Cần khắc phục 3 "sơ hở" về mũ bảo hiểm
- Cập nhật: Thứ hai, 2/6/2008 | 12:00:00 AM
Những "sơ hở" còn tồn tại trong việc sử dụng và quản lí việc đội mũ bảo hiểm - ý kiến của một độc giả Tuần Việt Nam.
Ảnh minh họa
|
1. Cơ quan chức năng đã 2 lần ban hành Tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật an toàn mũ bảo hiểm, kể cả loại “có hàm” và “không có hàm” cho người đi mô tô, xe gắn máy: Tiêu chuẩn TCVN 5756- 1993 (ban hành năm 1993) và Tiêu chuẩn TCVN 5756: 2001 (ban hành năm 2001).
Tuy nhiên, qua thực tế cấp cứu nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông, các Bác sỹ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) khuyến cáo: Mũ bảo hiểm loại “có hàm” mới phát huy được tác dụng bảo vệ người đi mô tô, xe gắn máy trên đường trường, quốc lộ.
Như vậy, những người đội mũ bảo hiểm loại “không có hàm” đang rất phổ biến thịnh hành (trên đường trường, quốc lộ) hiện nay, thực chất chủ yếu chỉ mang tính hình thức “che mặt thế gian”, chứ đâu có tác dụng bảo hiểm như tên gọi của nó. Đó là sơ hở thứ nhất về sản xuất, ban hành Tiêu chuẩn chất lượng, sử dụng mũ bảo hiểm.
2. Đã thế, chế tài xử lý người đi mô tô, xe gắn máy vi phạm Luật Giao thông, lại chẳng có quy định cụ thể đội mũ bảo hiểm phải đạt Tiêu chuẩn chất lượng (TCVN) nào? Cấu tạo mũ (phần mũ cứng, phần đệm hấp thu xung động bên trong thân mũ…) ra sao? Khiến cho Cảnh sát giao thông (CSGT) đinh ninh rằng chất lượng mũ bảo hiểm thuộc trách nhiệm nhà sản xuất, người buôn bán và cơ quan quản lý thị trường, cơ quan ban hành tiêu chuẩn mũ.
Dẫn đến có thể so sánh những người điều khiển mô tô, xe gắn máy không có còi, đèn soi biển kiểm soát, đèn báo hãm (đèn phanh)… thì CSGT xử lý phạt tiền được những người ấy (do có chế tài quy định các bộ phận mô tô, xe gắn máy).
Trong khi đó những người “hiên ngang” đội mũ bảo hiểm rởm, không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thì CSGT chỉ biết “chào thua” (vì không có chế tài phạt người đội mũ bảo hiểm rởm)- đó là sơ hở thứ hai về mũ bảo hiểm.
3. Người điều khiển mô tô, xe gắn máy chở các cháu thiếu niên, nhi đồng không đội mũ bảo hiểm; chế tài hiện hành chỉ quy định phạt tiền người điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm cho bản thân và “nhắc nhở” các cháu. Như thế hiệu quả sẽ rất kém, mà lẽ ra phải quy định phạt người điều khiển xe chịu thêm lỗi chở các cháu không đội mũ.
Để khắc phục ba điểm nói trên về mũ bảo hiểm; đề nghị cơ quan chức năng hết sức lưu ý đến khuyến cáo nêu trên của các bác sỹ bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Sớm nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn (TCVN) mới, đầy đủ và hoàn chỉnh hơn, bảo đảm chất lượng kỹ thuật an toàn mũ bảo hiểm. Trên đường trường, quốc lộ chỉ dùng loại mũ “có hàm”.
Đồng thời, điều chỉnh chế tài quy định mũ phải đạt TCVN nào? Cấu tạo các bộ phận của mũ ra sao? Vật liệu kính chắn gió dẻo dai khi bị va đập không làm rách mặt người đội, khi gặp mưa không bị mờ, đi ban đêm không bị loá mắt. Mũ phải có thêm lớp vải lót ở bên trong, có thể tháo ra giặt được dễ dàng…
Đặc biệt, cần quy định bổ sung chế tài phạt tiền người đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng, người đội mũ thiếu các bộ phận an toàn thì cần bị phạt tiền đúng mức.
Riêng những mũ đạt TCVN, nhưng có cấu tạo thêm “bộ phận” trang trí cho đẹp hơn - phù hợp với các “quý bà, quý cô” mà không che khuất tầm nhìn người lái xe, lại tác dụng che nắng (có thể gọi là mũ cách điệu), thì nên khuyến khích sử dụng.
Ngoài ra, nên chăng gắn trách nhiệm CSGT được kiểm tra xử lý người đi mô tô, xe gắn máy có đội mũ, nhưng mũ không đạt chất lượng kỹ thuật an toàn.
Chỉ khi làm tốt đồng bộ tất cả các khâu: sản xuất, ban hành tiêu chuẩn chất lượng, quản lý thị trường buôn bán và quản lý sử dụng - đội mũ bảo hiểm, thì mới có thể góp phần làm giảm số người bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong do tai nạn giao thông đường bộ hiện nay.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
Lúc 6 giờ sáng ngày 2.6, tại km 1754, trên quốc lộ 1A thuộc xã Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, một chiếc xe container đã đè bẹp một chiếc xe khách khiến ít nhất 9 người thiệt mạng. Cơ quan chức năng phải huy động 3-4 xe cẩu để kéo xe container ra khỏi xe khách. Tai nạn gây kẹt xe đến hơn 10km.
YBĐT - Nhằm tập trung đánh giá công tác triển khai, thực hiện Quyết định 32 của Chính phủ, Chỉ thị số 12 của Tỉnh uỷ và Chương trình hành động 1165 của UBND tỉnh, từ 28/5 đến 30/5/2008, đoàn công tác của UBND tỉnh Yên Bái do ông Đỗ Văn Dự – Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác đảm bảo TT ATGT tại huyện Lục Yên, Mù Cang Chải và Văn Chấn.
Sáng 29/5, khi đang lưu thông tại khu vực vòng xoay ngã 4 Tam hiệp (phường Tam Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai), chiếc xe tải bất ngờ tông liên tiếp vào 6 chiếc xe gắn máy.
Hầu hết các ý kiến phát biểu trong ngày 28-5 tại hội trường xung quanh dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) đều không hài lòng với tình trạng an toàn giao thông và đề nghị có biện pháp mạnh hơn nhằm giảm bớt số vụ tai nạn giao thông.