Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đến cuối tháng 5/2020, các doanh nghiệp thuộc VAMA đã có hơn 83.100 chiếc xe được bán ra; cùng với lượng xe bán của TC Motor (22.400 chiếc) và xe bán của VinFast, tổng lượng xe bán ra 5 tháng qua của doanh nghiệp xe tại Việt Nam đạt từ 110.000 đến 112.000 chiếc.
Trong khi đó, cùng kỳ năm trước 2019, tổng lượng xe bán ra của các doanh nghiệp thuộc VAMA, TCMotor và một số hãng xe lớn khác đã đạt từ 156.100 đến 157.000 chiếc.
Như vậy, tổng lượng xe bán ra chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm trước, lượng bán giảm từ 46.000 chiếc đến 47.000 chiếc, giảm tương ứng bằng sản lượng bán ra của 1 tháng 15 ngày trong năm 2019 (trên 31.000 chiếc).
Về mặt tổng thể, trong khoảng 3 năm trở lại, doanh số bán xe tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ, năm 2018 lượng xe của cả VAMA và một số doanh nghiệp lớn bán ra mới chỉ đạt khoảng 300.000 chiếc.
Tuy nhiên, đến năm 2019, thị trường xe phát triển cực thịnh, doanh số bán xe cán mốc mới với gần 400.000 chiếc. Với tiền đề như vậy, nhiều dự báo và kỳ vọng năm 2020 doanh số bán xe đạt 500.000 chiếc là điều nằm trong lòng bàn tay.
Sở dĩ nhiều kỳ vọng là bởi từ cuối năm 2019 đã có hàng loạt doanh nghiệp đầu tư mới nhà xưởng và đưa các dây chuyền lắp ráp vào sản xuất quy mô công nghiệp như VinFast, Trường Hải và Thành Công.
Về sản lượng bình quân, với số xe 400.000 chiếc/năm 2019, bình quân mỗi ngày người Việt mua khoảng 1.000 chiếc. Tuy nhiên, trong 5 tháng của năm 2020, mỗi ngày lượng xe bán ra chỉ đạt hơn 746 chiếc.
Như vậy, để đạt doanh số kỳ vọng 500.000 chiếc/năm 2020, trong 7 tháng còn lại của năm phải bán được hơn 388.000 chiếc, vậy mỗi ngày lượng xe bán ra phải đạt hơn 1.800 chiếc, cao hơn 800 chiếc/ngày so với sản lượng bình quân năm cao nhất 2019.
Với nhiệm vụ bán 1.800 chiếc/ngày, rõ ràng đây là thách thức khó vượt qua được của các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam bởi tổng cầu thị trường đang giảm và các doanh nghiệp đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, khó đạt sản lượng và công suất 100% cho dù có hàng loạt chính sách kích cầu, hỗ trợ.
Từ ngày 28/6, Chính phủ cho phép giảm 50% phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến hết năm 2020, người mua xe thay vì phải đóng thêm 10-12% giá trị xe như trước đây, nay chỉ còn phải đóng từ 5-6%.
Với chính sách trên, nếu mua xe trong nước có giá từ 350 - 500 triệu đồng, người mua xe sẽ tiết kiệm được số tiền từ 15 triệu đồng đến cao nhất là 30 triệu đồng.
Đối với khách mua xe trong nước có giá từ 510 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, mức tiết kiệm đóng phí sẽ là từ 25 đến 60 triệu đồng/chiếc. Đối với xe trong nước có giá từ 1,1 tỷ đồng đến ngưỡng 2,5 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm thấp nhất là 55 đến 150 triệu đồng/chiếc.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc giảm 50% phí trước bạ thực chất là giảm tiền đóng thêm của người mua xe cho Nhà nước chứ không phải bản thân những mẫu xe trong nước giảm giá.
"Để thúc đẩy mua sắm và có thêm doanh số, thiết nghĩ các doanh nghiệp, đại lý cần đẩy mạnh giảm giá, chiết khấu để đồng thanh tương ứng cùng Chính phủ thúc đẩy doanh số xe hơi bán ra, có như vậy chính sách của Chính phủ mới thực sự tỏ ra hiệu quả và ưu việt" - ông Long nói.
Ngoài chính sách giảm 50% phí trước bạ, Chính phủ cũng mới ban hành Nghị định bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện cho các doanh nghiệp xe hơi Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp lắp ráp xe hơi trong nước.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được giảm thuế nhập linh kiện không sản xuất được với điều kiện cam kết về sản lượng riêng và chung, đây là chính sách hợp lý trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh phát triển ngành ô tô như những động lực phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam.
Để chính sách này có hiệu quả cần có độ trễ từ 3 - 6 tháng tới, bởi doanh nghiệp sẽ phải ký hợp đồng mới trong bối cảnh hầu hết các đối tác, nhà phân phối vẫn đang gặp khó sau dịch covid-19.
(Theo Dân Trí)