Tư tưởng ấy của Người ngày càng được bồi đắp và trở thành hệ tư tưởng vô giá, đầy ý nghĩa thời đại, là giải pháp tháo gỡ nhiều khó khăn trong quá trình phát triển của đất nước. Đặc biệt, phát huy ý chí tự lực tự cường được xem như "chìa khóa” để triển khai "861” (Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025) và "612” (Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025) đối với công tác giáo dục ở Yên Bái.
Những khó khăn ban đầu
Đã hơn một năm kể từ khi
Quyết định 861 và 612 có hiệu lực, đối với thầy giáo Nguyễn Thành Đông - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Xuân Tầm, xã Xuân Tầm,
huyện Văn Yên sẽ không bao giờ quên được những ngày đầu khó khăn: "Thời điểm ấy, chúng tôi sợ nhất là sự không đồng thuận của phụ huynh. 195 học sinh bị tác động cũng gần như ngần ấy gia đình không đồng thuận. Có gia đình phản ứng gay gắt, có những gia đình thì nói là đồng thuận đấy nhưng chúng tôi hiểu sâu thẳm trong họ cũng chưa biết tính toán ra sao để có tiền cho con đi học” -
thầy giáo Nguyễn Thành Đông cho biết.
Khó khăn bởi nhà cách trường từ 7 - 14 km nên không thể đi về trong ngày lại không còn được hưởng chế độ học sinh bán trú là trợ cấp tiền ăn hàng tháng với 40% mức lương tối thiểu cùng 15 kg gạo và giảm học phí đối với học sinh THCS theo quy định hiện hành. Các em được ví như bắt đầu "cai sữa” mẹ.
Có mặt ở Xuân Tầm, theo chân các thầy cô đến từng nhà vận động từng học sinh, từng phụ huynh ở thời điểm ấy mới thấy có những hộ gia đình thực sự khó khăn dù họ vừa mới nỗ lực thoát nghèo nhưng gia đình vẫn còn khá hoàn cảnh.
Nói trong nước mắt, hứa đưa con trở lại trường nhưng chị Bàn Thị Vạng ở thôn Khe Lép lúc đó cũng chưa biết làm thế nào để có được tiền cho con đi học. Hay một hộ gia đình khác, tuy nhà cửa khang trang hơn song lại bảo với thầy cô rằng: nếu không được nuôi thì họ sẽ cho con ở nhà...
Cũng giống như Xuân Tầm, Lâm Giang cũng là địa phương chịu tác động mạnh mẽ của "861” và "612”. Lúc ấy, vừa tròn một năm, Trường Tiểu học Lâm Giang vận động học sinh ở thôn Khay Dạo - thôn xa nhất của xã ra học bán trú.
Thầy Nguyễn Trọng Hiệp - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Các em vừa mới được hưởng chế độ bán trú một năm học thì lại phải "cai sữa”. Chúng tôi tới gia đình vận động mà phụ huynh phản đối, yêu cầu nhà trường trả lại điểm trường trong thôn”.
Nhớ lần theo các thầy cô đi vận động học sinh ra lớp ở Lâm Giang, vượt những quãng đường quanh co, lội qua những khe suối, tới nơi cũng phải chờ tới hơn 7 giờ tối phụ huynh mới trở về nhà. Sau một ngày lao động vất vả, mệt mỏi thì đặt vấn đề phải làm sao cho họ dễ nghe, dễ thông cảm nhất. Các thầy cô không chỉ đơn thuần với vai trò truyền đạt kiến thức mà họ còn là những người làm công tác "dân vận khéo”, đôi khi làm cả bác sĩ tâm lý. Phải đi nhiều lần, vận dụng nhiều cách để vận động, trò chuyện, tâm sự và chia sẻ với phụ huynh.
Chẳng đếm được số lượt các thầy cô đã đi vận động học sinh, phụ huynh. Cũng chẳng ai tính công cho những lần lặn lội ấy. Chỉ biết rằng, cuối cùng 100% học sinh ra lớp là nụ cười nở trên gương mặt thầy cô.
Những khó khăn ban đầu ấy được xem như chất "xúc tác” để Đảng ủy, chính quyền địa phương, chi bộ nhà trường, cán bộ, giáo viên và nhân dân các địa phương chịu tác động của "861” và "612” phát huy ý chí tự lực tự cường, chung sức giải quyết kịp thời và hiệu quả.
Thành công nhờ phát huy ý chí tự lực tự cường
"Năm học này, thầy cô đã không còn phải vất vả vận động học sinh ra lớp nữa rồi” - chia sẻ ấy của những thầy cô giáo công tác tại các địa phương chịu tác động bởi "861” và "612” khiến chúng tôi thật vui và khâm phục. Vậy là những đứa trẻ không còn được hưởng chế độ bán trú, những chính sách hỗ trợ đi học nữa nhưng vẫn tới lớp với một tâm thế đi tìm con chữ để cuộc sống tươi đẹp hơn. Những lời kêu khó khăn hay không muốn cho con đi học cũng đã không còn nữa. Thay vào đó là một nhận thức khác, một tư duy thay đổi và hơn cả là sự tự nỗ lực trong mỗi gia đình học sinh.
Trở lại Trường TH&THCS Xuân Tầm vào ngày đầu thu se lạnh, hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa trong sân trường thật yên bình làm sao. Vừa đưa chúng tôi đi tham quan các lớp học, thầy Nguyễn Thành Đông - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Nhà trường hiện có 108 cháu được hưởng chế độ bán trú, số bán trú dân nuôi là 92 cháu, số ăn trưa tại trường là 65 cháu. Cũng còn mấy trường hợp các cháu mang cặp lồng cơm đi học nhưng số này sẽ được nhà trường nấu canh nóng buổi trưa cho các con”.
Vậy là cũng có mấy cách để cho phụ huynh lựa chọn sao phù hợp nhất với điều kiện của từng gia đình. Thầy Đông cho biết thêm: "Ngay khi Quyết định 861, 612 ra đời, Chi bộ nhà trường xác định đây là nhiệm vụ khó khăn nên đã tổ chức quán triệt trước tiên là trong đảng viên Chi bộ, sau đó, tổ chức họp Hội đồng Sư phạm thảo luận nhằm tìm ra những giải pháp khắc phục cho năm học mới. Chi bộ đã chỉ đạo, phân công các tổ công tác đến từng hộ gia đình tuyên truyền, nắm bắt, khảo sát tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn, vướng mắc của gia đình học sinh”.
Chi bộ cũng đã tranh thủ sự quan tâm, vào cuộc của Đảng ủy, chính quyền địa phương, đồng thời tham mưu với Đảng ủy, chính quyền xã gửi thư ngỏ kêu gọi sự ủng hộ, chung tay chia sẻ, giúp đỡ để các em học sinh tiếp tục thực hiện được ước mơ đến trường học tập. Những nỗ lực ấy đã thu được kết quả bước đầu rất phấn khởi, phần nào đó chia sẻ khó khăn.
Nói về thành công trong thực hiện triển khai "861”, "612”, thầy Đông nhận định: "Khi có sự thống nhất trong Chi bộ, sự đồng lòng của cán bộ đảng viên, khơi gợi và phát huy được ý chí tự lực tự cường từ chính bản thân cán bộ, giáo viên thì dù khó khăn đến đâu cũng vượt qua được”.
Còn ở xã Lâm Giang, đến nay, Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã về vận động cán bộ, công chức địa phương, kể cả cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn mỗi tháng ủng hộ 0,5% tháng lương để thuê người nấu ăn tại trường và thu hút con em nhân dân trở lại các điểm bán trú vẫn tiếp tục được duy trì. 100% học sinh bị tác động bởi "861”, "612” đều đến trường, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần.
Thầy giáo Nguyễn Trọng Hiệp - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chi bộ nhà trường đã kịp thời tham mưu với Đảng ủy, chính quyền địa phương và có được sự chung tay. Đã có rất nhiều cuộc họp chi bộ tại thôn bản mà các đồng chí trong Thường vụ, Đảng ủy xã và lãnh đạo Chi bộ nhà trường dự họp để cùng tháo gỡ khó khăn ở thời điểm ấy. Có những cuộc họp chi bộ thôn kéo dài đến nửa đêm mới đi tới thống nhất hành động. Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn sự chung tay ấy cho sự nghiệp giáo dục của địa phương”.
"Phát huy ý chí tự lực tự cường, không trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước” đã và đang là khẩu hiệu tại Lâm Giang. Chẳng thế mà nhận thức của phụ huynh đã có nhiều thay đổi, tự phát huy nội lực của bản thân, gia đình để vượt qua khó khăn.
Anh Triệu Quang Minh, thôn Khay Dạo cuối tuần xuống đón con về nhà phấn khởi: "Giờ con đi học phải tự đóng góp nên vợ chồng mình cũng phải cố làm thêm ít đồi quế, chăn thêm vịt, gà. Những lúc rảnh rỗi xem ai thuê làm gì mình cũng làm. Con ở bán trú, thầy cô chăm sóc rồi nên vợ chồng chỉ tập trung làm ăn thôi”.
Không còn học sinh được hưởng chế độ bán trú, các thầy cô cũng không còn được hỗ trợ chế độ chăm sóc học sinh bán trú nhưng những cán bộ giáo viên trong trường đều tự nguyện phân công thay phiên trực chăm sóc học sinh ăn, ở tại trường.
Thầy Trần Văn Tuấn - giáo viên chủ nhiệm lớp 3B3 tâm sự: "Lớp có 13 em ở thôn Khay Dạo đều ăn, ở lại tại trường nên tôi đặc biệt quan tâm tới các em. Là một đảng viên, tôi luôn nêu cao tinh thần tự giác, tự chủ tự lực, khắc phục khó khăn để chăm sóc và dạy dỗ các em”.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tuyên truyền, vận động từ bí thư chi bộ thôn, đảng viên các chi bộ vùng sâu vùng xa, thành viên ban mặt trận thôn tới người dân, định hướng người dân chủ động khắc phục khó khăn, tích cực phát triển kinh tế để tham gia đóng góp với nhà trường, với chính quyền địa phương, không trông chờ ỷ lại toàn bộ vào sự bao cấp của Nhà nước - cách làm hay đã cho hiệu quả tốt ở huyện Văn Yên. Qua một năm học triển khai thực hiện "861”, "612” cho thấy, không có tình trạng học sinh bỏ học bởi tác động từ thôi hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Lưu Quang Lợi - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Yên chia sẻ: Từ thực tiễn công tác tham mưu và chỉ đạo thực hiện, chúng tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc vận dụng hiệu quả tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trọng dân và phong cách gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Qua đó, kịp thời nắm bắt thông tin từ cơ sở; tiếp nhận, giải đáp kịp thời, đúng quy định những khó khăn, vướng mắc, thắc mắc của các cá nhân, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện...
"Đồng thời là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ công chức, viên chức, người lao động toàn ngành phát huy ý chí tự lực tự cường” - ông Lợi cho biết thêm.
Từ thực tế triển khai "861”, "612” của huyện Văn Yên có thể thấy, những bài học, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẹn nguyên giá trị thời đại, là chìa khóa để giải quyết rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển đi lên của địa phương, của đất nước.
Thanh Ba