Thời gian qua, các vụ va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến học sinh liên tục gia tăng, đi kèm với đó là các hành vi vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức nhưng tình trạng học sinh điều khiển xe máy trên 50 phân khối phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí bốc đầu, đua xe vẫn diễn ra. Điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận phụ huynh buông lỏng quản lý, nhắc nhở trong kiểm soát việc sử dụng phương tiện của con em mình.
Dạo quanh các tuyến đường, không khó để nhận thấy hình ảnh các em học sinh mặc đồng phục đi dàn hàng hai, hàng ba trên đường, vừa đi vừa nói chuyện. Không dừng lại ở đó, nhiều học sinh còn điều khiển phương tiện trên 50 phân khối để đến trường, đi học thêm, đi chơi, thậm chí là tụ tập để đua xe trái phép…, thể hiện "bản lĩnh” của mình với bạn bè.
Trong đó, đã có trường hợp chạy xe với tốc độ cao đến mức không làm chủ được tay lái đã đâm vào cán bộ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ… Hệ quả là đã có nhiều vụ TNGT liên quan đến học sinh.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh, trong 10 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ TNGT liên quan đến thanh thiếu niên là học sinh, làm 4 người chết, 11 người bị thương. Qua tuần tra, kiểm soát lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 2.020 đối tượng vi phạm là học sinh.
Trong đó, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện có 1.675 trường hợp. Đã có 31 đối tượng thanh thiếu niên bị xử lý do tụ tập, điều khiển xe mô tô, xe gắn máy phóng nhanh, lạng lách, gây mất trật tự công cộng.
Đánh giá của Ban ATGT tỉnh cho thấy, trên 71% vụ TNGT liên quan đến học sinh là do điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối - đây là hệ quả của việc cha mẹ giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định.
Trước tình trạng trên, nhiều giải pháp đã được ngành giáo dục và lực lượng chức năng triển khai. Ngay từ đầu năm học, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật ATGT đã được triển khai rộng khắp tại các trường học.
Lực lượng chức năng cũng triển khai chuyên đề về kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm pháp luật ATGT của học sinh, nhất là tình trạng sử dụng xe máy trên 50 phân khối, điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ...
Mới đây nhất, thành phố Yên Bái đã yêu tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn lập danh sách học sinh sử dụng phương tiện giao thông đến trường, bao gồm cả danh sách phương tiện phụ huynh đưa đón con đi học hàng ngày.
Nếu phát hiện học sinh sử dụng phương tiện không đảm bảo theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe máy điện, xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô) thì yêu cầu gia đình cam kết khắc phục, nghiêm cấm không cho các em tiếp tục sử dụng cho đến khi đảm bảo theo quy định của pháp luật; chủ động nắm tình hình các trường hợp học sinh có biểu hiện vi phạm như tụ tập thành nhóm, sử dụng phương tiện có dung tích động cơ thấp nhưng bị độ chế để cố tình vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ để thông báo cho gia đình, tổ dân phố và lực lượng chức năng để phòng ngừa, răn đe và xử lý theo quy định của pháp luật.
Các địa phương cũng chỉ đạo lực lượng công an tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm của thanh thiếu niên học sinh tập trung vào các nhóm hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, sử dụng chất ma tuý hoặc các chất kích thích khác, chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện, điều khiển xe phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây mất trật tự công cộng, trật tự ATGT… Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm của chủ phương tiện trong việc giao xe cho người không đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, ngành giáo dục và lực lượng chức năng đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao nhận thức, ý thức và hạn chế TNGT liên quan đến học sinh. Tuy nhiên, việc nuông chiều đưa xe máy cho con sử dụng, đưa đón con bằng xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm…, cho thấy nhiều phụ huynh chưa nghiêm túc làm gương cho con trẻ. Điều này để lại cho xã hội hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ của con em mình khi tham gia giao thông.
Do vậy, trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình, bởi ngoài việc giáo dục con cái tuân thủ pháp luật, gia đình có vai trò quyết định tới việc có hay không trao cho con quyền sử dụng phương tiện giao thông. Gia đình, các bậc phụ huynh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu với thế hệ tương lai của đất nước. Nếu cha mẹ, người thân không giáo dục kiến thức về ATGT cho con thì trẻ dễ nhiễm thói xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhà trường phải tăng cường giáo dục học sinh khi các em tới lớp. Sự phối hợp thường xuyên giữa gia đình và nhà trường là yếu tố rất quan trọng trong việc hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của con trẻ... Đi đôi với đó, lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm tăng tính răn đe.
Hùng Cường