Yên Bái xử phạt vi phạm từ hình ảnh camera giám sát góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
Cập nhật: Thứ tư, 1/3/2023 | 8:11:31 AM
YênBái - Từ ngày 1/3/2023, Yên Bái sẽ chính thức sử dụng hình ảnh qua Hệ thống camera giám sát giao thông để xử phạt các hành vi vi phạm giao thông. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phạm Vân Thảo - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Yên Bái xung quanh nội dung này.
Camera giao thông tại khu vực giao nhau giữa đường Điện Biên - Đinh Tiên Hoàng - Yên Ninh - Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái (thường gọi là ngã tư Km5).
P.V: Thưa ông, từ hôm nay 1/3/2023, Yên Bái sẽ chính thức phạt nguội các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) thông qua Hệ thống camera giám sát giao thông, xin ông cho biết các điểm có lắp đặt các hệ thống camera giám sát giao thông có sử dụng hình ảnh để xử phạt các hành vi vi phạm.
Thượng tá Phạm Vân Thảo: Ngày 11/1/2023, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Công văn số 104/UBND-ĐTTM về việc khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ Hệ thống camera giám sát giao thông để hỗ trợ cho công tác bảo đảm TTATGT và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái, thời gian triển khai thực hiện bắt đầu từ ngày 1/3/2023.
Trong đó có 09 điểm lắp đặt camera giám sát giao thông ghi nhận hình ảnh, phát hiện các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, gồm 2 điểm giám sát tốc độ phương tiện giao thông ghi nhận, phát hiện các phương tiện vi phạm chạy quá tốc độ quy định trong khu vực đông dân cư, được lắp đặt trên trục đường Âu Cơ và trục đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái, là đoạn đường đôi, có dải phân cách, tốc độ tối đa cho phép đối với xe cơ giới là 60km/h (trừ xe máy chuyên dùng, xe gắn máy).
7 điểm giám sát các hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ ghi nhận, phát hiện các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, như: không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường; không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng làn đường quy định; vi phạm các quy định về dừng, đỗ; đi ngược chiều của đường có biển cấm đi ngược chiều..., được lắp đặt tại các khu vực giao nhau trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Cụ thể: khu vực giao nhau giữa các trục đường: Trần Phú - Nguyễn Văn Cừ - Âu Cơ, thành phố Yên Bái (thường gọi là ngã tư quán Đá); khu vực giao nhau giữa các trục đường: Điện Biên - Đinh Tiên Hoàng - Yên Ninh - Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái (thường gọi là ngã tư Km5); khu vực giao nhau giữa các trục đường: Điện Biên - Quang Trung - Lê Lợi, thành phố Yên Bái (thường gọi là ngã tư Km4); khu vực giao nhau giữa các trục đường: Nguyễn Thái Học - Điện Biên - Hoàng Hoa Thám - Lý Thường Kiệt - Bách Lẫm, thành phố Yên Bái (thường gọi là ngã 5 Cao Lanh); khu vực giao nhau giữa các trục đường: Lý Thường Kiệt - Lê Hồng Phong - Yên Ninh - Thành Công, thành phố Yên Bái (thường gọi là ngã tư Nam Cường); khu vực giao nhau giữa các trục đường: Yên Ninh - Kim Đồng - Đá Bia, thành phố Yên Bái (thường gọi là ngã tư Bệnh viện Sản Nhi) và khu vực giao nhau giữa các trục đường: Nguyễn Tất Thành - Đại Đồng - Nguyễn Văn Mậu, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (thường gọi là ngã tư Km12 thị trấn Yên Bình).
>> Videoclip Thượng tá Phạm Vân Thảo trả lời phỏng vấn Báo Yên Bái
P.V:Việc xử phạt các hành vi vi phạm qua camera sẽ được thực hiện như thế nào, việc áp dụng các mức phạt tiền được thực hiện theo quy định nào, thưa ông?
Thượng tá Phạm Vân Thảo: Việc phát hiện và xử lý vi phạm về giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera giám sát giao thông được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135, ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính và các quy định của Bộ Công an.
Theo đó, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Yên Bái sẽ tiến hành khai thác, sử dụng dữ liệu, hình ảnh thu được từ Hệ thống camera giám sát giao thông để hỗ trợ công tác bảo đảm TTATGT và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Dữ liệu, hình ảnh thu được từ hệ thống sẽ được xử lý theo 2 trường hợp sau:
Một là, trường hợp xử lý vi phạm trực tiếp: dữ liệu, hình ảnh phương tiện vi phạm đang tham gia giao thông được gửi đến thiết bị hỗ trợ hệ thống giám sát của các tổ tuần tra, kiểm soát công khai của lực lượng CSGT để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý vi phạm trực tiếp trên tuyến;
Hai là, trường hợp chưa dừng được phương tiện trên tuyến để kiểm soát: dữ liệu, hình ảnh phương tiện vi phạm sẽ được trích xuất phục vụ việc xác minh thông tin về chủ sở hữu phương tiện, người điều khiển phương tiện, yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết vụ việc.
Căn cứ kết quả xác minh, lực lượng CSGT sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Việc áp dụng hình thức, mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 100/2019, ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021, ngày 28/12/2021 của Chính phủ).
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh vận hành Hệ thống camera giám sát giao thông.
P.V:Nhiều người dân còn băn khoăn khi thực hiện "phạt nguội” qua camera, đối với các phương tiện vi phạm không chính chủ, chưa thực hiện sang tên chính chủ, xe bị che hoặc mờ biển kiểm soát sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Thượng tá Phạm Vân Thảo: Đối với các phương tiện vi phạm không chính chủ, chưa chuyển quyền sở hữu phương tiện khi mua, bán qua nhiều đời chủ, Phòng CSGT sẽ cập nhật thông tin phương tiện vi phạm trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT Bộ Công an để chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính biết, liên hệ giải quyết theo quy định; đồng thời gửi thông báo cảnh báo phương tiện vi phạm cho cơ quan đăng kiểm (đối với loại phương tiện có quy định phải kiểm định) để đưa vào cảnh báo phương tiện vi phạm trên "Chương trình quản lý kiểm định”, khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, yêu cầu chủ phương tiện đến trụ sở cơ quan công an để giải quyết vụ việc.
Đối với các phương tiện vi phạm gắn biển số không rõ chữ, số, biển số bị che lấp, bị hỏng, hình ảnh phương tiện vi phạm sẽ được gửi đến các tổ tuần tra kiểm soát, công khai của lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ trên tuyến thông qua thiết bị hỗ trợ hệ thống giám sát để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định.
Trường hợp chưa dừng được ngay phương tiện để kiểm soát, xử lý thì áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định phương tiện vi phạm, căn cứ kết quả xác minh, lực lượng CSGT sẽ tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
P.V: Ông kỳ vọng việc đưa vào xử phạt sẽ tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ như thế nào?
Thượng tá Phạm Vân Thảo: Việc triển khai lắp đặt Hệ thống camera giám sát giao thông phục vụ công tác bảo đảm TTATGT và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ sẽ hỗ trợ lực lượng CSGT trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm, nhất là đối với các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Các hành vi vi phạm về TTATGT đường bộ đều được hệ thống tự động phát hiện, ghi nhận bằng hình ảnh trực quan, lưu trữ đầy đủ thông tin, dữ liệu phục vụ việc xác minh và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, từ đó sẽ nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, hình thành thói quen chấp hành các quy tắc giao thông đường bộ của người tham gia giao thông, ngay cả khi không có lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên tuyến, tạo sự chuyển biến tích cực về tình hình TTATGT trên địa bàn, hạn chế các hành vi vi phạm, góp phần làm giảm tai nạn giao thông, đồng thời xây dựng văn hóa giao thông, tạo một môi trường giao thông an toàn, văn minh, hiện đại.
Cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị Bộ Y tế công bố các cơ sở cấp giấy sức khoẻ điện tử bởi nhiều người dân khó đổi giấy phép lái xe (GPLX) trực tuyến vì thiếu giấy này.
Từ ngày 1/3, Yên Bái sẽ chính thức sử dụng hình ảnh qua Hệ thống camera giám sát giao thông để xử phạt các hành vi vi phạm giao thông. Thông qua đó sẽ nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, hình thành thói quen chấp hành các quy tắc giao thông của người dân. Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phạm Vân Thảo - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Yên Bái xung quanh nội dung này.