"Tôi luôn rèn mình theo lời Bác dạy"
- Cập nhật: Thứ năm, 25/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - “Những năm tháng được phục vụ bên Người tôi học được ở Bác rất nhiều điều, từ cách xưng hô, cách ăn ở, đi lại, cách đối nhân xử thế, tình đồng chí, đồng đội và tư tưởng lấy dân làm gốc của Bác đã soi rọi cho tôi trong suốt gần 40 năm công tác. Lấy những điều giản dị, gần gũi từ nhân cách sống và tấm gương đạo đức của Bác để dạy dỗ, giáo dục con cháu".
Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã Bảo Hưng, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Tự, thôn Bình Trà, người may mắn và vinh dự được đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ nơi ở và làm việc của Bác trong suốt những năm từ 1954 đến năm 1957. Ông cũng là một trong 4 đồng chí lãnh đạo xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên thời kỳ đó vinh dự được tham dự buổi mít tinh đặc biệt đón Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái ngày 25/9/1958.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang mà ông bà đang sống cùng vợ chồng người con trai cả, ông Tự không giấu nổi niềm vui sướng, tự hào khi kể về những năm tháng được gần gũi bên Bác. Dẫu đã bước sang tuổi 78 nhưng trong ký ức ông từng cử chỉ, lời nói của Bác kính yêu vẫn hiện hữu vẹn nguyên như mới ngày hôm nào.
Giọng phấn chấn, ông Tự mở đầu câu chuyện bằng những mốc lịch sử ghi dấu trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Nhập ngũ tháng 10 năm 1948 thuộc C312, Trung đoàn 165, tiểu đoàn 115, đơn vị ông tham gia đánh biên giới, đánh Tây Bắc rồi lại sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Năm 1954, ông được điều về đại đội 2, tiểu đoàn 600 (sau là trung đoàn 600), đơn vị cơ động bảo vệ phủ Chủ tịch tại Tân Trào, Tuyên Quang. Với cương vị là Tiểu đội trưởng phụ trách trạm gác, tại đây ông đã may mắn được gặp Bác.
Ông kể: “Lần đầu tiên được gặp Bác thật bất ngờ. Thấy anh em đánh kẻng, tôi chạy ra xem có việc gì thì thấy một ông già đội chiếc khăn len chùm kín mặt, râu, bên cạnh là ông Trung Hoa và một bác sỹ đi cùng, người cầm rìu, người cầm búa còn ông cụ thắt con dao Mèo. Khi ấy, chẳng ai trong chúng tôi biết đó là Bác Hồ". Chúng tôi mời Bác vào yếm bốt ngồi để xin ý kiến cấp trên. Rồi cán bộ chính trị viên tiểu đoàn đến đứng nghiêm cúi đầu: “Cháu chào Bác ạ!”. Bác khen: “Các chú làm thế là tốt lắm! Cho Bác đi được chưa?” Tất cả chúng tôi mới biết đó là Bác Hồ.
Lần thứ 2 được gặp Bác là lần Bác đến thăm Tiểu đoàn. Nói chuyện với cán bộ chiến sỹ, Bác ân cần hỏi thăm bữa ăn của chiến sỹ; kiểm tra nhận thức của chiến sỹ qua việc nhận biết đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Bác bảo: “Đưa Bác mượn cái roi”. Ai cũng tái mặt. Bác tiến lại tấm bản đồ, chỉ vào nước Lào và Thái Lan hỏi: "Chỗ này có phải Việt Nam không?”. Chiến sỹ trả lời “Đúng ạ!”. Bác quay sang chỉnh cán bộ: “Các chú giáo dục nâng cao trình độ cho chiến sỹ thế này đây”.
Nói chuyện với chiến sỹ Tiểu đoàn, Bác ví cơ quan Trung ương như chiếc đồng hồ. Bác bảo, quan trọng thế, nếu không có người bảo vệ thì Bác không thể ngồi làm việc được. Những lần được gặp Bác sau đó là năm 1955, đơn vị ông tập làm hàng rào danh dự để tiếp đón Đại sứ Trung Quốc lần đầu tiên sang thăm Việt Nam. Bác Hồ đã đến tận nơi kiểm tra, chấn chỉnh từng động tác chào, bồng súng của chiến sỹ.
Rồi lần bảo vệ Bác hành quân từ Thái Nguyên về tiếp quản Hà Nội, nghỉ chân tại đền Hùng được nghe Bác nói chuyện. Lần kế tiếp là ngày mùng 1 Tết năm 1956, ông vinh dự được tham gia bảo vệ Bác khi Người đi kiểm tra xây dựng công trình cầu Việt Trì. Vinh dự, tự hào đảm nhận trọng trách bảo vệ Phủ Chủ tịch và đón khách quốc tế, năm 1956, bằng sự thông minh và ứng phó tài tình của mình trước sự cố xảy ra với đoàn Giám sát quốc tế hội nghị Giơnevơ, ông đã được Hồ Chủ Tịch viết thư khen, được Quân khu tặng huy hiệu và tấm chân dung ảnh Bác.
Năm 1957, trước những yêu cầu và đòi hỏi mới của quân đội, ông được xuất ngũ trở về địa phương. Nhớ lời căn dặn của Bác: “Nhiệm vụ của các chú ở địa phương là phải tham gia công tác, cố gắng sản xuất… xứng đáng là người quân nhân cách mạng”. Số tiền ít ỏi sau phục viên ông đầu tư vào phát triển sản xuất, vực dậy kinh tế gia đình. Phần còn lại ông cho bà con vay mua con giống.
Mặc dù chỉ có mình là lao động chính, với trên 3 mẫu ruộng, kết hợp sản xuất với phát triển chăn nuôi trong hai năm, gia đình ông đã trở thành hộ có đời sống kinh tế khá trong xã. Bằng uy tín của mình ông được Đảng uỷ, chính quyền địa phương tín nhiệm giao phụ trách thông tin xã, Chính trị viên xã đội, Xã đội trưởng kiêm Phó chủ tịch UBND xã rồi Chủ tịch UBND xã và đảm nhận lâu nhất chức vụ Phó ban Công an xã đến tận lúc nghỉ hưu.
Ở cương vị và lĩnh vực công tác nào ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng tin, dân tín nhiệm. Đặc biệt, 3 năm liền ông liên tục đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua của ngành Công an, Ban Công an xã đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng.
Lần dở lại những tấm bằng khen, giấy khen và hộp huân, huy chương đủ loại đã bị mai một vì thời gian, ông Tự không khỏi tự hào: “Những năm tháng được phục vụ bên Người tôi học được ở Bác rất nhiều điều, từ cách xưng hô, cách ăn ở, đi lại, cách đối nhân xử thế, tình đồng chí, đồng đội và tư tưởng lấy dân làm gốc của Bác đã soi rọi cho tôi trong suốt gần 40 năm công tác. Lấy những điều giản dị, gần gũi từ nhân cách sống và tấm gương đạo đức của Bác để dạy dỗ, giáo dục con cháu".
Được biết, hiện nay cả 4 người con của ông Tự đều là những công dân gương mẫu, tích cực lao động sản xuất giỏi ở địa phương. 37 năm công tác, 50 tuổi Đảng và tròn 78 tuổi đời, chưa quên lời dạy của Bác tại buổi mít tinh cách đây 50 năm trước, ông Nguyễn Văn Tự vẫn không thôi học tập, lao động và rèn giũa mình theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi theo ông, “được học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm hạnh phúc lớn”.
Minh Anh
Các tin khác
YBĐT - Ngày này 50 năm trước, tại sân Căng, thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái), Bác Hồ đã nói chuyện với hàng ngàn cán bộ, nhân dân các dân tộc Yên Bái. Thực hiện lời nhủ của Người, 50 năm qua, nhất là những năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đoàn kết, phấn đấu không ngừng, làm theo lời Bác dạy...
YBĐT - Việc canh tác ruộng nước bây giờ không còn xa lạ với người Mông xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Từ chỗ sản xuất quanh năm phó mặc cho thiên nhiên chờ đến ngày thu hoạch thì nay người Mông của xã vùng cao này đã biết làm ruộng nước, đầu tư phân bón và định canh định cư ổn định cuộc sống.
YBĐT - Trong những ngày này, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã dấy lên các phong trào thi đua với nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2008).
YBĐT - Cho đến nay vẫn chưa ai biết cây quế trên đất Văn Yên được trồng từ bao giờ! Người ta chỉ biết từ những năm 50-60 của thế kỷ trước trên vùng đất này đã có nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao, dân tộc Tày ở xã Đại Sơn, Viễn Sơn đã có quế với cây to cả người ôm.