Thi đua thực hiện lời dạy của Bác "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công"
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm qua, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái đã thực hiện lời dạy của Bác, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong công việc, nghiên cứu tham mưu để Đảng bộ có những quyết sách đúng đắn giúp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Làng định cư xã Cát Thịnh (Văn Chấn). (Ảnh: Thanh Phúc)
|
Bác Hồ đã từng khẳng định "Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Chúng ta đều biết, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác vận động, tổ chức quần chúng tham gia vào mọi công việc của cách mạng là vấn đề chiến lược xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận". Như vậy, lực lượng làm dân vận là lực lượng của cả hệ thống chính trị, trước hết là của chính quyền, trong đó số đông là những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền làm dân vận được thể hiện trong rất nhiều bài nói, bài viết và trong cả cuộc đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Người. Người luôn khẳng định: "Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Vì Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nên Người cũng chỉ rõ: "Chính phủ từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra" do đó "cán bộ, công chức chính quyền là công bộc của dân". Vì vậy, để chính quyền luôn là của dân, do dân, vì dân thì cán bộ, công chức phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, phải quán triệt phương châm: "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".
Những năm qua, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái đã thực hiện lời dạy của Bác, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong công việc, nghiên cứu tham mưu để Đảng bộ có những quyết sách đúng đắn giúp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể có nhiều chương trình phối hợp nhằm hướng về cơ sở, tăng cường các biện pháp vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, hăng hái tham gia các phong trào xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, góp phần củng cố an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nhiều phong trào được tổ chức và duy trì có hiệu quả cao như phong trào "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", "Xóa đói giảm nghèo", phong trào "Thi đua làm kinh tế giỏi, làm giàu cho gia đình, cho tập thể và cho nhà nước"... Chính vì vậy, những năm gần đây nền kinh tế của tỉnh luôn ổn định và có bước phát triển. Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chỉ đạo nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với công nghiệp chế biến như vùng sắn cao sản hơn 8.000 ha, vùng chè hơn 10.000 ha, vùng măng tre Bát Độ hơn 1.000 ha, vùng quế hơn 25.000 ha, vùng rừng sản xuất hơn 50.000ha...
Bên cạnh đó, tỉnh đã hình thành 5 khu, cụm công nghiệp tập trung, trong đó Khu công nghiệp phía Nam đã được Chính phủ phê duyệt vào hệ thống các khu công nghiệp quốc gia. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng được hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó phải kể đến 3 cây cầu bắc qua sông Hồng, gần 2.000 phòng học kiên cố và những công trình thủy lợi đảm bảo chủ động tưới tiêu cho trên 80% diện tích nông nghiệp. Các lĩnh vực về văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, quy mô giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng nâng lên rõ rệt; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, nhiều năm liền không để xảy ra dịch bệnh lớn...
Điểm qua những thành tựu cơ bản như trên để khẳng định vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái trong quá trình tham gia vận động và tổ chức phong trào quần chúng. Có thể kể đến tác động của những cán bộ tham gia phong trào "Ba bỏ" là bỏ trồng, bỏ hút, bỏ tàng trữ và vận chuyển mua bán thuốc phiện ở vùng cao. Những cán bộ khuyến nông, những cán bộ dân vận "ba cùng", "bốn cùng" với nông dân, trực tiếp "cầm tay chỉ việc" giúp bà con thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống cho nhân dân. Những cán bộ ngành thuế đã thực sự đổi mới phương thức vận động.
Từ chỗ bị động trong công tác thu thuế nay đã chuyển sang hướng phục vụ, tuyên truyền có hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, ngành thuế đã lấy lại không khí của ngày hội đóng thuế xây dựng đất nước trên khắp các địa bàn dân cư. Các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng thường xuyên có các hoạt động dân vận thiết thực, giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị ở địa phương. Bằng sức mạnh đoàn kết của các ngành, các cấp, các cán bộ, đảng viên và nhân dân, chúng ta đã hoàn thành mở tuyến đường đến các xã vùng cao Tà Si Láng, Làng Nhì (Trạm Tấu), An Lương, Sùng Đô, Nậm Mười (Văn Chấn), Nà Hẩu (Văn Yên) là những xã cuối cùng có đường ô tô đến trung tâm xã. Bằng tình nhân ái và tinh thần trách nhiệm, chúng ta đã xóa hàng ngàn nhà dột nát trong một thời gian ngắn...
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa làm tốt công tác dân vận. Dân vận, không có nghĩa chỉ là vận động nhân dân một cách xuôi chiều mà chính mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thực sự là "người đầy tớ" của nhân dân, thực sự có đủ năng lực, phẩm chất để phục vụ nhân dân một cách thiết thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: người cán bộ dân vận phải có tác phong "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm", tức là phải thực sự nhúng tay vào công việc chứ "không phải chỉ nói suông" hoặc chỉ "ngồi viết mệnh lệnh".
Thực hành công tác dân vận, trước hết phải "giải quyết cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được". Thứ hai là "phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh của địa phương, rồi động viên và tổ chức nhân dân ra thi hành". Nhưng ở đâu đó vẫn còn những cán bộ xa dân, không nghiên cứu sát thực tế nên tham mưu chưa đúng, chưa trúng, chưa hợp với ý Đảng, lòng dân. Vẫn có những cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong lối sống, chưa chịu khó học tập, rèn luyện, mắc tệ nạn xã hội, quan liêu, tham nhũng, lãng phí... Số cán bộ, đảng viên như vậy không nhiều, nhưng trong công tác dân vận thì điều đó thật gây phản cảm, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Trong giai đoạn cách mạng mới, công tác dân vận càng trở nên quan trọng và cần thiết. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tỉnh Yên Bái càng phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về trách nhiệm của mình trong công tác vận động quần chúng, không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt, tích cực tham mưu xây dựng những chính sách đúng, đủ, hợp lòng dân, đem lại lợi ích thiết thực cho dân và tăng thêm sức mạnh cho Đảng bộ, từ đó tạo ra sự phấn khởi, hào hứng, là cơ sở để tạo thành phong trào quần chúng, củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Nguyễn Thị Thanh
Các tin khác
YBĐT - “Những năm tháng được phục vụ bên Người tôi học được ở Bác rất nhiều điều, từ cách xưng hô, cách ăn ở, đi lại, cách đối nhân xử thế, tình đồng chí, đồng đội và tư tưởng lấy dân làm gốc của Bác đã soi rọi cho tôi trong suốt gần 40 năm công tác. Lấy những điều giản dị, gần gũi từ nhân cách sống và tấm gương đạo đức của Bác để dạy dỗ, giáo dục con cháu".
YBĐT - Ngày này 50 năm trước, tại sân Căng, thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái), Bác Hồ đã nói chuyện với hàng ngàn cán bộ, nhân dân các dân tộc Yên Bái. Thực hiện lời nhủ của Người, 50 năm qua, nhất là những năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đoàn kết, phấn đấu không ngừng, làm theo lời Bác dạy...
YBĐT - Việc canh tác ruộng nước bây giờ không còn xa lạ với người Mông xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Từ chỗ sản xuất quanh năm phó mặc cho thiên nhiên chờ đến ngày thu hoạch thì nay người Mông của xã vùng cao này đã biết làm ruộng nước, đầu tư phân bón và định canh định cư ổn định cuộc sống.
YBĐT - Trong những ngày này, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã dấy lên các phong trào thi đua với nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ thăm Yên Bái (25/9/1958 - 25/9/2008).