Chỉ thị 05 tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới ở Văn Yên - Bài II: Khẳng định rõ vai trò chủ thể của nhân dân

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/10/2022 | 7:41:59 AM

YênBái - Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cơ sở hạ tầng vùng nông thôn huyện Văn Yên thay đổi mạnh mẽ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thành quả này khởi nguồn bởi quyết tâm chính trị từ trung ương đến cơ sở, với sự đầu tư nguồn lực rất lớn của Nhà nước, nhưng vai trò của nhân dân cũng thực sự trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng dựa trên tinh thần, sức mạnh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”.

Đồng chí Nguyễn Thượng Phi - Bí thư Đảng bộ xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (thứ hai bên trái) giới thiệu về tuyến đường bê tông được nhân dân thôn Thác Cái đồng thuận hiến đất, đóng góp tiền, công sức mở rộng quy mô mặt đường từ 3 mét lên 5 mét.
Đồng chí Nguyễn Thượng Phi - Bí thư Đảng bộ xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (thứ hai bên trái) giới thiệu về tuyến đường bê tông được nhân dân thôn Thác Cái đồng thuận hiến đất, đóng góp tiền, công sức mở rộng quy mô mặt đường từ 3 mét lên 5 mét.


Khởi đầu thực hiện XDNTM bất kỳ ở đâu, nhất là vùng miền núi đông đồng bào dân tộc sinh sống đều có những lúng túng về giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm và ngày càng khẳng định kết quả rõ nét, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, nên người dân như được nhân lên niềm cảm hứng để nhập cuộc XDNTM với tinh thần tự giác, tự lực, tự cường khơi nguồn nội lực ở trong dân. XDNTM cũng chính là sức mạnh xóa mờ đi cụm từ trước đây thường gặp khi nói về đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số "Nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước”.

Thay vào đó là hàng loạt cụm từ rất phổ biến "Nhà nước và nhân dân cùng làm”; "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”; "Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”; "Tuổi trẻ xung kích XDNTM”; "Phụ nữ chung tay XDNTM”... Soi chiếu vào thực tế những phần việc đã làm trong XDNTM, ta đều thấy yếu tố "nhân dân” được thể hiện rất cơ bản và rộng khắp ở mọi lĩnh vực.

Điển hình như việc huy động nguồn lực tài chính XDNTM cho cả giai đoạn 2011 - 2020 của huyện Văn Yên là trên 413 tỷ đồng; trong đó, nguồn huy động hợp pháp khác (cộng đồng dân cư) đạt 80 tỷ đồng. Riêng năm 2021, tổng nguồn vốn cho XDNTM là 310 tỷ 584 triệu đồng thì nguồn huy động từ nhân dân đạt 22 tỷ 673 triệu đồng, chưa kể những giá trị được đóng góp bằng tài sản và công sức là vô cùng lớn. 

Những tiêu chí khó trong XDNTM như: môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, giao thông... đều là những tiêu chí phải dựa vào tinh thần tự nguyện, tự giác của nhân dân mới đi đến thành công. 

Tính riêng việc hiến đất để làm đường, qua 8 tháng năm 2022, nhân dân huyện Văn Yên đã hiến trên 76.000 m2 đất thổ cư, đất vườn tạp, đất ruộng, đất đồi rừng và phá bỏ trên 6.000 m2 tường rào, gần 30.000 cây trồng các loại để làm gần 30 km đường thôn, đường ngõ xóm, đủ để hình dung việc hiến đất, tài sản của nhân dân trong cả giai đoạn hơn chục năm XDNTM là rất lớn, khi huyện Văn Yên đến hết năm 2021 có tỷ lệ cứng hóa, nhựa hóa đường giao thông nông thôn đạt trên 774 km và phấn đấu năm 2022 thực hiện 90 km, nâng tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn của huyện đạt trên 72%.

Nhiều điển hình noi gương Bác, vì lợi ích chung của cộng đồng như đảng viên Phùng Văn Minh, dân tộc Dao ở thôn Trung Tâm, xã Mỏ Vàng sẵn sàng hiến trên 3.000 m2 đất đồi rừng để mở rộng đường đi vào khu vực trồng quế của thôn. 

Thêm nữa, ông còn hiến mấy trăm mét vuông đất thổ cư, mấy sào ruộng để mở rộng tỉnh lộ 175 đi qua xã. Cùng ở thôn Trung Tâm có cụm dân Gốc Sấu và Khe Ngõa với 37 hộ dân đã hiến trên 60.000 m2 đất đồi và khai thác non hàng vạn cây quế để mở đường từ các cụm dân cư này ra trung tâm xã. Tiêu biểu như hộ ông Cứ A Chinh hiến trên 4.000 m2 đất đồi đang trồng trên 2.000 cây quế; ông Ly Seo Chúng hiến trên 3.000 m2 đất đồi cũng đang trồng hơn 1.500 cây quế. Ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Hợp hiến gần 3.500 m2 đất nông nghiệp để thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường Xuân Ái - Viễn Sơn - Yên Phú - Yên Hợp...


Đồng chí Nguyễn Thị Ánh - Bí thư Chi bộ thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp (thứ hai bên trái) - thôn được huyện Văn Yên chọn xây dựng mô hình "Thôn hạnh phúc” trao đổi kỹ thuật sơ chế sản phẩm quế đạt chất lượng cao với bà con trong thôn. 

Tinh thần quyết tâm vươn lên thoát nghèo của nhân dân, góp phần thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo trong lộ trình đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025 thực sự là một nỗ lực lớn. Sau nhiều năm phấn đấu XDNTM, đến nay, qua rà soát theo chuẩn nghèo mới, huyện Văn Yên còn 6.405 hộ, chiếm 18% số hộ; hộ cận nghèo là 3.804 hộ, chiếm tỷ lệ 10,68% số hộ và nghèo, cận nghèo chủ yếu là do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Năm 2022, huyện phấn đấu giảm 5,2% số hộ nghèo và điều đáng mừng là hết tháng 8, đã có 281 hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Kết quả này có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng dân cư trong giúp nhau xóa đói, giảm nghèo.
Cùng đó, huyện đẩy mạnh lãnh đạo nhân dân gắn XDNTM với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung phát triển các sản phẩm OCOP; sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường và đẩy mạnh lên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... 

Vì vậy, ngoài thế mạnh của một vùng quế nguyên liệu rộng trên 52.000 ha, mang lại nguồn thu nhập bình quân mỗi năm gần 1.000 tỷ đồng; trong đó, có trên 4.000 ha quế hữu cơ bảo đảm chất lượng sản phẩm đạt được chứng nhận xuất khẩu vào các thị trường khó tính ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. 

Ngoài ra, một khối lượng lớn sản phẩm quế Văn Yên được tiêu thụ vào các thị trường dễ tính hơn như Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiều xã ở Văn Yên nhiều năm qua đã năng động phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa khác như vùng tre măng Bát độ, vùng cây ăn quả có múi, vùng lúa đặc sản, vùng trồng dâu nuôi tằm. 
Nhiều nơi mạnh dạn đưa các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như trồng cây chuối ngự, cây cà gai leo, trồng nho; trồng rau an toàn, trồng dưa trong nhà lưới... và tạo được thị trường tiêu thụ rộng rãi. 

Đồng thời, Văn Yên đã trở thành địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất so với các địa phương trong tỉnh khi kết thúc năm 2021, huyện có tới 27 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao và năm 2022 phấn đấu có thêm 8 sản phẩm nữa.

Đáng mừng hơn là nông dân Văn Yên từ vùng thấp đến vùng cao đang từng bước chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và chủ động hội nhập thương mại trong thời đại công nghệ 4.0. Theo đó, nhiều mô hình kinh tế ở Văn Yên đã tranh thủ tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương, các nguồn lực ưu tiên, hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và đang tạo sự đột phá kinh tế như mô hình ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm quế của Hợp tác xã Bình An Coop; nhiều cơ sở sản xuất tạo kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP...

Nhiều địa phương đã trở thành điểm sáng trong XDNTM ở Văn Yên như xã NTM nâng cao Đông Cuông và Đại Phác... Trong đó, Đông Cuông nổi bật với nhiều cái nhất trong XDNTM và thực hiện tốt sự lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội của huyện như: là xã đầu tiên của huyện triển khai chỉ đạo điểm XDNTM; xã NTM nâng cao đầu tiên của huyện và nay đang xây dựng xã NTM kiểu mẫu; xã luôn về nhất nhiều năm liền hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách; xã đầu tiên của huyện thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử”. 

Hiện tại, ngoài nhà máy chế biến tinh bột sắn và sản xuất tinh dầu quế trên địa bàn, xã Đông Cuông còn có 3 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác, 128 cơ sở thương mại, dịch vụ và nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt trên 45 triệu đồng/năm.

Lộ trình phấn đấu đến năm 2025 huyện Văn Yên đạt huyện NTM dù có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Đặc biệt, có nhiều nội dung trong chương trình XDNTM được điều chỉnh theo Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo và quyết tâm chính trị cao từ huyện đến cơ sở thông qua các giải pháp thực hiện linh hoạt, năng động, sáng tạo, phù hợp với thực tế, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, cùng sự nỗ lực của các chủ thể XDNTM là những nông dân trên quê hương anh hùng giàu truyền thống cách mạng, chắc chắn Văn Yên sẽ cán đích NTM một cách vững chắc. 

Hoàng Nhâm

Tags Chỉ thị 05 xây dựng nông thôn mới Văn Yên

Các tin khác
Đồng chí Ngô Văn Minh - Bí thư Chi bộ thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (thứ hai bên phải) cùng cán bộ xã khảo sát các địa điểm có tiềm năng phát triển kinh tế du lịch.

Bí thư Chi bộ thôn Bản Lùng - Ngô Văn Minh ở xã Phong Dụ Thượng sẵn sàng hiến 2.100 m2 đất nơi đắc địa, tạo mặt bằng nơi định cư mới cho 16 hộ bị lũ quét phá hủy toàn bộ nhà ở vào năm 2018. Đảng viên Đỗ Công Linh ở thôn Trung Tâm đã sẵn sàng hiến gần 2m đất mặt đường trị giá 400 triệu đồng để mở rộng đường thôn Thác Cái. Đó chỉ là 2 trong hàng trăm đảng viên giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Văn Yên. .

Đoàn viên thanh niên xã Yên Phú, huyện Văn Yên thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê”.

Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) huyện Văn Yên đã đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập, lao động sản xuất, tình nguyện tham gia vào các phong trào, hoạt động do các cấp bộ Đoàn và địa phương phát động, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lãnh đạo Đảng ủy khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh trao thưởng cho tập thể Đảng bộ Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Bình Minh - đơn vị điển hình tiên tiến thực hiện Chỉ thị 05, giai đoạn 2016 - 2021.

Để xây dựng những mô hình điển hình thực sự tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh (ĐBK) đã rà soát, kiểm tra, giám sát tốt việc thực hiện ở các chi, đảng bộ cơ sở. Từ đó, có những chỉ đạo sâu sát hơn, thực tế hơn và nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả các mô hình điển hình ở cơ sở.

Xã viên HTX 6/12 xã Đào Thịnh trong dây chuyền sản xuất tinh dầu quế.

Năm 2021, Hợp tác xã (HTX) 6/12 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên đã xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai và đưa vào nền nếp việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trở thành nhiệm vụ thường xuyên với ý thức tự giác cao của các đảng viên, thành viên, người lao động qua mô hình “2N - 1T”: Năng động - năng suất - trách nhiệm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục