Xây dựng “Cổng trường an toàn”: Dễ mà khó
- Cập nhật: Thứ hai, 29/9/2014 | 2:45:27 PM
YBĐT - Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) học đường, nhiều giải pháp đã được các cấp, ngành tổ chức thực hiện, trong đó mô hình “Cổng trường an toàn” được triển khai và xây dựng trên tất cả 9 huyện, thị xã, thành phố. Nhờ đó, tình hình trật tự ATGT tại các trường học có nhiều chuyển biến. Thế nhưng, để “Cổng trường an toàn” thực sự an toàn trước và sau mỗi giờ học vẫn còn nhiều việc phải làm.
Mô hình “Cổng trường an toàn” tại Trường Tiểu học Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn) đang phát huy hiệu quả.
|
Hiện nay, toàn tỉnh có 356 trường tiểu học và trung học cơ sở, 25 trường trung học phổ thông, 5 trường cao đẳng. Tuy nhiên, trừ các trường ở vùng sâu, vùng xa, các điểm trường còn lại đều xây dựng ngay sát các trục đường giao thông chính, thậm chí ngay bên quốc lộ, đặc biệt tại địa bàn thành phố Yên Bái.
Cứ đến giờ tan học, cảnh ùn tắc giao thông trước các cổng trường lại xảy ra. Do vậy, để đảm bảo ATGT tại các điểm trường này, những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã cùng các ngành chức năng xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn” với mục đích tuyên truyền, nhắc nhở từ học sinh cho đến phụ huynh và giáo viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATGT.
Đến nay, sau nhiều năm xây dựng, toàn tỉnh đã có hàng trăm điểm trường xây dựng “Cổng trường an toàn” từ bậc mầm non cho đến trung học phổ thông và chuyên nghiệp. Bà Bùi Thị Oanh - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết: “Hiện toàn huyện có 89 trường từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, trong đó có rất nhiều đơn vị trường nằm trên tuyến quốc lộ 32. Mỗi khi tan trường, tại các khu vực này lại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. Do vậy, những năm qua, Phòng đã phối hợp với Huyện đoàn xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn”. Đến nay, 100% các trường học đã được gắn biển cổng trường an toàn”.
Cùng với Văn Chấn, nhiều đơn vị trường trên địa bàn tỉnh cũng triển khai xây dựng “Cổng trường an toàn”. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các “Cổng trường an toàn”, ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh trước và sau giờ học, khi tan trường không được dừng đỗ, tụ tập trước cổng trường, không đi dàn hàng ba, bốn trên đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên xe máy, xe đạp điện, ban giám hiệu các trường còn ký cam kết và thành lập các đội tự quản, đội cờ đỏ nhắc nhở, hướng dẫn việc dừng đỗ, ra vào tại cổng trường, theo dõi để có cở sở xử lý theo nội quy của từng trường.
Bên cạnh đó, với các đơn vị trường thuộc bậc học mầm non và tiểu học thường xuyên có phụ huynh đưa đón, các đơn vị trường đã có biển hướng dẫn, nhắc nhở phụ huynh không được dừng đỗ, để xe dưới lòng lề đường và kẻ vẽ ô trong sân trường, tạo không gian thuận tiện cho việc đưa đón con em của các bậc phụ huynh. Ngoài những giải pháp cụ thể trên, tại các buổi khai giảng, chào cờ, sinh hoạt ngoại khóa, nhà trường còn phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh về các quy định của pháp luật về ATGT. Nhờ vậy, những năm qua, tình hình trật tự ATGT tại các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh cơ bản được đảm bảo và duy trì, không có các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại các cổng trường học.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng, việc xây dựng “Cổng trường an toàn” mặc dù đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả, thế nhưng làm thế nào để duy trì và nâng cao hiệu quả của những cổng trường này lại là điều không dễ. Qua tìm hiểu thực tế tại nhiều điểm trường, tình hình giao thông tại các cổng trường sau mỗi giờ tan học vẫn còn diễn biến phức tạp, tình trạng tụ tập tại các cổng trường vẫn còn diễn ra khi thiếu sự nhắc nhở, tuyên truyền của nhà trường và của các tổ chức Đoàn, Đội ý thức của nhiều học sinh và phụ huynh trong việc chấp hành nội quy cổng trường an toàn vẫn chưa cao công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT chưa thường xuyên, liên tục, chưa có trọng tâm và chưa nắm bắt tâm lý lứa tuổi, giới tính của học sinh...
Xây dựng “Cổng trường an toàn” để đảm bảo an toàn cho các em học sinh - thế hệ tương lai của đất nước, vì vậy, trách nhiệm này không chỉ thuộc về ngành giáo dục và đào tạo, các tổ chức đoàn, đơn vị chức năng mà còn của toàn xã hội, trong đó, gia đình đóng một vai trò quan trọng. Để “Cổng trường an toàn” thực sự trở nên an toàn, các cấp, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền kết hợp với xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm để răn đe. Bên cạnh đó, từng phụ huynh học sinh cũng cần gương mẫu thực hiện tốt các quy định pháp luật về ATGT để làm gương cho con em mình và quan trọng hơn, các gia đình cần thường xuyên nhắc nhở và có những giải pháp để con em mình nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông.
H.C
Các tin khác
YBĐT - Là địa phương có địa hình rộng, nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua nên tình hình trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) trên địa bàn huyện Văn Chấn luôn diễn biến phức tạp. Vì thế, thời gian qua, Văn Chấn đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, số vụ tai nạn, số người chết và bị thương trong 8 tháng năm 2014 vẫn gia tăng so cùng kỳ.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đánh giá vết nứt tại Km 83 tương đối lớn là bất thường. Bộ đã chỉ đạo chủ đầu tư có giải pháp xử lý triệt để vết nứt theo đúng thiết kế.
Những đồn cảnh sát đặt tại các ga Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 2 ga cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn, sẽ làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Đây là một trong những nội dung của Đề án “Tăng cường năng lực cho lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt” vừa được Bộ trưởng Công an phê duyệt.
YBĐT - Thời gian qua, các ngành chức năng huyện Lục Yên (Yên Bái) đã nỗ lực trong tuyên truyền, xử lý và ngăn chặn các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tuy nhiên, do ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế và một số nguyên nhân khác khiến tình hình trật tự ATGT trên địa bàn huyện còn diễn biến phức tạp.