Có những ưu điểm như tính thẩm mỹ cao, không gây bừa bộn khoang lái như rèm hay tấm che, trong khi lại hạn chế nhiệt và tia gây hại tốt, cải thiện tầm nhìn dưới trời nắng, phim cách nhiệt là lựa chọn của nhiều chủ xe. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý một số điểm để sử dụng phim cách nhiệt hiệu quả, an toàn, tránh lâm vào cảnh "tiền mất, tật mang”.
Tối chưa chắc đã tốt!
Kính trên mỗi chiếc xe ô tô đều đã được tính toán chế tạo tối ưu cho nhu cầu quan sát và lấy ánh sáng vào xe. Việc dán thêm một lớp phim đương nhiên sẽ ảnh hưởng phần nào tới khả năng nhìn của người ngồi trong, đặc biệt là kính lái. Lựa chọn phim cách nhiệt dán kính lái quá tối màu và có độ xuyên sáng thấp sẽ khiến việc quan sát và điều khiển xe gặp khó khăn, nhất là khi trời tối.
Thông thường, mỗi loại giấy dán từ các nhà sản xuất có uy tín (như Vkool, 3M…) đều ghi rõ độ xuyên sáng (ví dụ như 70%) và một số chỉ số cơ bản khác. Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của phim dán tới tầm nhìn của lái xe, phần kính lái trước mặt lái xe nên được dán loại phim có độ xuyên sáng cao (trên 65%), độ trong suốt trên 60%, độ phản quang dưới 10%.
Với kính sườn, có thể chọn phim có màu sẫm hơn để tạo không gian riêng tư cho người ngồi trên xe. Trong khi đó, kính hậu của xe không nên dán quá tối (độ xuyên sáng tốt nhất từ 80-90%) để tránh gây khó cho việc quan sát qua gương chiếu hậu.
Lưu ý rằng, phim kém chất lượng tuy cũng đem tới cảm giác tối màu nhưng lại không có tác dụng cản tia tử ngoại. Màu tối của phim chỉ mang lại cảm giác mát ảo khi nhìn và dễ dàng bị phai sau một thời gian phơi nắng. Nhiều loại thậm chí trở nên trong suốt chỉ sau 2-3 tháng sử dụng. Bên cạnh đó, phim kém chất lượng thường có bề mặt không căng, nhẵn gây khó khăn cho việc điều khiển xe, thậm chí gây lóa khi gặp ánh đèn ngược chiều.
Khả năng cản các tia gây hại
Trên nguyên tắc, phim cách nhiệt nói chung đều được sản xuất bằng cách tráng chất hấp thụ tia tử ngoại và tia hồng ngoại lên trên bề mặt nhựa polyester. Ở những loại có chất lượng tốt, phim có thể cản tới tỉ lệ lớn nhiệt do tia hồng ngoại và tới 99,9% tia tử ngoại lọt vào xe. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe cho hành khách mà còn giúp nội thất và các thiết bị để trong xe bền hơn.
Tay nghề thợ dán là điều quan trọng
Chất lượng và tay nghề thi công là một trong những yếu tố rất quan trọng để đạt được hiệu quả cao nhất về cả mặt thẩm mỹ và cách nhiệt. Chất lượng thi công không tốt có thể khiến phim bị nhăn, lọt bọt khí… dẫn tới ánh sáng khúc xạ không đều, gây cảm giác nhức mắt khi lái.
Ngày nay, nhiều xưởng dịch vụ thường thuê thợ bên ngoài để dán kính khi khách hàng có yêu cầu. Điều này khiến chất lượng sản phẩm hoàn thiện đôi khi không ổn định. Để đảm bảo được hài lòng, người dùng nên chủ động trao đổi trước với chủ xưởng để có được lựa chọn tốt nhất.
Lưu ý khi xe vừa dán xong phim cách nhiệt
Xe mới dán phim cách nhiệt xong nên chờ 48 giờ mới hạ kính xuống để lớp phim đủ thời gian gắn chặt vào bề mặt kính. Thậm chí, một số loại phim cách nhiệt cần thời gian chờ đến 72 giờ. Sau đó, nên hạn chế lên/xuống kính trong 3 ngày đầu.
Bên cạnh đó, người dùng nên tránh sử dụng nước rửa kính trong vòng 7 ngày sau khi dán kính xe ô tô. Vệ sinh mặt kính xe cũng phải cẩn thận, tránh ma sát mạnh vì lâu ngày sẽ làm bong tróc lớp phim dù đã dán chặt từ ban đầu.
Dĩ nhiên, kể cả khi đã dán phim cách nhiệt trên toàn bộ kính, người dùng vẫn cần chú ý đến nhiệt độ bên ngoài để đỗ xe ở nơi thoáng mát, dễ chịu. Nếu nhiệt độ trong xe cao hơn do đỗ lâu dưới trời nắng thì nên mở hết kính cửa, bật quạt thổi gió và chạy chừng 20-30 phút cho thoát hết khí nóng ra rồi mới đóng kính và bật điều hòa, khi đó xe có dán phim sẽ mát rất nhanh so với xe không dán phim.
(Theo HNMO)