Hành trình dựng nghiệp của chàng trai dân tộc Nùng
- Cập nhật: Thứ tư, 4/11/2015 | 9:47:55 AM
YênBái - YBĐT - Trong chuyến công tác ở "vùng đất ngọc", trao đổi với chúng tôi về phong trào hoạt động của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong huyện, Bí thư Huyện đoàn Lục Yên - đồng chí Hoàng Trung Chinh giới thiệu nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình từ sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ đến chế tác đá quý... Nhưng tôi thực sự ấn tượng với mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm cả lợn rừng, hươu sao; gà, vịt của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu ở thôn Cốc Há, thị trấn Yên Thế (Lục Yên).
Đàn lợn rừng được duy trì ổn định với số lượng 60 đầu lợn trở lên.
|
Điều tôi cảm nhận đầu tiên ở Hoàng Trung Hiếu là đức tính cần cù chăm chỉ, ý chí quyết đoán, dám nghĩ dám làm và cũng chính những điều đó đã tạo nên thành công của Hiếu. Khi nghe đồng chí Bí thư Huyện đoàn giới thiệu, tôi mới biết đoàn viên Hoàng Trung Hiếu - người dân tộc Nùng, bố mẹ chỉ là những nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Học hết lớp 12, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên Hiếu không học lên cao nữa mà quyết định dựng nghiệp từ chính đôi bàn tay và khối óc của mình. Những thông tin đó đã thôi thúc tôi tìm đến để được trò chuyện, tìm hiểu về quá trình dựng nghiệp của anh.
Biết chúng tôi có ý định đến thăm mô hình chăn nuôi của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu, anh Chinh - Bí thư Huyện đoàn phấn khởi nhận lời đưa đi. Đi qua mấy cái ngõ, chúng tôi dừng lại trước một cái cổng sắt to, bên cạnh là tấm biển “Trang trại chăn nuôi tổng hợp”.
Qua cánh cổng, trước mắt tôi là một khuôn viên rộng khoảng 2 ha, ở giữa là ngôi nhà sàn truyền thống cũng là nơi ăn ở, sinh hoạt của đại gia đình anh Hiếu; xung quanh là vườn rau, chuồng lợn, chuồng gà, vịt, ao cá được quy hoạch hợp lý.
Đang dở tay nấu nồi cám cho đàn lợn rừng, thấy có khách đến, anh Hiếu vội rửa tay, mời chúng tôi lên nhà. Sau những cái bắt tay, nâng cốc nước mời khách, anh Hiếu mới chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về hành trình dựng nghiệp gian nan của mình: “Tôi sinh năm 1985, là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh, chị em. Số vất vả, trước đây kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng tôi đã cố gắng khắc phục rồi theo học được hết lớp 12 vào năm 2004. Sau đó, tôi đành gác lại bao ước mơ, hoài bão của tuổi học trò để ở nhà cùng bố mẹ làm nương rẫy, kiếm kế mưu sinh”.
Theo câu chuyện, chúng tôi biết năm 2008, Hiếu quyết định đi học nghề lái máy xúc và làm lái máy xúc cho một công ty khai thác khoáng sản ở huyện Trấn Yên. Đến cuối năm 2009, anh xây dựng gia đình nên xin nghỉ làm. Về nhà, anh xin vào lái máy xúc cho Tập đoàn Hùng Đại Dương chuyên khai thác đá ở huyện Lục Yên để được gần gia đình, vợ con. Một thời gian sau, thấy công việc cũng chưa đáp ứng nguyện vọng của bản thân, anh lại xin nghỉ chuyển về làm cho Công ty RK của Ấn Độ ngay gần nhà. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, anh xin nghỉ ở nhà suy nghĩ, tìm hướng làm ăn khác.
Năm 2011, với số vốn gia đình tiết kiệm được và vay mượn thêm của anh em nội, ngoại được tổng số trên 200 triệu đồng, Hoàng Trung Hiếu bắt đầu thử sức mình với mô hình trang trại tổng hợp. Anh giành trên 100 triệu đồng xây tường rào bao quanh khuôn viên của gia đình, số tiền còn lại, thông qua bạn bè, anh tìm đến một số hộ dân ở thị trấn Yên Thế và xã Tân Phượng mua được 13 con lợn rừng giống, trong đó có 12 con nái, một con đực về nuôi. Anh Hiếu cho biết: “Những ngày đầu mới chăn nuôi, chưa có kinh nghiệm và hạn chế mối quan hệ nên mình gặp không ít khó khăn. Ngoài chăm sóc, phòng dịch bệnh cho đàn lợn và những đêm thức trắng để trông lợn đẻ, chữa trị bệnh phân trắng cho lợn con khi mới đẻ thì năm 2012, tôi còn gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm nên cuối cùng đành khắc phục bằng cách giảm số đầu lợn nái xuống còn 8 con để giữ ổn định chăn nuôi”.
Anh Hiếu chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn rừng.
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, không dừng lại ở nuôi lợn rừng, anh tiếp tục tìm hiểu, học hỏi phát triển thêm các loại vật nuôi khác. Năm 2013, được vay 300 triệu đồng vốn của Trung ương Đoàn, anh đầu tư vào chăn nuôi gia cầm; thường xuyên duy trì đàn gà khoảng 700 con, trong đó có trên 200 con gà thiến, trên 100 con gà đẻ còn lại là gà thịt; vịt được nuôi theo thời vụ, có những vụ thị trường tiêu thụ tốt anh tăng đàn lên tới 200 con/ lứa.
Theo anh Hiếu, để gà vịt khoẻ mạnh, ít bị bệnh trong quá trình nuôi thì khi con giống nhập về khoảng 15 ngày phải mua thuốc về nhỏ mắt phòng bệnh sưng mắt; được 45 ngày mua vắc-xin về tiêm phòng các loại bệnh, sau 60 ngày tiêm lần cuối cùng cho đến khi xuất chuồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu nuôi lợn rừng được cách ly với khu nhà ở và chuồng gà, vịt bằng bức tường xây cao hơn 1m, chỉ tay vào những con lợn có trọng lượng khoảng 15 kg, anh Hiếu nói: “Nhìn bé vậy, nhưng gần được một năm tuổi rồi đấy, lợn này chậm lớn lắm. Thế thôi, nhưng đây cũng là loại khách hàng ưa chuộng nhất và giá xuất chuồng đạt từ 130 đến 150 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi năm gia đình xuất bán được khoảng trên 40 con”.
Rồi anh dẫn chúng tôi sang khu nuôi gà, cũng được anh chia thành nhiều ngăn, ngăn nhốt gà con, ngăn nhốt gà đẻ, gà thiến, gà thịt một cách khoa học để tiện chăm sóc và khi có khách mua. Ngoài tập trung chăn nuôi, có vốn anh Hiếu tiếp tục đầu tư đắp khu ruộng lầy gần 2ha thành ao để nuôi cá và mở rộng chăn nuôi thêm vịt, ngan.
Anh Hoàng Trung Chinh - Bí thư Huyện đoàn nhận định: “Đây chưa phải là mô hình lớn nhất hay cho thu nhập đặc biệt cao trên địa bàn huyện, nhưng theo chúng tôi thì đây là mô hình phổ thông và có thể áp dụng rộng rãi không chỉ cho ĐVTN huyện LụcYên mà trên cả tỉnh. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng trong ĐVTN của huyện”.
Bằng trí tuệ và sức lao động của mình, sau bốn năm chăm chỉ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách anh Hoàng Trung Hiếu đã gây dựng được cho mình cơ nghiệp, tạo việc làm ổn định với tổng thu nhập bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ năm. Trước khi chia tay chúng tôi, anh Hiếu khiêm tốn chia sẻ: “Niềm vui của tôi không phải là ở con số thu nhập 200 triệu đồng/năm mà chính là sự thành công trong quyết định thay đổi nghề nghiệp, là sự khẳng định chính mình và các kinh nghiệm quý trong chăn nuôi để chia sẻ, giúp đỡ các ĐVTN khác trong huyện đang gặp khó khăn trong sản xuất sớm tìm được hướng đi cho mình để phát triển kinh tế hiệu quả sớm thoát khỏi nghèo đói.
A Mua
Các tin khác
YBĐT - Đó là những cán bộ mặt trận không những hết lòng vì công việc mà còn thấu hiểu điều gì làm nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
YBĐT - “Tuy chỉ là giải phong trào, nhưng tất cả 16 thôn đều có đội bóng đá nam tham gia giải hàng năm do xã tổ chức và năm 2015 này, đã có 9 đội bóng đá nữ được thành lập. Qua đó, cho thấy, phong trào thể dục thể thao (TDTT) của Động Quan phát triển khá mạnh mẽ”. Đó là ghi nhận của Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Lục Yên - Trần Anh Tuấn khi nói về phong trào thể thao ở xã Động Quan.
YBĐT - Kinh tế nông nghiệp, nông thôn Nghĩa Lộ đạt nhiều thành tựu theo hướng toàn diện, sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
YBĐT - Mình chọn nghề mà chị! Chúng em giống như bộ đội ấy mà. Mỗi người thay nhau lên đây một năm, có lúc buồn phát khóc nhưng nhìn bọn trẻ cũng thương lắm".