Giữa tháng trước, Tập đoàn Vingroup đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành cho phép thí điểm chính sách ưu đãi thuế, phí với ôtô điện.
Trước đề xuất này, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, "có thể xem xét" áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm. Lý do, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, chính sách này sẽ khuyến khích sản xuất, hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng ôtô điện thân thiện môi trường.
Mặt khác, Thứ trưởng Công Thương lập luận, chính sách ưu đãi với ôtô điện sẽ góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đồng tình với kiến nghị chính sách ưu đãi cho xe chạy điện. Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ đánh giá, phát triển phương tiện giao thông cơ giới sử dụng điện là một trong số biện pháp giúp giảm phát thải nhà kính theo các cam kết quốc tế về môi trường.
Tuy nhiên, Bộ Giao thông lưu ý ngành tài chính, tham khảo kinh nghiệm chính sách ưu đãi thuế, phí mà một số quốc gia đang áp dụng để tham mưu Chính phủ đưa ra chính sách ưu đãi sát thực tiễn phát triển công nghiệp ôtô trong nước, phù hợp tình hình Việt Nam.
Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng từ tháng 7/2016 với ôtô điện loại 9 chỗ trở xuống là 15% (giảm 10% so với trước đó); thuế suất với xe 10-16 chỗ là 10% và loại 16-34 chỗ là 5%.
Về lệ phí trước bạ, ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nộp lệ phí trước bạ lần đầu 10-12% tuỳ địa phương. Mức thu lần thứ 2 trở đi là 2%. Ưu đãi lệ phí trước bạ hiện mới áp dụng với xe buýt sử dụng năng lượng sạch, khuyến khích phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng thân thiện môi trường.
Nêu quan điểm về chính sách ưu đãi cho ôtô điện, Bộ Tài chính cho hay, sẽ phải sửa, bổ sung loạt quy định, thậm chí phải sửa luật nếu muốn áp dụng chính sách ưu đãi mà Vingroup đề nghị.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai trong văn bản gửi các bộ, ngành cho biết, việc điều chỉnh chính sách thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, nếu thí điểm chính sách miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô điện trong 5 năm sẽ phải trình Quốc hội sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Bà cho hay, cơ quan này đang đánh giá tổng thể việc thực hiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô thời gian qua, nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi luật thuế này.
Trong khi đó, mức thu phí trước bạ thuộc thẩm quyền của Chính phủ, nên với đề xuất mà Vingroup đưa ra sẽ phải sửa Nghị định 140 về lệ phí trước bạ.
Cùng với đề xuất của Vingroup, Bộ này đang tổng hợp ý kiến các doanh nghiệp liên quan tới điều chỉnh mức thu phí trước bạ trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. Dự kiến, tháng 10 tới cơ quan này sẽ trình Chính phủ xem xét sửa đổi về mức phí trước bạ với ôtô. Bộ Tài chính cũng để ngỏ khả năng sẽ trình theo trình tự, thủ tục rút gọn nếu cần ban hành chính sách này sớm hơn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước đại dịch.
Ôtô điện đang là xu hướng phát triển mới của ngành ôtô thế giới và được dự đoán tăng trưởng mạnh. Nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển các dòng xe ôtô thân thiện với môi trường. Họ cũng đưa ra các chính sách khác nhau hỗ trợ tài chính, thuế... để ưu tiên phát triển, sử dụng xe điện.
Chẳng hạn, Hàn Quốc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế phương tiện với các loại xe điện chạy pin và ôtô điện sử dụng nhiên liệu hydro. Người mua xe điện tại Hàn Quốc sẽ được giảm tối đa 2.000 USD thuế tiêu dùng cá nhân (thuế đóng một lần); giảm 1.400 USD thuế mua xe. Chính phủ nước này cũng đưa ra hỗ trợ giá 13.000 USD với các phương tiện chạy điện hoàn toàn, tuy nhiên khoản trợ cấp này đã giảm dần từ 2014 đến nay.
Trung Quốc miễn thuế tiêu dùng, giảm 50% lệ phí đăng ký với ôtô điện chạy pin. Còn Thái Lan, Indonesia... đưa ra loạt ưu đãi thuế, phí trong 5 năm để khuyến khích người dân các nước này sở hữu, dùng xe điện.
Với Việt Nam, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân của người dân rất cao. Chính phủ đã có nhiều giải pháp chuyển đổi từ sử dụng xe chạy xăng sang chạy điện để giảm phát thải từ phương tiện cá nhân, cải thiện chất lượng không khí. Là lĩnh vực mới nên áp lực cạnh tranh trên thị trường xe điện chưa mạnh mẽ bằng dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch dưới 9 chỗ. Chính điều này gợi mở khả năng phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam theo hướng sản xuất xe điện.
Song, sản xuất ôtô điện không hẳn dễ dàng. Giới chuyên môn nhận xét, đây là loại hình xe mới nên cần được nhà chức trách cân nhắc kỹ về chính sách. Để phát triển xe điện, ưu đãi thuế, phí là chưa đủ. Một trong những điểm khó và tốn kém để ôtô điện phát triển được là hệ thống trạm nạp nhiên liệu. Về điểm này, Bộ Tài chính nhận diện là trở ngại lớn nhất với Việt Nam.
"Cơ sở hạ tầng về trạm sạc còn thiếu, nguồn năng lượng cấp điện chủ yếu vẫn từ nhiên liệu có độ phát thải CO2 cao, chiếm gần một nửa tổng sản lượng điện huy động. Trong khi nguồn điện tạo ra từ năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 4,3% và đây là nguồn điện không ổn định", Bộ Tài chính nhận xét.
Mặt khác, giá thành sản xuất ôtô điện vẫn ở mức cao. Chỉ khi số lượng xe động cơ giảm xuống, cùng với công nghệ vượt trội, giá thành ôtô điện rẻ đi thì lúc đó là cơ hội cho sản xuất, tiêu thụ loại xe này.
(Theo Vnexpress)