Vương quốc Anh
Tại Anh, lái xe sau khi uống rượu, bia có thể bị các hình phạt như ngồi tù, bị cấm lái xe, phạt tiền, theo trang Gov.uk.
Hình phạt thực tế với tài xế say xỉn tuỳ thuộc vào thẩm phán xét xử vụ án và tùy thuộc vào hành vi phạm tội. Tài xế vi phạm nồng độ cồn ở Anh được giảm mức độ hình phạt bằng cách tham gia khoá phục hồi chức năng vì lái xe sau khi uống rượu (DDRS) nếu bị cấm lái xe trong 12 tháng trở lên.
Các mức phạt vi phạm nồng độ cồn ở Anh cụ thể như sau:
Điều khiển phương tiện khi vượt quá giới hạn cho phép sau khi uống rượu bia, tài xế có thể chịu các mức phạt: 3 tháng tù; phạt tiền tới 2.500 bảng Anh (3.000 USD); cũng như khả năng bị cấm lái xe.
Lái xe hoặc có ý định lái xe khi có nồng độ cồn vượt mức cho phép, tài xế vi phạm có thể bị phạt 6 tháng tù giam; phạt tiền không giới hạn; cấm lái xe ít nhất 1 năm (hoặc 3 năm nếu bị kết án 2 lần trong vòng 10 năm).
Với tài xế say xỉn từ chối cung cấp mẫu hơi thở, máu hoặc nước tiểu để phân tích, họ có thể lãnh án 6 tháng tù; phạt tiền không giới hạn; cấm lái xe ít nhất 1 năm.
Theo Gov.uk, với tài xế say rượu lái xe gây chết người, mức cán có thể là: Tù chung thân; phạt tiền không giới hạn; cấm lái xe ít nhất 5 năm; thi để nhận lại bằng lái xe. Nếu bị xem là có nguy cơ tái phạm cao, tài xế từng say rượu lái xe gây chết người có thể sẽ không được lấy lại được lấy phép lái xe.
Ngoài các mức phạt trên, tài xế từng vi phạm nồng độ cồn ở Anh có thể gặp các trở ngại pháp lý khác. Cụ thể, bởi từng bị kết án uống rượu bia khi lái xe, chi phí bảo hiểm ô tô của tài xế sẽ tăng đáng kể. Nếu công việc chính là tài xế, dấu vết vi phạm sẽ hiển thị trên giấy phép lái xe của người đó ảnh hưởng tới quyết định tuyển dụng của chủ sử dụng lao động. Ngoài ra, những người từng vi phạm nồng độ cồn ở Anh có thể gặp khó khăn khi đi tới các quốc gia như Mỹ, theo cảnh báo của Gov.uk.
Singapore
Theo Straits Times, mức nồng độ cồn cho phép khi lái xe ở Singapore là 35 microgam cồn trên 100ml khí thở hoặc 80 miligam cồn trên 100ml máu.
Đạo luật Giao thông Đường bộ Singapore quy định, tài xế có thể bị kết tội lái xe khi đã uống rượu bia nếu vượt quá giới hạn cho phép về nồng độ cồn.
Nếu bị kết tội lái xe trong tình trạng uống rượu bia, tài xế có thể bị phạt tới 10.000 USD và cho ngồi tù tới 1 năm cho lần vi phạm đầu tiên.
Những người vi phạm nhiều lần có thể bị phạt tới 20.000 USD và ngồi tù tới 2 năm.
Người vi phạm nồng độ cồn ở Singapore cũng sẽ bị cấm lái xe ít nhất 2 năm, hoặc ít nhất 5 năm đối với người tái phạm. Thời gian bị tước quyền lái xe có thể lâu hơn nếu người lái xe đó bị kết tội lái xe nguy hiểm hoặc bất cẩn.
Nhật Bản
Theo Forbes, Nhật Bản là quốc gia có luật cấm lái xe sau khi uống rượu nghiêm ngặt nhất thế giới khiến mọi người không lái xe sau khi uống rượu.
Sau loạt vụ tai nạn giao thông chết người liên quan đến rượu vào đầu thế kỷ 20, giới chức Nhật Bản quyết định ban hành luật cứng rắn hơn để giải quyết vấn đề xã hội này.
Luật quy định về việc cấm lái xe khi uống rượu bia ở Nhật Bản được ban hành năm 2002, có các điều khoản chặt chẽ hơn về lái xe sau khi uống rượu bia giúp số ca tử vong do rượu bia ngay lập tức giảm hơn một nửa và giảm tới 80% trong vài năm sau đó.
Theo website của Đại học Khoa học và Công nghệ Okinawa, Nhật Bản, lái xe sau khi uống rượu bia ở Nhật Bản bị phạt nặng.
Ở nồng độ cồn 0,15 mg/1l khí thở, người lái xe đã bị xác định vi phạm lái xe trong tình trạng ảnh hưởng DUI và có thể bị phạt ngồi tù có lao động tới 3 năm và phạt tiền tới 500.000 yên (3.709 USD).
Trong khi đó, mức vi phạm lái xe trong khi say DWI - mức vi phạm lớn hơn DUI - tài xế vi phạm có thể bị ngồi tù có lao động đến 5 năm và phạt tiền lên đến 1 triệu yên (7.419 USD).
Trang tin này lưu ý, bất kỳ ai cung cấp phương tiện và/hoặc rượu cho tài xế say rượu hoặc là hành khách trên xe do tài xế say rượu điều khiển cũng có thể bị ngồi tù có lao động và phạt tiền.
Nếu sự cố DUI hoặc DWI dẫn đến tai nạn, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn. Người lái xe say rượu gây tử vong hoặc thương tích cho người khác sẽ bị phạt tù đến 20 năm (trong trường hợp gây tử vong) hoặc 15 năm (trong trường hợp nạn nhân bị thương).
Ngoài ra, theo Luật Giao thông Đường bộ Nhật Bản, xe đạp cũng được coi là phương tiện như ô tô nên người đã uống rượu cũng không được phép điều khiển xe đạp.
(Theo LĐO)