Trong thời gian giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, ước tính số lượng xe cá nhân không thường xuyên sử dụng sẽ tăng lên. Đặc biệt, với các chủ ô tô sống ở đô thị thiếu chỗ đỗ xe, những thói quen hàng ngày hoặc kinh nghiệm sai lầm trong bảo quản phương tiện sẽ gây tác hại khiến xe xuống cấp hoặc hư hỏng.
Phủ bạt không đúng loại
Nhiều người suy nghĩ nếu đỗ xe lâu ngoài trời ở nơi không có mái che, cách tốt nhất để bảo vệ sơn xe là sử dụng bạt che. Tuy nhiên, ít người để ý bạt che xe lại có 2 loại gồm phủ trong nhà và ngoài trời, nếu dùng lẫn lộn sẽ rất dễ mang lại tác dụng ngược.
Đối với xe để trong nhà hoặc nơi có mái che, cần dùng loại bạt làm từ vật liệu nhẹ như sa tanh hoặc polypropylene (nhựa PP). Chức năng chính của bạt phủ ô tô trong nhà là bảo vệ xe khỏi bụi hoặc các hạt bụi mịn. Chúng không chống được ánh nắng mặt trời hoặc các yếu tố ngoài trời khác, nên nếu phủ cho xe ngoài trời rất dễ khiến tấm bạt này nhanh hư hại.
Dùng bạt phủ ô tô cần lưu ý dùng đúng loại, vừa bề ngoài xe và chọn nơi đỗ không bị tù đọng nước.
Mặt khác, bạt phủ ô tô ngoài trời có tác dụng bảo vệ nước sơn nhờ lớp bề mặt bền hơn vải thông thường, do được làm từ chất liệu polyester phản quang có thể chống lại tia UV và mưa.
Nhưng tấm bạt này thường cứng hơn loại phủ trong nhà nên người dùng cần lưu ý chọn bạt phủ đúng kích cỡ xe của mình, tránh dùng loại quá to hoặc quá chật dẫn đến khi có gió to hoặc tác nhân khác khiến tấm bạt di chuyển, lớp mạ kim loại phản quang trên bạt sẽ làm xước sơn xe.
Bên cạnh đó, vì bạt phủ ngoài trời có tác dụng chống nước mưa tốt nên cũng khiến hơi ẩm ngưng tụ lâu hơn. Về lâu dài, hơi ẩm sẽ làm nước sơn dễ bị bong tróc, gầm, khe kẽ ô tô bị gỉ sét. Người dùng nên kiểm tra khu vực đỗ xe xem có tiêu thoát nước tốt hay không, tránh trường hợp mưa xong xe bị ngấm nước ngược.
Đỗ xe trên bề mặt không bằng phẳng
Chỗ đỗ xe là điều khá xa xỉ với rất nhiều người sống ở đô thị. Vì thế đôi khi vỉa hè, nơi đất trống hoặc góc chung cư đều được tận dụng.
Nếu vì hoàn cảnh thiếu chỗ mà tranh thủ đỗ xe kiểu ghếch bánh có thể tạm chấp nhận được, nhưng duy trì trong một thời gian dài không đổi vị trí (đi công tác, hoặc giãn cách xã hội) sẽ khiến chủ xe đối mặt với hư hỏng liên quan tới lốp và hệ thống treo.
Theo các chuyên gia, tình trạng đỗ quá lâu ở một vị trí không cân bằng (nhất là kiểu ghếch một bánh trên vỉa hè, một bánh dưới lòng đường) rất dễ khiến ô tô bị lệch độ chụm bánh xe, góc trục thẳng và góc trục treo. Một khi xe bị lệch 3 vị trí này, khả năng vận hành ổn định sẽ không còn vì bị ảnh hưởng trực tiếp tới vô-lăng, độ mòn lốp.
Nếu không được sớm điều chỉnh lại (cân chỉnh bằng máy với chi phí từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng) sẽ dẫn đến mất an toàn khi chạy tốc độ cao, hoặc để lâu làm hư hại cụm thước lái phải thay thế gây tốn kém.
Kéo phanh tay ở chỗ dốc
Động tác kéo phanh tay là thao tác quen thuộc của các tài xế khi dừng đỗ, nhất là ở nơi có độ dốc. Tuy nhiên, nếu đỗ xe một thời gian dài, ở nơi dốc mà kéo phanh tay sẽ là một thảm họa.
Hệ thống phanh tay được vận hành bằng cơ khí, có công dụng giữ cho xe đứng yên mỗi khi đỗ, dù xe đang ở những nơi độ dốc khác nhau.
Với xe sử dụng phanh tang trống bánh sau, cơ cấu phanh dừng thường kết hợp luôn với cơ cấu phanh phanh chính. Vì là hệ thống truyền động cơ khí thuần túy, nên nếu đỗ xe lâu ngày, phanh dễ kẹt do cáp khô dầu, khớp cơ khí han rỉ vì oxy hóa làm má phanh không bung được. Kẹt phanh tay thường xuất hiện đặc biệt sau khi đi mưa, chủ xe đỗ ở chỗ dốc khiến áp lực lên má phanh lớn, dính chặt hơn.
Vì vậy, nếu phải đỗ lâu dài ở nơi dốc, chủ xe nên giảm áp lực cho bộ phanh tay bằng cách chèn bánh trước và sau bằng vật cản, đồng thời dùng phanh động cơ (kéo cần số về P nếu là xe số tự động, cài số thấp nếu xe số sàn).
Bơm nhiên liệu có thể bị hỏng
Theo các chuyên gia, xăng không chì chứa trong bình nhiên liệu sẽ hư hỏng sau 3-6 tháng không hoạt động, với dầu diesel là từ 6-12 tháng. Hư hỏng thường thấy là nhiên liệu có thể bị nhớt, đóng cặn. Đây là một vấn đề lớn đối với bơm nhiên liệu của ô tô.
Khi bơm nhiên liệu bị hư hại, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là động cơ nổ không ổn định, giật và dễ chết máy. Chi phí thay thế cụm bơm nhiên liệu không hề rẻ tùy theo loại xe.
Nếu bạn không lái trong vài tháng, tốt nhất khi sử dụng tiếp nên tháo bỏ toàn bộ lượng nhiên liệu còn lại. Hoặc đơn giản nhất là hàng tuần cố gắng nổ máy ít nhất một lần và duy trì trong vòng hơn 1 tiếng đồng hồ để bơm xăng hoạt động ổn định.
Đỗ xe không che chắn dưới tán cây
Tán cây là địa điểm lý tưởng để đỗ ô tô trong những ngày nắng nóng, nhưng nếu để xe lâu dài ở một vị trí bên gốc cây lại là một sai lầm khó thể lấy lại, nhất là khi chiếc xe không được che chắn cẩn thận.
Nhựa cây, phân chim, hoa quả chín, lá mục ruỗng v.v. có thể làm ố hoặc làm mòn lớp bảo vệ sơn ô tô. Theo thời gian, lớp sơn bị hở dẫn đến màu nhạt hơn hoặc có thể bị xỉn màu và kém rực rỡ hơn so với lúc bạn mới mua. Tệ hơn nữa, các vết nứt có thể bắt đầu xuất hiện trên thân xe, làm giảm giá trị của chiếc xe.
Trong trường hợp phải đỗ xe dưới tán cây, nên phủ bạt để che chắn khỏi những điều phiền toái trên. Tuy nhiên, kể cả trường hợp che chắn kín bằng bạt phủ, bạn sẽ phải đối diện với mối lo ngại hơi ẩm tích tụ như đã nói ở đầu bài vì dưới tán cây thường xuyên duy trì độ ẩm cao, nhất là sau những ngày mưa.
(Theo Vietnamnet)