM

Thương hiệu ốc gạo Phú Đa và Tân Phong giờ đã vang danh cả nước, nhưng người sành điệu phải chờ đến tháng 4, tháng 5 âm lịch mới bắt đầu thưởng thức vì đây là thời điểm thịt ốc thơm, giòn và béo nhất.

Cào ốc gạo bằng ghe máy tại Phú Đa (Chợ Lách, Bến Tre).
Cào ốc gạo bằng ghe máy tại Phú Đa (Chợ Lách, Bến Tre).

Ốc gạo có ở nhiều vùng sông nước Cửu Long nhưng có lẽ nổi tiếng nhất là ốc gạo Phú Đa trên dòng Cổ Chiên (xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre) và ốc gạo Tân Phong (huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Đó là những cồn bãi được thiên nhiên hào phóng ban tặng món quà quý giá mà con người đã thừa hưởng từ hơn nửa thế kỷ qua.

Món quà trời cho

Sách Gia Định thành thông chí có đoạn viết: “Ốc gạo vỏ trắng xoáy tròn, lớn bằng ngón tay, khi nấu chín thì dưới yếm của nó lồi ra hạt mỡ trắng như hạt gạo, vị thơm ngon…”. Còn ở Tân Phong lại có một truyền thuyết đậm chất nhân văn: “Hồi xửa hồi xưa, người dân ở Cồn Tre, xã Tân Phong đói nghèo lam lũ. Ông trời thương tình mới ban thưởng cho một loài ốc ngon để giúp họ khai thác đem bán lấy tiền đổi gạo. Từ đó con ốc này mới có tên là ốc gạo…”.

Theo các bậc lão nông tri điền, lúc đầu bà con ở Phú Đa bắt ốc gạo để ăn và đãi khách, sau này mới bán ra thị trường, lâu dần tạo thành thương hiệu “ốc gạo Phú Đa”. Trước năm 1975 ốc gạo nhiều vô số kể, nhưng muốn bắt phải lặn xuống tận đáy sông để cào bắt rất vất vả, còn bây giờ ở Phú Đa người ta cào ốc bằng ghe máy rất tiện lợi. Mãi đến năm 1978 sản lượng vẫn còn hàng trăm tấn/năm.

Có lẽ Cổ Chiên là dòng sông “nước lành cát sạch” nên con ốc gạo cứ quyến luyến không nỡ đi xa. Anh Ba Ngói, phó chủ nhiệm Hợp tác xã Vĩnh Tiến, cho biết từ ngày có hợp tác xã, các xã viên đã biết quý trọng con ốc, ra sức chăm sóc, bảo vệ nguồn nước và nguồn giống. Từ đó 150ha mặt nước sông được khoanh vùng đã trở thành chỗ cư trú an toàn cho ốc gạo. Tuy nhiên, gần đây do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên số lượng và chất lượng không bằng 10 năm về trước.

Tại Tân Phong cũng vậy, có thể nói ốc gạo là nguồn lợi trời cho, là ân nhân của những gia đình nghèo. Tuy nhiên, muốn có được một rổ ốc, người bắt phải bơi xuồng ra giữa dòng sông, cắm sào, một tay bám sào lặn xuống đáy sông, một tay cào hoặc quơ quào hốt bắt vất vả. 

Cào hến và ốc gạo trên sông Hậu

Ốc gạo vừa mới cào lên

Cao lương mỹ vị không bằng 

Theo y lý phương Đông, Đoan là mở đầu; Ngọ là giữa trưa, nắng nhiều và tháng Ngọ là tháng giữa năm, khí dương hưng thịnh như mặt trời giữa trưa. Có lẽ ốc gạo mùng 5-5 ngon hơn các tháng khác là vì thế! 

Muốn đạt đến đỉnh cao về ẩm thực con người phải ăn theo mùa “thời trân”, tức mùa nào thức nấy. Người sành điệu bao giờ cũng tìm cho được món ăn theo mùa để thưởng thức trọn vẹn mùi vị thơm ngon và chất lượng đặc trưng của mùa ấy. Với con ốc gạo, có người đợi đến đúng mùng 5-5, tức Tết Đoan Ngọ, mới bắt hoặc mua về chế biến thành những món ăn truyền thống.

Thông thường, ốc gạo sinh sản vào tháng 7 năm trước và trưởng thành từ tháng 3, tháng 4 năm sau. Đến đầu tháng 5 âm lịch coi như con ốc đã trưởng thành, sung mãn, mập mạp, thịt ốc vừa ngon vừa bổ. Kể từ tháng 7, 8 trở đi ốc gạo thường ngậm con, thịt ít, chất lượng kém.

Nắm được quy luật đó, cứ vào dịp Tết Đoan Ngọ bà con ở những vùng có ốc gạo thường hay tổ chức đổ bánh xèo nhân ốc gạo hoặc nấu cháo ốc gạo để cúng mùng 5 và làm tiệc gia đình. Vào thời điểm này, tại nhà vườn du lịch ở ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình (Chợ Lách) và nhiều quán ăn miệt vườn thường phục vụ các món đặc sản từ ốc gạo.

Từ những con ốc lể ra thịt vàng ươm, béo ngậy và ngọt giòn, nhiều đầu bếp khéo tay đã chế biến thành nhiều món ngon độc đáo như gỏi ốc trộn bưởi và cơm dừa, ốc chấy mỡ tỏi, ốc lẩu mắm, ốc um nước dừa, ốc rang bơ, gỏi cuốn ốc… Món nào cũng ngon, mùi vị thơm lừng, không giống với bất cứ loại ốc nào.

Thịt ốc gạo tháng 5 hình như ẩn chứa bao điều thú vị từ mùi phù sa sông nước miền Tây. Chỉ cần thưởng thức một vài lần thôi cũng đủ ghiền cái mùi vị beo béo, giòn giòn của con ốc gạo. Đây còn là món ăn gợi cho những người xa quê bao nỗi thèm tiếc, nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ quê và một thời tuổi thơ.

Gỏi ốc gạo

Gỏi cuốn ốc gạo

Bánh xèo nhân ốc gạo

Ăn ốc gạo người ta không chỉ ăn bằng miệng mà còn bằng mắt và mũi, nhất là ốc gạo luộc lá ổi, lá chanh chấm nước mắm sả ớt, vừa ăn vừa lể không kịp. Còn ốc gạo lể ra đem chấy mỡ tỏi bốc mùi thơm nức mới đúng là tuyệt diệu. Riêng món cháo ốc gạo nấu cho thật nhừ, bỏ thêm chút hành, tiêu và gừng xắt sợi thì hết chỗ chê.

Tuyệt chiêu hơn nữa là ốc gạo xào tỏi làm nhân bánh xèo. Nó ngon một cách ám ảnh vì cái mùi vị thơm thơm, béo béo hòa quyện với các thứ rau vườn điệu đàng cùng nước mắm chua cay, mặn ngọt quấn quýt. Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng món ăn Việt mà thiếu hương vị Việt, thiếu nước chấm quê nhà coi như thiếu quê hương. Đúng là một sự cảm nhận tinh tế.

Nhớ lắm ốc gạo tháng 5!

(Theo TTO)

Các tin khác
Ananda, ngôi đền cổ đẹp nhất Bagan.

Đối với những ai ưa nét đẹp hoài cổ trầm lắng, thì kinh thành cổ Bagan (nằm về phía bắc Myanmar) là một nơi tuyệt vời để khám phá, với hơn 4.000 đền tháp cổ nằm rải rác giữa một không gian xanh rộng lớn.

Xung Khiêm Tạ là một di tích tại lăng vua Tự Đức được khởi công trùng tu vào sáng 22-5.

Sáng 22-5, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khởi công trùng tu các di tích Dũ Khiêm Tạ, Xung Khiêm Tạ, Khiêm Cung Môn thuộc lăng vua Tự Đức, có vốn đầu tư hơn 26,2 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, Công ty CP Tu bổ di tích Trung ương thi công.

Côn Đảo sở hữu những thực đơn vô cùng hấp dẫn gồm các món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Đã tới Côn Đảo, du khách sẽ muốn ở lại mãi.

Tạp chí du lịch hàng đầu của Mỹ - Travel & Leisure đã dành cho Côn Đảo vị trí số 1 trong danh sách những hòn đảo hoang sơ tuyệt đẹp trên thế giới. Tạp chí đưa lời khuyên tới tất cả những ai yêu thích du lịch, hãy tới Côn Đảo hè này! Côn Đảo, Việt Nam

Sáng 21-5, Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) đã tổng kết dự án "Tăng cường năng lực ngành du lịch Việt Nam trong thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030, tập trung vào các chính sách có trách nhiệm với xã hội".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục