Báo động tai nạn giao thông đường nội thị, cách nào kiềm chế?

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/10/2022 | 4:17:57 PM

Tai nạn giao thông (TNGT) tại khu vực nội thị có xu hướng gia tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các chuyên gia đề xuất loạt giải pháp nhằm kiềm chế.

Hiện trường vụ TNGT do giảng viên đại học uống rượu bia gây ra tối 7/9 tại đường Nguyễn Chánh (TP Hà Nội)
Hiện trường vụ TNGT do giảng viên đại học uống rượu bia gây ra tối 7/9 tại đường Nguyễn Chánh (TP Hà Nội)

Liên tiếp các vụ TNGT trong nội thị

Khoảng 23h40 ngày 14/10, trên đường Lý Thái Tổ (quận 10, TP.HCM) xảy ra vụ TNGT khiến nam sinh viên 21 tuổi tử vong tại chỗ.

Vào thời điểm trên, nam sinh tên H. điều khiển xe máy chạy song song với một xe máy khác trên đường Lý Thái Tổ, bất ngờ 2 xe va chạm với nhau khiến H. ngã xuống đường. Đúng lúc này, một chiếc xe bồn từ phía sau chạy tới, không kịp xử lý đã cán qua người khiến H. tử vong.

Trước đó, khoảng 0h48 ngày 11/10, tại ngã tư đường Quang Trung - Lê Hồng Phong, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra vụ TNGT giữa xe máy và xe tải khiến anh L.N.N. (41 tuổi) tử vong thương tâm.

Tại TP Vinh, Nghệ An, khoảng 16h ngày 5/10, ô tô con BKS 37A-719.XX khi đang di chuyển trên đường Lê Viết Thuật bất ngờ đâm thẳng vào 3 người phụ nữ đi xe đạp khiến 2 nạn nhân tử vong, một người bị gãy chân, đa chấn thương.

Còn tại TP.HCM, chỉ trong ngày 22/9 đã xảy ra 2 vụ tai nạn trên đường Tân Quý (quận Tân Phú) và Xa lộ Hà Nội khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương.

Đáng chú ý, khoảng 21h25 ngày 7/9, một giảng viên đại học tên Trịnh Văn P. (SN 1981) đã điều khiển ô tô trong lúc say xỉn gây tai nạn liên hoàn với 2 xe máy và một ô tô trên đường Nguyễn Chánh, TP Hà Nội khiến 4 người bị thương.

Trước đó, khu vực nội thành Hà Nội cũng xảy ra nhiều vụ tai nạn khác khiến một số nạn nhân tử vong, bị thương trên đường Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông), phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm…

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia, phân tích trên 7.917 vụ TNGT đường bộ 9 tháng đầu năm 2022, có tới 23,34% số vụ xảy ra trên đường nội thị, tăng 2,88 % so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,25% so với cả năm 2021.

Mặc dù so với năm 2019 (khi dịch Covid-19 chưa bùng phát), số vụ TNGT trên đường nội thị có xu hướng giảm, tuy nhiên theo các chuyên gia, thực tế có thể thấy TNGT xảy ra trên loại đường này đang có xu hướng tăng khi cả nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Phương tiện và vi phạm gia tăng


Hiện trường vụ TNGT liên hoàn xảy ra tại quận Hà Đông (TP Hà Nội) tối 28/7 làm 1 người tử vong.

TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng TNGT khu vực nội thị thời gian gần đây là do sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện.

"Thêm vào đó, nhiều tuyến đường vẫn đang bị rào chắn để phục vụ xây dựng cầu vượt, đường sắt đô thị khiến bề rộng đường không chỉ bị thu hẹp mà chất lượng mặt đường còn xuống cấp nghiêm trọng”, TS. Hiếu nói.

Cũng theo ông Hiếu, khu vực nội thị còn là nơi tập trung nhiều trường học trong khi tình trạng học sinh, thanh thiếu niên chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái vẫn điều khiển xe máy trên đường; là khu vực tập trung nhiều địa điểm ăn uống, sự kiện dẫn đến tình trạng uống rượu bia trước khi lái xe xảy ra phổ biến.

"Việc gia tăng TNGT còn do sự bùng nổ của các lái xe công nghệ sau thời gian đại dịch. Các nghiên cứu tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đều cho thấy người đưa hàng thường thực hiện các hành vi lái xe nguy hiểm (chạy ngược chiều hay vượt đèn đỏ) để đáp ứng sức ép của việc phải đưa hàng nhanh chóng. Ngoài ra, còn do sự xuống cấp và quá tải của hệ thống hạ tầng”, TS. Hiếu cho hay.

PGS.TS. Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, tại khu vực nội thị, lượng phương tiện cơ giới gia tăng với tốc độ nhanh đã làm tăng số lượng các vụ va chạm, TNGT.

Cùng với đó, mô hình giao thông hỗn hợp, các phương tiện cùng di chuyển trên cùng 1 làn đường cũng dẫn đến nguy cơ cho các phương tiện yếu thế (xe máy, xe đạp, người đi bộ) khi va chạm với các phương tiện cơ giới lớn hơn như xe tải, xe khách.

"Quan trọng hơn cả là ý thức của người tham gia giao thông còn kém, đặc biệt trong tình trạng ùn ứ, ai cũng muốn chen nhanh để di chuyển dẫn đến nguy cơ va chạm cao. Một bộ phận lớn người dân còn qua đường tại nơi không có vạch qua đường hoặc cắt ngang các đường phố”, TS. Cường nói.

Vận tải công cộng sẽ là chìa khóa

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân của các vụ TNGT trong khu vực nội thị chủ yếu do bị hạn chế tầm nhìn, một bộ phận lớn người dân (đặc biệt là các shipper) không giữ khoảng cách an toàn khi di chuyển, chuyển hướng bất ngờ không đảm bảo an toàn, sử dụng điện thoại, không chú ý quan sát.

"Tình trạng người dân sử dụng rượu bia tham gia giao thông vào buổi tối vẫn diễn ra phổ biến, là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn liên hoàn” Thiếu tá Chinh nói.

Để hạn chế TNGT trong khu vực nội thị, Thiếu tá Chinh khuyến cáo người dân cần chấp hành nghiêm Luật GTĐB, tuân thủ tốc độ tối thiểu đã quy định trong khu vực nội đô, khi chuyển hướng ngoài bật tín hiệu cảnh báo cần chú ý quan sát để đảm bảo an toàn.

Còn theo TS. Hiếu, lực lượng chức năng cũng cần quyết liệt kiểm tra và xử phạt tình trạng sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện và tăng cường giám sát, xử phạt thanh thiếu niên điều khiển xe máy. Đặc biệt, cần có chuyên đề xử phạt đối với hành vi lái xe không an toàn của đội ngũ lái xe đưa hàng.

"Về lâu dài, cần phải tăng cường năng lực của vận tải hành khách công cộng để khuyến khích người dân chuyển đổi, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân”, TS. Hiếu chia sẻ.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Phạm Việt Cường cho biết, bên cạnh các giải pháp xây dựng phương tiện công cộng như tàu điện trên cao, xe buýt, cần phải tiếp tục cải thiện và tổ chức lại các luồng giao thông, trong đó việc tách riêng các làn xe cơ giới là việc cần thiết.

(Theo baogiaothong)

Các tin khác
Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an huyện Trấn Yên lập biên bản xử phạt học sinh vi phạm giao thông.

Thời gian qua, các ban, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về pháp luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cho học sinh.

Quang cảnh buổi lễ ký kết.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, Bộ sẽ chọn ra một tỉnh để xây dựng điển hình về bảo đảm an toàn giao thông, trong đó xây dựng mô hình "Cổng trường an toàn" để nhân rộng ra cả nước.

Cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn giao thông.

Theo đề xuất mới nhất của Bộ Công an, có 4 trường hợp cảnh sát giao thông (CSGT) được dừng xe, đó là khi phát hiện hành vi vi phạm luật; thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch đã được phê duyệt; khi có văn bản đề nghị của cơ quan chức năng hoặc tin báo, phản ánh của tổ chức, cá nhân.

Hiện trường vụ tai nạn làm một người tử vong trên cầu Bãi Cháy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh.

Vụ tai nạn xảy ra giữa 2 ô tô lưu thông cùng chiều trên cầu Bãi Cháy. Xe bán tải chạy sau đã không kiểm soát được tốc độ và đâm vào đuôi xe tải đi trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục