Quốc hội thảo luận dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi): Có chế tài mạnh mới ngăn được tai nạn giao thông
- Cập nhật: Thứ năm, 29/5/2008 | 12:00:00 AM
Hầu hết các ý kiến phát biểu trong ngày 28-5 tại hội trường xung quanh dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) đều không hài lòng với tình trạng an toàn giao thông và đề nghị có biện pháp mạnh hơn nhằm giảm bớt số vụ tai nạn giao thông.
|
Chuyển biến không được bao nhiêu
Đại biểu Nguyễn Văn Lưu(Cà Mau) đã làm các đại biểu trong hội trường phải “giật mình” khi đưa ra con số thống kê cho biết chỉ riêng trong 2 năm 2006-2007 có 24.900 người chết vì tai nạn giao thông. Ông gọi đó là “con số hết sức đau lòng” và đánh giá “Việt Nam không chỉ được mệnh danh là một trong những nước có môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, cơ sở hạ tầng đô thị luôn quá tải, mà còn nổi tiếng vì có tỷ lệ tai nạn giao thông cao nhất thế giới”.
Cùng chia sẻ ý kiến với ông Nguyễn Văn Lưu, đại biểu Võ Trọng Việt(Sơn La) cho rằng, trên thực tế ít có một luật nào lại cụ thể như luật này và các cơ quan chức năng đã làm khá quyết liệt nhưng tai nạn giao thông không giảm được bao nhiêu. Ông khẳng định “Tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đã trở thành một trong những bức xúc lớn nhất của nhân dân trong cả nước. Dẫn ra con số thống kê cho thấy số tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông năm sau luôn cao hơn năm trước, đại biểu Dương Hiền(Lạng Sơn) cảnh báo về những khó khăn và gánh nặng đối với những gia đình có người bị tai nạn giao thông.
Cần có chế tài đủ mạnh
Từ thực tế đáng lo ngại đó, đại biểu Dương Hiền nhấn mạnh sự cần thiết phải có các chế tài đủ mạnh để đưa vào dự án luật cùng các biện pháp xử phạt nghiêm minh để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật giao thông. Ông cho biết những kinh nghiệm xử lý khi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm cho thấy những nơi nào, địa phương nào kiểm soát thường xuyên thì nơi đó tình hình chấp hành sẽ tốt hơn.
Các đại biểu đã đưa ra rất nhiều biện pháp cụ thể. Từ thực trạng tai nạn giao thông do rượu bia chiếm một tỷ lệ không nhỏ, đại biểu Võ Văn Liêm(Vĩnh Long) cho rằng phải nghiêm cấm tuyệt đối chứ không cho phép người điều khiển các phương tiện giao thông được sử dụng chất rượu, bia và các chất kích thích khác với nồng độ cồn không quá 50 mg/ml máu, hoặc 0,25mg/lít khí thải như trong dự luật. Ông lập luận: “Có người sử dụng rượu bia cả lít chưa say, có người sử dụng một chén đã say do thể trạng từng người. Quy định như vậy biết ai sai, ai không sai”. Thậm chí ông còn đề nghị ít nhất sau 6 giờ hết nồng độ cồn, người uống mới được điều khiển phương tiện. Đối với những người vi phạm Luật giao thông đường bộ, ông Liêm cho rằng mức xử phạt phải thật nghiêm, chẳng hạn như ở nước ngoài điều khiển xe mà uống rượu bia, lạng lách phạt từ 500USD trở lên, vi phạm lần 2 phạt trên 1.000USD.
Đại biểu Đinh Ngọc Lượng(Cao Bằng) thì đi vào giải pháp có tính căn bản là cải thiện chất lượng của mạng lưới giao thông. Ông cho rằng việc Dự thảo luật quy định tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất đô thị từ 16% đến 26% để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của giao thông đô thị là “việc làm rất cần thiết”. Để bảo đảm thuận tiện cho việc phát triển quy hoạch giao thông đô thị và tính khả thi của luật, ông đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và quy định rõ ngay trong luật tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông loại đô thị hiện đại và loại đô thị mới xây dựng để dễ thực hiện.
Các đại biểu còn góp nhiều ý kiến vào nội dung quy định độ tuổi lái xe và độ tuổi được cấp phép lái xe các hạng từ 10 đến 30 chỗ ngồi và từ 30 chỗ ngồi trở lên cũng như việc phân cấp trách nhiệm đối với các đối tượng khi tai nạn giao thông xảy ra…
Sáng 29-5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi).
(Theo QĐND)
Các tin khác
Ngày 26/5, theo nguồn tin từ Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ và đường sắt, từ ngày 1/6, hai cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng mở đợt cao điểm kiểm tra xe khách trong phạm vi cả nước.
Vào lúc 17 giờ ngày 25-5, trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa bàn thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa(Quảng Ngãi) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Đó là khẳng định của Thượng tá Trần Sơn - Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, xử lý TNGT (Cục CSGT đường bộ, đường sắt - Bộ Công an) - trong một cuộc trao đổi với phóng viên về những khó khăn trong xử lý người đội mũ bảo hiểm cách điệu.
Sáng 22/5, gần 20 hành khách (có 3 trẻ em) may mắn thoát chết khi chiếc xe khách bất ngờ bùng cháy lúc đi qua thành phố Pleiku (Gia Lai).