Những điều trông thấy
Cổng các trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Yên Bái vào các giờ tan học thường xảy ra ùn tắc. Nhiều người chấp nhận đi đường khác dù xa hơn để tránh đi qua cổng các trường vào thời điểm này. Các em học sinh tụ tập ngay dưới lòng đường, đứng túm năm, tụm ba, đi xe dàn hàng ba, hàng bốn ra đường. Loại hình xe đạp điện là phương tiện phổ biến để các em đi lại hàng ngày.
Theo quy định hiện hành, các em được phép đi xe đạp điện và xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 tùy theo độ tuổi. Tuy nhiên, không phải em nào cũng cao lớn, khỏe mạnh, kỹ năng lái xe tốt; đặc biệt, có những em học sinh đi xe không đội mũ bảo hiểm, không ít học sinh điều khiển xe máy điện loại tốt với vận tốc cao và lạng lách, tránh vượt nguy hiểm trên đường phố. Xe đạp điện, xe máy điện là vậy, xe mô tô còn ghê gớm hơn. Việc mua cho con cái xe đi học không có gì là khó khăn với nhiều gia đình.
Ngoài các loại xe dung tích xi lanh dưới 50 cm3, có nhiều em học sinh sử dụng xe phân khối lớn, đòi hỏi phải có giấy phép lái xe để đến trường. Không khó khăn khi bắt gặp học sinh THPT điều khiển xe mô tô phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm, không lắp gương chiếu hậu, chở quá số người quy định. Thi thoảng lại có những nhóm học sinh phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, bốc đầu trên các tuyến đường.
Tiếng nói người trong cuộc
Trung tá Nguyễn Hà Vân Tùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an huyện Trấn Yên cho biết: "Học sinh là đối tượng mà lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện quan tâm. Chúng tôi chủ động phối hợp với các nhà trường để tuyên truyền pháp luật. Tuy vậy, tình trạng học sinh, nhất là học sinh THPT vi phạm vẫn còn. Các lỗi phổ biến như: điều khiển xe không có giấy phép, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu… và cả tình trạng lợi dụng các cung đường vắng để lạng lách, đánh võng, điều khiển xe một bánh… Đội thường xuyên bố trí cán bộ, chiến sĩ đi tuần tra qua các cổng trường vào giờ tan học với mục đích đôn đốc, nhắc nhở các em tuân thủ pháp luật giao thông”.
Đại úy Nguyễn Mạnh Cường - cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: "Quá trình tuần tra, kiểm soát, chúng tôi phát hiện không ít những trường hợp vi phạm là học sinh. Cái khó cho chúng tôi là không xử lý thì không đúng mà xử lý thì các em lỡ buổi. Vì thế, rất nhiều lần, chúng tôi đã buộc các em phải gọi cha mẹ đến để đưa tới trường”.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi cho một số bậc phụ huynh vì sao ông/bà không mua xe mô tô dung tích xi lanh dưới 50 cm3 cho con đi học. Câu trả lời phổ biến là: "Xe mô tô phân khối nhỏ (dưới 50 cm3) giá rất đắt, chất lượng kém, đi nhanh hỏng, phần lớn là xe do Trung Quốc sản xuất hoặc những công ty liên doanh không có thương hiệu. Mua về đi một thời gian ngắn là vỏ nhựa đã lỏng lẻo, máy móc rệu rã, sửa chữa tốn kém”.
Một số trường hợp khác thì cho rằng: "Các hãng xe lớn, chất lượng tốt lại không sản xuất xe dung tích xi lanh nhỏ… Vì thế, gia đình chọn cái HONDA wave 100 cho con đi học, dù biết vậy là vi phạm”. Không ít các bậc làm cha làm mẹ đã thừa nhận rằng, mình quá chiều con hoặc không thể kiểm soát được chúng nên chấp nhận cho con đi học bằng xe mô tô khi con mình chưa được phép…
"Tôi chỉ còn mỗi cách là nhắc con đi lại cẩn thận” - lời tâm sự của chị Hà Thị L ở thôn Khe Chè, xã Y Can, huyện Trấn Yên.
Khi trao đổi với một số thầy cô giáo về tình trạng học sinh vi phạm pháp luật giao thông thì ý kiến chung của các thầy cô là: "Nhà trường rất chú trọng tuyên truyền, nhắc nhở học sinh chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, nhà trường và các thầy cô chỉ có thể quan tâm, giám sát các em khi các em ở trường; trên đường đi học hoặc về nhà lại không thể kiểm soát mà phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức trách nhiệm của từng em”.
Đâu là giải pháp?
Trước tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông và cả những vụ va quệt, tai nạn giao thông đau lòng mà các em học sinh là nguyên nhân và là nạn nhân, các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường cần có những giải pháp tích cực.
Lực lượng CSGT cần có những chương trình tuyên truyền, giáo dục thường xuyên và liên tục; bên cạnh việc phối hợp với các nhà trường tổ chức các buổi tuyên truyền, hướng dẫn, ngành công an mà trực tiếp là lực lượng CSGT và lực lượng công an xã, phường, thị trấn phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật nói chung, Luật Giao thông đường bộ nói riêng; phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là các cung đường có các trường học và vào các giờ tan học…
Khi có lực lượng CSGT, chắc chắn, ý thức chấp hành luật lệ của các em sẽ tốt lên; quá trình tuần tra, kiểm soát phải lấy tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục làm chính, sau đó cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đối với các nhà trường, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật nói chung và Luật Giao thông đường bộ nói riêng; tránh bệnh hình thức, qua loa, làm theo kiểu… phong trào.
Có mặt tại cổng Trường THCS Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái nhiều lần, chúng tôi đã nhận thấy, đầu giờ học, có sự xuất hiện của giáo viên và đội cờ đỏ, các em học sinh chấp hành khá tốt các quy định; ngược lại, giờ tan học, không có thầy cô và đội viên đội cờ đỏ giám sát, tình hình ngược lại hoàn toàn và những vi phạm diễn ra khá phổ biến, ùn tắc cục bộ diễn ra.
Làm gì để biển hiệu "Cổng trường an toàn giao thông” được lắp trang trọng tại các cơ sở giáo dục thực sự phát huy? Làm gì để các em học sinh không chỉ chấp hành nghiêm luật khi đến trường mà phải có ý thức, trách nhiệm trong cuộc sống và khi tham gia giao thông? Trách nhiệm đó một phần quan trọng thuộc về các nhà trường.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là các bậc làm cha, làm mẹ. Nuông chiều con trẻ quá mức, chấp nhận cho chúng vi phạm pháp luật từ tấm bé… là nguy hiểm và dễ để lại hậu quả. Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh đã xảy ra, có cả những thương vong hết sức đau xót. Hãy hành động ngay trước khi quá muộn!
Lê Phiên