Nhiều người tham gia giao thông từ tỉnh ngoài đến thành phố Yên Bái, khi đi qua các nút giao có tín hiệu đèn giao thông, thoạt nhìn từ xa thì không thấy có điều gì bất thường. Nhưng khi lại gần, nhất là khi có tín hiệu đèn đỏ mới giật mình nhận ra rằng không phải phương tiện nào cũng được phép rẽ phải, chỉ có "xe mô tô, xe máy và xe đạp được phép rẽ phải”.
Họ cho rằng, quy định này không đầy đủ và vô hình chung như cái bẫy đối với người điều khiển xe ô tô, thiếu hiệu quả trong giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, đường vào các nút giao tại thành phố Yên Bái đa số nhỏ, hẹp, chỉ đủ 2 làn xe, nếu có 2 xe ô tô cùng dừng đèn đỏ phía trước thì sẽ không có lối đi cho xe mô tô và xe đạp rẽ phải, như vậy quy định này sẽ tự động mất tác dụng ở các chu kỳ đèn ngẫu nhiên.
Theo quan sát của phóng viên, tại các điểm giao cắt, ngã ba, ngã tư, ngã năm tại thành phố Yên Bái có đông mật độ phương tiện tham gia giao thông đều có bố trí hệ thống đèn tín hiệu và vạch sơn kẻ đường như: nút giao đầu đường Nguyễn Tất Thành phía huyện Yên Bình, nút giao Cao Lanh, nút giao Km 4, Km 5….
Cụ thể tại khu vực nút giao Km 4, hiện tại trên trục đường Điện Biên (quốc lộ 37) đoạn từ Km 4 hướng về Km 5 có bề rộng mặt đường theo chiều xe chạy là 21,5m/2 = 10,75m (bề rộng toàn bộ mặt đường là 21,5m), đoạn từ Km 4 hướng về phía cầu Dài Km 3 có bề rộng mặt đường theo chiều xe chạy là 18,5m/2 = 9,25m (bề rộng toàn bộ mặt đường là 18,5m). Trên các hướng này sau khi đã bố trí đủ bề rộng làn xe chạy (2 làn) theo quy định thì phần mặt đường còn lại vẫn đảm bảo bề rộng làn đường tối thiểu. Ngược lại, trên các trục đường Quang Trung, Lê Lợi phía nút giao Km4 có bề rộng mặt đường theo chiều xe chạy là 7m/2 = 3,5m (bề rộng toàn bộ mặt đường là 7m).
Như vậy sau khi đã bố trí 1 làn xe thì bề rộng phần đường còn lại không đủ để bố trí cho làn xe rẽ phải. Do đó, việc lắp thêm biển phụ tại khu vực này quy định "xe mô tô, xe máy và xe đạp được rẽ phải” dành cho các phương tiện này theo hướng từ Km 5 về Km 4 rẽ phải vào đường Quang Trung và hướng từ ngã ba Cầu Dài về Km 4 rẽ vào đường Lê Lợi đi hướng Công ty cổ phần Sứ Kỹ thuật Hoàng Liên Sơn là sự phù hợp nhằm khắc phục hạn chế của hạ tầng giao thông hiện có.
Một biển phụ bằng chữ được lắp đặt tại khu vực nút giao Km 4 cho phép mô tô, xe đạp được rẽ phải khi có tín hiệu đèn đỏ
Ông Mã Đức Thành – Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: Những vị trí nút giao trong thành phố Yên Bái đa số có bề rộng theo chiều xe chạy nhỏ chỉ đủ bố trí từ 1 đến 2 làn xe, cùng với sự phát triển đô thị dẫn đến lưu lượng xe tăng nhanh nhất là giờ cao điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Qua khảo sát đánh giá hệ thống mạng lưới giao thông, lưu lượng xe và nội dung Điều 46- "Biển viết bằng chữ” trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia Việt Nam QCVN 41:2019/BGTVT về báo hiệu đường bộ đã lắp bổ sung biển phụ bên dưới cột đèn tín hiệu có nội dung "Xe mô tô, xe máy và xe đạp được phép rẽ phải" nhằm giảm lưu lượng xe mô tô, xe máy và xe đạp khi tham gia giao thông. Việc bố trí biển phụ viết bằng chữ tại các nút giao có tín hiệu đèn chỉ dành cho một số loại phương tiện căn cứ Điều 24, Luật Giao thông đường bộ quy định "Nhường đường tại nơi đường giao nhau" và Điều 5, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ quy định "Về thứ tự đường ưu tiên”. Do đó hệ thống đèn tín hiệu và vạch sơn đang vận hành để tổ chức giao thông như hiện tại là phù hợp.
Nhiều người tham gia giao thông cũng có ý kiến đề nghị tại nút giao Cao Lanh - đường Lý Thường Kiệt phía nút giao ngã 5 Cao Lanh có thể cho phép xe máy và xe đạp được phép rẽ phải khi đèn đỏ. Ông Mã Đức Thành cho biết: Đường Lý Thường Kiệt phía nút giao ngã 5 Cao Lanh có bề rộng mặt đường là 10,5m; bề rộng theo chiều xe chạy là 10,5/2 = 5,25m; Theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành: bề rộng mỗi làn xe cơ giới từ 3 đến 3,5m, do đó chỉ đủ bề rộng bố trí 1 làn xe cơ giới và 1 làn cho xe máy và xe thô sơ.
Qua kiểm tra thực tế việc đề xuất bổ sung biển phụ hoặc đèn phụ cho phép xe máy và xe thô sơ được rẽ phải là chưa phù hợp với thực tế giao thông sẽ gây nhiều xung đột cho các phương tiện tham gia giao thông khi vào, ra nút giao ở hai hướng; hướng từ đường Hoàng Hoa Thám, đường Nguyễn Thái Học đi Km3 và chiều ngược lại.
Do vậy, việc cho phép xe máy và xe đạp được phép rẽ phải khi đèn đỏ là chưa phù hợp với thực tế và đảm bảo an toàn giao thông. Việc bố trí hệ thống biển báo, đèn tín hiêu để tổ chức giao thông phân làn như hiện tại là phù hợp với thực tế, đảm bảo các dòng phương tiện không xung đột nhau, đảm bảo an toàn giao thông.
Cũng có ý kiến đề nghị "Tại nút giao Ngã tư Km5 đề nghị kẻ vạch như sau (đối với đường Yên Ninh và đường Đinh Tiên Hoàng): làn trái cho đi thẳng và rẽ phải; làn giữa cho đi thẳng và rẽ trái (bổ sung cho rẽ trái) làn ngoài bên phải chỉ rẽ phải và kẻ mắt võng”.
Về ý kiến này, Sở Giao thông Vận tải cho biết: Qua kiểm tra thực tế và đề xuất bổ sung vạch sơn theo phản ánh là chưa phù hợp với thực tế giao thông sẽ gây nhiều xung đột cho các phương tiện tham gia giao thông khi vào, ra nút giao. Bố trí hệ thống biển báo, vạch sơn để tổ chức giao thông phân làn như hiện tại là phù hợp với thực tế, đảm bảo các dòng phương tiện không xung đột nhau, đảm bảo an toàn giao thông.
Như vậy, việc bố trí biển báo, hệ thống đèn tín hiệu giao thông và vạch sơn kẻ đường trên các tuyến chính nội đô thành phố như hiện tại là phù hợp, tránh được các xung đột, bảo đảm an toàn giao thông. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho mình và những người xung quanh, người điều khiển phương tiện khi tham giao giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật Giao thông đường bộ như: nghiêm chỉnh chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông. Đặc biệt khi đi qua khu vực ùn tắc giao thông các phương tiện phải chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông, không được dừng, đỗ xe trái quy định làm cản trở giao thông; đã uống rượu, bia thì không lái xe; người lái xe phải chấp hành nghiêm các quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước của mình.
An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người. Chấp hành luật giao thông là thể hiện nét đẹp văn hóa của người tham gia giao thông.
Mạnh Cường