Cảnh sát giao thông: Những tâm sự nghề
- Cập nhật: Thứ ba, 27/10/2015 | 9:41:48 AM
YênBái - YBĐT - "Nếu ngày lễ tết nào không hoặc ít xảy ra tai nạn giao thông thì đấy cũng là niềm vui của anh em chúng tôi, bù đắp cho niềm vui chưa trọn vẹn của riêng mình" - Đại úy Tuấn tâm sự.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong những ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
|
Dường như những chiến sĩ mang sắc phục vàng ấy ngại nói về mình, ngại nói về những khó khăn, vất vả phía sau công việc mà bấy lâu nay ít nhiều chịu điều tiếng dư luận xã hội. Nhưng có lẽ, chính sự khiêm nhường ấy chợt khiến chúng tôi quan sát nhiều hơn, để ý nhiều hơn, ngẫm ngợi nhiều hơn để đặt suy nghĩ và cảm nhận vào những phút giây thực thi nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) và rồi thực tế công việc đã tự nói lên lời...
Những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, tiết thu nhưng trước bão, thành phố Yên Bái cái nắng bất chợt nồng oi. Trong tiết trời ấy, cùng với cảnh sát cơ động, thanh tra giao thông, đoàn viên thanh niên, CSGT Công an tỉnh là lực lượng chủ lực đảm nhận nhiệm vụ tại các chốt phân luồng giao thông xung quanh khu vực trung tâm thành phố và tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong suốt những ngày diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Công việc của các anh bắt đầu khá sớm, nghỉ tầm quá trưa rồi lại tiếp tục ngay đầu giờ chiều, giữa cả những lúc nắng nóng cao điểm trong ngày, đứng suốt nhiều tiếng đồng hồ, trong cả khói xe và bụi đường. Chốt phân luồng giao thông tại điểm giao giữa đường Điện Biên với đường Trần Quốc Toản, trong lực lượng đảm nhận nhiệm vụ có nữ Thiếu tá Võ Thị Thư. Công việc của chị cũng chả kém gì các đồng nghiệp nam. Chúng tôi gặp chị khi cái nắng đã chếch bóng chiều nhưng vẫn bắt gặp những giọt mồ hôi rịn tóc. Hình ảnh ấy, gương mặt ấy trong một ngày nắng bất thường của tiết thu đem đến cho chúng tôi nhiều cảm xúc cho ngày hè bỏng rát.
Là những ngày đường phố như chảo lửa, có khi lên đến trên 40oC. Bất kể là ai cũng đều chẳng muốn ló mặt ra đường và bất kể ai buộc phải ra đường cũng tìm cách chống nắng tốt nhất có thể. Nhưng cũng chính những ngày này, CSGT vẫn phải mặc nhiên có mặt ngoài đường làm nhiệm vụ. Trên đầu, nắng sầm sập như đổ lửa xuống; dưới chân, mặt đường phả nhiệt như muốn nung chảy gót giày và thứ duy nhất chống nắng với các anh là chiếc mũ ngành gần như chẳng ăn thua gì trong nắng.
Dấu ấn của những ngày thời tiết nắng nóng khắc nghiệt hiển hiện trên làn da cháy sạm của gần như tất cả những ai trong nghề một cách không thể phủ nhận. Nói chuyện thời tiết, phải đâu riêng gì những ngày hè bỏng rát, còn phải kể đến những đêm đông buốt giá. Khi người ta ai ai cũng mũ, khăn, găng tay, áo ấm muốn mau mải trở về nhà, giữ mình trong những căn phòng kín gió thì các anh vẫn làm công việc của mình, với thứ được trang bị chống rét duy nhất là chiếc áo cảnh phục mùa đông của ngành.
Ấy vậy, trong câu chuyện với các anh, tôi hiểu một điều nắng nực ngày hè hay giá lạnh đêm đông không khiến các anh bận tâm bằng những phút giây chạnh lòng trong những ngày lễ, tết. Nghĩ cũng phải, bởi đó là khi mọi người được trở về sum họp bên gia đình, tận hưởng phút giây ấm áp bên người thân nhưng đó lại càng là những ngày vất vả hơn cả với lực lượng CSGT. Lưu lượng người tham gia giao thông đông hơn rất nhiều, va chạm xe cộ vì thế cũng có thể nhiều hơn, tai nạn giao thông vì thế cũng có thể tăng hơn và cường độ làm việc của CSGT chắc chắn phải nhiều hơn những ngày bình thường.
"Những ngày lễ, tết, chúng tôi phải tăng cường cả về lực lượng, thời gian, cường độ làm việc. Thông thường, anh em trong lực lượng làm nhiệm vụ cho đến khi đường phố cơ bản vãn người tham gia giao thông mới được rời vị trí phân công" - Đại úy Nguyễn Thanh Tuấn - Phó đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông số 3, Phòng CSGT Công an tỉnh chia sẻ.
Nhiệm vụ vẫn được các anh xác định rõ ràng để hoàn thành nhưng cũng không khỏi có phút chạnh lòng. "Nhìn những gia đình quây quần bên mâm cơm trong chiều 30 tết hay những phút giao thừa mà nghĩ về gia đình, về vợ con chưa bao giờ được có chồng, có cha bên cạnh trong thời khắc ấy" - Đại úy Tuấn không giấu nỗi lòng.
Mười ba năm trong nghề là bằng ấy năm Đại úy Nguyễn Thanh Tuấn vắng nhà ngày tết. Mấy năm nay, thành phố thường tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa. Đấy có thể cũng là những đêm trắng làm nhiệm vụ của Đại úy Tuấn và đồng nghiệp. Gác lại nỗi lòng riêng, các anh bù đắp bằng niềm vui ATGT của mọi người. "Nếu ngày lễ tết nào không hoặc ít xảy ra tai nạn giao thông thì đấy cũng là niềm vui của anh em chúng tôi, bù đắp cho niềm vui chưa trọn vẹn của riêng mình" - Đại úy Tuấn tâm sự. Và đó chắc chắn là những niềm vui rất thật của những người làm công việc mà kết quả cuối cùng hướng đến đó là bảo đảm ATGT cho xã hội.
Vui khi ATGT được bảo đảm nhưng công việc vẫn buộc các anh phải chứng kiến những vụ tai nạn giao thông khi CSGT bao giờ cũng là lực lượng chức năng đầu tiên có mặt tại hiện trường. Vẫn biết, điều tra, xác minh, xử lý tai nạn giao thông là nhiệm vụ, là một phần công việc thường xuyên của các anh, các chị nhưng biết đâu họ cũng phải đối mặt với những ám ảnh của chính mình, từ chính công việc ấy, trước những sự việc quá đau lòng…
Mang chút suy nghĩ chủ quan của mình tới những người trong cuộc, chúng tôi nhận được những chia sẻ rất thật của Thiếu tá Trần Thúy Vinh - Đội trưởng Đội CSGT Công an thành phố Yên Bái: "Vừa mới đây thôi, trực tiếp tham gia xác minh vụ tai nạn ô tô lao xuống vực mà nạn nhân là hai thanh niên còn rất trẻ, đều bị thương nặng cũng khiến mình không tránh khỏi xót xa. Đó không phải là cảm giác sợ hãi mà là một sự ám ảnh bởi quá thương tâm, đặc biệt là những vụ tai nạn mà nạn nhân là trẻ em hay những người còn quá trẻ. Không biết có phải vì mình là phụ nữ nên dễ đa cảm hơn đồng nghiệp nam hay không?".
Tâm sự ấy của một nữ thiếu tá CSGT có vẻ ngoài cứng cỏi gợi lên bao niềm trắc ẩn. Cũng có thể chị có nhiều nhạy cảm của một người phụ nữ hơn đồng nghiệp nhưng biết đâu đấy, nhiều đồng nghiệp nam của chị có khi cũng không tránh khỏi những xúc cảm này, chỉ là đàn ông, họ ít nói ra, ít thể hiện, ngại sẻ chia. Tuy nhiên, điều chị và đồng nghiệp thấy buồn lòng hơn cả là có những khi tham gia xử lý tai nạn và cần đưa nạn nhân tới cơ sở y tế thì thật khó khăn trong việc nhờ các bác tài qua đường giúp đỡ bởi nhiều người muốn né tránh trách nhiệm xã hội này.
Có lắng nghe, có cảm thông mới hiểu đằng sau những nét mặt nghiêm nghị, rạm nắng thường ngày của những chiến sĩ CSGT là không ít những nỗi niềm trong nghề. Đó không chỉ là chuyện phơi mình dưới tiết trời khắc nghiệt, là chuyện làm việc hơn tám tiếng một ngày, là chuyện nhận nhiệm vụ bất cứ lúc nào có lệnh, là chuyện chưa bao giờ ngoài cuộc trong lực lượng ứng cứu những khi thiên tai, bão lũ… mà còn là những căng thẳng không tránh khỏi với người vi phạm luật ATGT trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các anh mà có nói ra thì cũng không dễ mấy người hiểu và sẻ chia.
Đó còn là cả những hiểm nguy tiềm ẩn khi người vi phạm chống đối mà thực tế nhiều vụ việc đã cho thấy. Một cảnh sát bị tài xế xe "điên" lao thẳng vào người, một chiến sĩ bị hất lên nắp capo, bị kéo lê trên đường, bị rượt đuổi bằng một vỏ chai nhọn hoắt hay bị đâm thẳng ngực… đã là những sự việc có thật với những chiến sĩ trong ngành, ở một số địa phương trong cả nước.
Vào tháng 10/2011, hai chiến sĩ của Đội CSGT Công an thành phố Yên Bái là Kiều Trọng Phương và Đỗ Hoàng Việt trong quá trình làm nhiệm vụ cũng từng bị đối tượng vi phạm chống đối, chiến sĩ Đỗ Hoàng Việt bị đối tượng gây thương tích… "Mọi nhọc nhằn ấy đã chọn nghề thì đều xác định cả nhưng khó nhất bây giờ với chúng tôi là áp lực dư luận từ những thông tin không đầy đủ về những vụ việc nào đó của CSGT" - Thiếu tá Trần Thúy Vinh chia sẻ nỗi niềm làm nghề.
Quả thật, những va chạm giữa CSGT và người vi phạm giờ đây thật dễ được ghi lại bằng hình ảnh, rồi đăng tải, lan truyền trên mạng xã hội song không phải thông tin nào cũng được phản ánh chân thực như nó xảy ra, sự thật không được tôn trọng một cách cao nhất mà nhiều khi đã được cắt gọt, biên tập theo hướng bất lợi cho CSGT mà các anh, các chị cũng không thể "chạy" theo dư luận để thanh minh.
Thu Hạnh - Hồng Oanh
Bài 2: Thân thiện, trách nhiệm và nhân văn
Các tin khác
YBĐT – 9 tháng qua, trên địa bàn thành phố Yên Bái đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông và 72 vụ va chạm giao thông, làm chết 11 người, bị thương 94 người, hư hỏng 59 ô tô, 100 mô tô, 10 phương tiện thô sơ, ước tính thiệt hại trên 370 triệu đồng.
YBĐT - Thời gian qua, lực lượng đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Văn Chấn đã có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn. Nhờ đó, nhận thức của ĐVTN nói riêng và người dân nói chung khi tham gia giao thông không ngừng được nâng lên, việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) đã trở nên thường xuyên, phổ biến hơn.
YBĐT - Khoảng 13 giờ ngày 24/10/2015, trên đường Yên Bái - Khe Sang (đoạn qua địa phận thôn Tân Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 2 người tử vong.
Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa một xe tải và một xe buýt xảy ra vào khoảng 7h30 sáng 23-10 trên tuyến đường liên tỉnh D17 ở gần TP Libourne thuộc vùng Gironde ở tây nam nước Pháp. Theo thống kê của cảnh sát, có 43 người chết.