Giải pháp xóa các “điểm đen” giao thông
- Cập nhật: Thứ tư, 7/7/2010 | 9:21:33 AM
YBĐT - Do địa hình bị chia cắt phức tạp nên hệ thống giao thông trong tỉnh Yên Bái tồn tại nhiều điểm cua, cong, dốc bị che khuất tầm nhìn... gây ảnh hưởng rất lớn đến an toàn của người và phương tiện khi tham gia giao thông. Để giải quyết các “điểm đen” này và giúp người dân đi lại an toàn thông suốt, ngành giao thông đã chủ động chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ cùng với các phòng, ban chuyên môn của Sở Giao thông vận tải (GTVT) tiến hành xác định các điểm và xây dựng các phương án xử lý.
Các lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra hiện trường vụ tai nạn giao thông tại tổ 48, phường Minh Tân (thành phố Yên Bái).
|
Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên quá trình xử lý các “điểm đen” hiện nay hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức khắc phục tạm thời. Trong khi đó, vai trò quản lý nhà nước về đường bộ và bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) của cấp ủy, chính quyền địa phương khá mờ nhạt, mọi trách nhiệm giải quyết “điểm đen” về an toàn giao thông đều khoán trắng cho ngành GTVT. Vì vậy, để ngày ngày người dân không phải lưu thông trên những đoạn đường nguy hiểm, hơn lúc nào hết, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương phải chung tay xây dựng những giải pháp lâu dài, triệt để xóa các điểm đen tai nạn giao thông (TNGT).
Thực tế cho thấy, TNGT xảy ra, bên cạnh nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người điều khiển phương tiện (chiếm đến 90%) thì cũng có khá nhiều vụ tai nạn xảy ra là do người điều khiển phương tiện đã không nhận được những thông tin chính xác hoặc bị sai lệch từ hệ thống biển báo hiệu giao thông, làn đường, gờ giảm tốc… dẫn đến phán đoán, xử lý tình huống sai. Tại nhiều điểm đường có độ cong cua lớn cộng với việc bị che khuất tầm nhìn do đồi núi hoặc nhà cửa khiến người tham gia giao thông rất khó nhận ra những phương tiện đi ngược chiều và nếu không giảm tốc độ, chú ý, tập trung quan sát thì TNGT xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Ông Đỗ Hữu Chính, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Sở GTVT cho biết: “Một vị trí được coi là “điểm đen” TNGT là đoạn đường chiều dài xác định có bình quân 2 vụ tai nạn nghiêm trọng trở lên/ năm hoặc 3 vụ, trong đó có 1 vụ nghiêm trọng hay 5 vụ trở lên (trong đó có 1 người bị thương) và đang tiếp tục có những yếu tố tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn cao. Tuy nhiên, nếu cứ đợi TNGT xảy ra đủ tiêu chí thì mới xác định đó là “điểm đen” và thực hiện các phương án khắc phục thì hậu quả để lại đã quá lớn. Vì thế, những năm qua, Sở GTVT đã chủ động bố trí nguồn vốn, chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng xác định các điểm nguy hiểm và tổ chức triển khai kịp thời các biện pháp "bảo đảm ”.
Theo đó, từ năm 2008 đến nay, ngành giao thông đã đầu tư trên 5 tỷ đồng thực hiện mở rộng tầm nhìn cho người và phương tiện tại các điểm nguy hiểm ở Km 290 + 500, Km 327 + 50 (quốc lộ 37); Km 174 + 200, Km 175 + 50 và Km 197 + 850 (quốc lộ 32); lắp hộ lan tôn sóng đoạn Km 260 - Km 303 (quốc lộ 32) và đoạn từ Km 321 - Km 330 (quốc lộ 37)… và lắp hàng nghìn gương cầu, biển báo hiệu giao thông tại các điểm nguy hiểm. Hiện nay, Sở GTVT đã trình các văn bản đề nghị Bộ GTVT đầu tư trên 32 tỷ đồng để xử lý các điểm nguy hiểm tại Km 296 + 600 và Km 299 + 300 (địa phận xã Lương Thịnh, Trấn Yên); lắp hộ lan tôn sóng đoạn đèo Lũng Lô (địa phận Yên Bái) và nhiều đoạn trên tuyến thị xã Nghĩa Lộ - Vách Kim (thuộc huyện Mù Cang Chải).
Tuy nhiên, việc khắc phục, cải tạo các "điểm đen" về giao thông mới chỉ đáp ứng được một phần trong tổng số gần 100 điểm nguy hiểm tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Trong đó, quốc lộ có 30 điểm (chủ yếu thuộc đoạn Yên Bái - Ba Khe thuộc quốc lộ 37), đường địa phương có gần 60 điểm, tập trung ở các tuyến: Yên Thế - Vĩnh Kiên (19 điểm), Yên Bái – Khe Sang (12 điểm), Mậu A – Tân Nguyên (8 điểm)...
Nhìn chung, các “điểm đen” về giao thông tại các tuyến đường trên đa phần mới chỉ là các điểm nguy hiểm cần được khắc phục cải tạo, chưa hội đủ các tiêu chí về “điểm đen” giao thông, nhất là tiêu chí về số vụ tai nạn nên khó có thể được thụ hưởng kinh phí đầu tư, cải tạo, khắc phục của Bộ GTVT. Do đó, việc khắc phục các “điểm đen” đang rất cần những giải pháp lâu dài và sự chung sức phối hợp của tất cả các ngành chức năng cùng chính quyền địa phương nơi có các tuyến đường đi qua như: tiến hành xử lý cắt tầm nhìn tại các điểm cua hẹp, thực hiện tu sửa, cải tạo các đoạn đường đã xuống cấp đồng thời tăng cường bố trí các biển báo, hộ lan tôn sóng tại các điểm nhạy cảm hoặc bố trí gờ sơn nổi hạn chế tốc độ và một số bùng binh (loại nhỏ không chiếm quá nhiều diện tích mặt đường), đèn tín hiệu giao thông tại một số điểm giao cắt nguy hiểm.
Cụ thể như tại điểm ngã tư giao cắt giữa đường Đinh Tiên Hoàng và đường Bưu điện – Nhà khách số 2 thuộc phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái), do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, tầm nhìn rất hạn chế cộng với hệ thống đèn đường chiếu sáng chưa đảm bảo nên thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ va chạm giao thông nguy hiểm. Để khắc phục và bảo đảm ATGT, nên chăng các ngành chức năng nghiên cứu lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu phân luồng giao thông hoặc bố trí gờ sơn nổi nhằm cưỡng chế giảm tốc độ hay có thể sử dụng đồng thời cả hai biện pháp trên. Song song với các biện pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục kiến thức về trật tự ATGT, ý thức bảo vệ các công trình giao thông, tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên và đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện, chủ động tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nhằm hướng các đối tượng tham gia giao thông thực hiện đúng các quy định pháp luật.
Đức Thành
Các tin khác
Vào lúc 6 giờ ngày 2/7, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng đã xảy ra trên Quốc lộ 18A, thuộc địa phận phường Trưng Vương (thị xã Uông Bí - Quảng Ninh) làm 2 học sinh tử vong tại chỗ và 2 học sinh khác trọng thương.
Lúc 5 giờ sáng nay (1.7), tại đỉnh đèo Quán Cau thuộc thôn Phú Tân 2, xã An Cư, H.Tuy An (Phú Yên) đã xảy ra vụ lật xe ô tô khách.
YBĐT - Năm 2005, quốc lộ 37 được sửa chữa và nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại cũng như việc vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế của địa phương. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, hai năm trở lại đây, nếu có dịp đi trên con đường này, đặc biệt đoạn từ ngã ba Cát Lem qua hai xã Đại Minh và Hán Đà (huyện Yên Bình) có lẽ nhiều người không còn nhận ra con đường đẹp, trải nhựa phẳng lỳ vừa mới được đưa vào sử dụng cách đây chưa lâu.
Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ Đường sắt, Bộ Công an vừa có công văn yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông các địa phương mở đợt cao điểm tổng kiểm soát ô tô khách và xe mô tô từ ngày 1/7 - 31/7.