Robot cá đầu tiên của Việt Nam
- Cập nhật: Thứ năm, 17/12/2009 | 12:00:00 AM
Cá robot có hình thù giống cá Kim Long, có thể lặn sâu 2 m trong thời gian 2 giờ với tốc độ tối đa 0,6 m/giâyNgày 16-12, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM đã nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, hiện thực robot cá trong hồ bơi điều khiển bằng sóng vô tuyến” của kỹ sư Phạm Tiến Trung, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, và các cộng sự.
![]() |
Kỹ sư phạm Tiến Trung (trái) và robot cá.
|
Điều khiển bằng sóng vô tuyến
Phải mất 3 năm nghiên cứu và làm đi làm lại đến con cá thứ 7, thứ 8, cuối cùng nhóm nghiên cứu đã tạo ra được một robot cá hoàn chỉnh. Kỹ sư Phạm Tiến Trung cho biết cấu tạo của cá gồm có phần đầu chứa pin nằm ở phía dưới, phía trên gồm một pít-tông cùng các linh kiện điện tử để điều khiển hoạt động bơi lên lặn xuống của cá. Ở phần thân và đuôi gồm các thiết bị điều khiển quá trình chuyển động. Để robot hoạt động được dưới nước còn có một bộ điều khiển bằng sóng vô tuyến. Trên bộ điều khiển có các cần gạt điều khiển tương ứng với các chuyển động lên, xuống, rẽ trái, rẽ phải... của cá.
Thoạt nhìn robot cá bơi lội uyển chuyển dưới nước, khó ai có thể phát hiện đây không phải là một con cá thật. Mang trên mình lớp vảy màu trắng lấp lánh ánh vàng, cá robot nhìn giống hệt một con cá Kim Long. Nặng 0,6 kg, dài 35 cm với 3 khớp nối các phần đầu, thân trên, thân dưới và đuôi, robot cá có thể bơi trong hồ nước với tốc độ tối đa 0,6 m/giây. Ngoài ra, nó có thể lặn xuống độ sâu 2 m và rẽ trái, rẽ phải với đường kính là 35 cm. Robot cá có thể hoạt động trong vòng 2 giờ với 4 cục pin sạc loại AAA.
Theo nhóm tác giả, hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về di chuyển trong môi trường nước nhưng chủ yếu được tập trung vào việc nghiên cứu tàu ngầm. Gần đây, ở một số nước đã có các công trình về robot cá nhưng riêng ở VN thì đây là một lĩnh vực khá mới, hầu như chưa có người nghiên cứu. PGS-TS Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu, cho biết đây là một đề tài nghiên cứu hay và khó, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành mục tiêu nghiên cứu và tạo ra robot cá đầu tiên của VN.
Nhiều ứng dụng vào cuộc sống
Kỹ sư Phạm Tiến Trung cho biết một trong những khó khăn trong quá trình chế tạo cá là khâu chọn vật liệu làm vây và đuôi. Nếu vật liệu quá cứng, cá sẽ bơi nhanh nhưng không mềm mại và uyển chuyển, không giống với cá thật đồng thời đòi hỏi động cơ phải có công suất cao. Ngược lại, vật liệu quá mềm dẻo thì lực đẩy thủy động tạo ra nhỏ, làm cá di chuyển rất khó khăn. Sau nhiều lần thí nghiệm, nhóm đã thành công khi pha trộn nhiều loại keo silicon với nhau và một số tạp chất khác tạo được đuôi cá vừa có tính cứng đồng thời lại đạt được độ mềm dẻo thích hợp. PGS-TS Lê Hoài Quốc cho biết thêm: “Ứng dụng khả thi và gần gũi nhất là dùng để phục vụ các khu vui chơi giải trí. Có thể dùng một đàn 5-6 con cá robot với ngoại hình được thiết kế giống y như thật cho di chuyển theo một chương trình được lập sẵn để thu hút sự quan tâm của khán giả”.
Còn theo TS Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (người hướng dẫn của nhóm), nếu được phát triển hoàn thiện hơn, robot cá có thể sử dụng để khảo sát dưới mặt nước biển phục vụ công tác trục vớt cứu hộ, công tác khảo cổ, tìm ra các hư hỏng trong hệ thống dẫn và thoát nước... Các nhà sinh vật học có thể dùng robot cá để quan sát hoạt động của các loài sinh vật dưới biển, khám phá những vùng biển mà con người khó tiếp cận như khu vực có đá ngầm nguy hiểm... Đặc biệt, có thể dùng robot cá để quan sát trong các hồ hóa chất có môi trường độc hại đối với con người.
(Theo NLĐ)
Các tin khác

Lúc 7g tối nay (17-12) chương trình Giờ Trái đất đặc biệt sẽ diễn ra tại Copenhagen do Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) và WWF Đan Mạch phối hợp tổ chức.
YBĐT - Cùng với sự tăng trưởng kinh tế của cả nước, trong những năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi của tỉnh Yên Bái nói riêng đang trên đà phát triển mạnh, góp phần chuyển đổi kinh tế của tỉnh Yên Bái. Song song với sự phát triển chăn nuôi, lượng chất thải từ chăn nuôi cũng ảnh hưởng không ít đến môi trường.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ngày 8-12 công bố một báo cáo, trong đó khẳng định năm nay là một trong mười năm nóng nhất kể từ năm 1850.

Tối ngày 18/11, tại Hà Nội, khai mạc Cuộc họp lần thứ 4 các đối tác liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng.