Ai là người không đội mũ bảo hiểm ?
- Cập nhật: Thứ ba, 14/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những người có ý thức luôn thấy ngượng khi đi mô tô trên đường mà không đội mũ bảo hiểm (MBH). “Tôi thấy lạc lõng lắm, họ nhìn mình như người đến từ hành tinh lạ!”, “Tôi đội mũ không phải vì cảnh sát giao thông mà vì sự an toàn cho bản thân mình. Đội rồi thấy quen, giờ mà không đội thấy bất thường lắm!”... Đó là câu chuyện của những người có ý thức, biết tôn trọng mình.
Thực tế cho thấy vấn đề MBH không còn “nóng” như thời kỳ quy định bắt buộc đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe máy có hiệu lực nữa. Đại đa số người dân đã chấp hành khá nghiêm quy định này, nhưng thời gian gần đây số người không đội MBH khi đi mô tô, xe máy có chiều hướng tăng lên.Vậy họ là ai? Theo quan sát của chúng tôi, có ba nhóm đối tượng phổ biến.
Đối tượng thứ nhất là các bà, các chị chiều chiều phóng xe ra chợ mua tý thức ăn. Do tâm lý chủ quan nên nghĩ rằng, đi đường ngắn, đi chậm, đi trong đường nhánh... nên công an cũng không bắt, mà có bắt thì cũng dễ trình bày. Tuy nhiên, dù đi đường ngắn hay đi đường dài, dù đi trong ngõ nhỏ hay phố lớn nếu xét về luật thì các cô, các chị vẫn cứ vi phạm mà đã vi phạm, bị phát hiện vẫn phải xử lý. Xét về mặt an toàn thì đi đường ngắn, đường nhỏ ngã xuống vẫn cứ chảy máu, vẫn cứ chấn thương sọ não như thường. Về mặt ý thức, công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về an toàn giao thông nói riêng. Thêm nữa, mình là bà, là mẹ, mình phải gương mẫu cho con cháu thực hiện.
Đối tượng thứ hai là một số người không đội mũ để thể hiện cái tôi. Số đối tượng này cố tình không đội mũ để thể hiện “đẳng cấp” của mình. Họ là những người đã lớn tuổi, phần lớn là đàn ông, đi những chiếc xe đắt tiền và kinh tế khá giả. Cũng có thể họ có quen biết lực lượng tuần tra nên họ đã được các lực lượng này lờ đi khi vi phạm. Thế là họ tự hào, họ huênh hoang rằng “Anh thì ai dám bắt”, “Chúng nó nhìn thấy anh không đội mũ thì quay đi cho nhanh; bắt anh, không phạt được còn phải mời anh điếu thuốc thơm ấy chứ”. Những người kém hiểu biết thì tỏ vẻ thán phục: “Ông thì ai dám bắt”, còn những người khác nghĩ trong lòng: “Đồ tinh vi, đội cho mình chứ đội cho ai! Gặp phải ông cảnh sát lạ thì cũng đi kho bạc mà nộp tiền, cũng chịu khó đi xe ôm mươi ngày như khối người khác”.
Đối tượng thứ ba, phổ biến nhất, mất an toàn nhất đó là số thanh niên trẻ, họ không đội mũ bảo hiểm vì lý do... sợ hỏng mái tóc. Làm tóc theo kiểu “chào mào” đang là mốt của nam thanh niên mới lớn hiện nay, số còn lại cả nam và nữ thì việc dùng keo làm cho tóc dựng đứng hoặc lệch bên nọ, lạc bên kia là chuyện gần như “bắt buộc”. Thế là: “Chú cảnh sát ơi! Tha cho cháu đi, tóc cháu thế này mà đội mũ vào thì hỏng hết còn gì”. “Cháu hứa lần sau chấp hành nghiêm, chú bắt được thì phạt luôn, còn lần này tha cho cháu. Mũ cháu mang đây nhưng đội vào thì mất công chải gôm, keo à?”. Nhiều anh bạn đưa ra lý do không đội mũ bảo hiểm khá nực cười: “Đội mũ vào thì chơi đầu trọc làm gì?”.
Những đối tượng nói trên đã và đang làm cho đường phố kém mỹ quan, trật tự an toàn giao thông thêm phức tạp. Mong rằng, thời gian tới các lực lượng tuần tra mạnh tay hơn với những đối tượng thiếu ý thức, coi thường pháp luật về an toàn giao thông, tính mạng con người… Với người dân thì đừng chủ quan, đừng lợi dụng mối quan hệ hay đừng vì những lý do vớ vẩn mà coi thường luật pháp, coi thường chính bản thân mình.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện Văn Yên đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3 người, bằng 300% so với cùng kỳ năm 2008; 18 vụ va quệt giao thông, tăng 7 vụ, bằng 163% so với cùng kỳ; làm bị thương 38 người. Các vụ tai nạn, va quệt giao thông đã làm hư hỏng 4 xe ô tô, 32 xe mô tô. Tổng thiệt hại khoảng 45 triệu đồng.
Kết quả nghiên cứu về an toàn giao thông đường bộ (GTĐB) của Việt Nam nêu trong báo cáo toàn cầu vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cho thấy, năm 2007 Việt Nam có 12.800 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông và là nước có gánh nặng tai nạn GTĐB lớn nhất khu vực ASEAN.
Đó là 3 kiểu mũ bảo hiểm của 2 nhãn hiệu Vimax và Azura Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ vừa thông báo đình chỉ lưu thông trên thị trường 3 kiểu mũ bảo hiểm của 2 nhãn hiệu Vimax và Azura.
YBĐT - Từ ngày 1/7/2009, khi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực, trẻ em từ 6 tuổi trở lên bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi ngồi trên xe môtô, xe máy. Thị trường MBH sau một thời gian bão hoà nay đã sôi động trở lại. Các bậc phụ huynh đang chạy đua cùng những ngày cuối tháng 6 để tìm mua MBH cho con em mình. Tuy nhiên, làm thế nào để tìm được một chiếc mũ có kiểu dáng bắt mắt, giá cả hợp lý mà chất lượng vẫn bảo đảm là điều mà hầu hết các bậc phụ huynh đang băn khoăn lo lắng.