Những người viết huyền thoại trên non
- Cập nhật: Thứ ba, 27/10/2015 | 9:55:54 AM
YênBái - YBĐT - Mình chọn nghề mà chị! Chúng em giống như bộ đội ấy mà. Mỗi người thay nhau lên đây một năm, có lúc buồn phát khóc nhưng nhìn bọn trẻ cũng thương lắm".
Điểm trường mầm non Háng Chi Mua được đặt giữa mênh mông núi đồi.
|
Năm học mới đã được nửa học kỳ và đã đến thời điểm mưa dầm, khiến con đường về bản Háng Chi Mua - bản xa nhất của xã Bản Mù vừa ngoắt ngoéo, chênh vênh vừa trơn trượt, lầy lội. Bởi vậy, chiếc xe máy của cô giáo Đinh Thị Nguyệt phải gồng mình đánh vật với đường dốc, nhưng rồi cô cũng đành gửi lại khi mới được nửa độ đường. Trời đã se lạnh mà cô giáo Nguyệt vừa lau mồ hôi vừa giãi bày: "Đành chịu thôi chị ạ! Chị em mình túc tắc đi bộ vậy. Ai bảo chị chọn mùa mưa để lên đây". Và vẫn nụ cười như "tỏa nắng", cô giáo Nguyệt vừa đi vừa kể chuyện đời tư, chuyện trường, chuyện nghề.
Cũng giống như nhiều bạn đồng nghiệp ở trường, cô ra trường năm 2010 và đang hừng hực khí thế tuổi trẻ, nên cô đã tình nguyện lên vùng cao công tác. Nhưng khi đã ở đây rồi, cô mới thấy có biết bao khó khăn không giống như như suy nghĩ ban đầu của mình. Đặc biệt, tiếp xúc với học sinh, cô đã ứa nước mắt, phần vì cô không hiểu tiếng của trò, phần thương các bé đến lớp mùa đông còn thiếu quần áo ấm, không dép, không tất, không mũ và chân tay nhọ nhem bởi cha mẹ bận đi nương không chăm sóc được. Gặp phụ huynh lại càng nản, vì một số người coi việc đến trường của con là việc của cô giáo.
Tuy nhiên, cô lại tự động viên mình phải hết sức cố gắng như người xưa đã nói "sinh nghề tử nghiệp". Được sự giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường, những đồng nghiệp lâu năm, cô đã học tiếng Mông, chịu khó gần gũi với bà con địa phương để học tiếng Mông cho hiệu quả...
Những câu chuyện của cô Nguyệt khiến cho bước chân vượt vượt núi thêm nhẹ nhàng hơn. Và sau 2 giờ, chúng tôi đã đến điểm trường Háng Chi Mua, cũng đúng vào lúc học sinh đến lớp. Bọn trẻ chạy ùa ra líu lo chào cô bằng tiếng Việt, tiếng Mông. Cô Nguyệt vội rửa chân tay, gọi từng đứa đến buộc tóc, rửa mặt, chân, tay cho chúng rồi vào lớp.
Các cháu bi bô đọc thơ "Mẹ và cô": "Hai chân trời của con là mẹ và cô giáo", rồi líu lo hát bài này qua bài khác. Nhìn cô Nguyệt nhún nhảy theo từng câu hát, múa phụ họa, uốn nắn cho học sinh từng động tác, tôi thấy cổ họng mình nghèn nghẹn. Núi rừng Háng Chi Mua rộn ràng hơn bởi tiếng cô, tiếng trò hòa chung tiếng lảnh lót của chim rừng.
Tôi nhìn sang dãy núi phía xa xa, là đất của tỉnh Sơn La, quê hương của cô giáo Nguyệt cách đây chừng hơn trăm cây số. Ở đó, có 2 đứa con của cô. Một đứa mới 9 tháng tuổi đã cai sữa mẹ và ở nhà với bố, ông bà nội để cô yên tâm dạy những trò nhỏ ở nơi này.
Buổi trưa, sau khi học trò đã ăn, ngủ thì cô giáo mới ăn cơm. Cũng giống như bao mái trường khác ở vùng cao, bữa ăn tươi chỉ được 2 ngày đầu tuần vì ngày nghỉ cô mới đi được xuống trung tâm huyện để mua, còn lại là thức ăn khô.
Trưởng thôn Giàng A Tháy tâm sự: "Nhờ các cô giáo mà đồng bào yên tâm lên nương sản xuất, vì các cháu bé có cô giáo trông nom chu đáo nên không phải lẽo đẽo lên nương theo cha mẹ như trước. Thôn bây giờ có 100% số trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi được đi học và đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non. Dân bản chúng tôi quý mến và cảm ơn cô giáo nhiều lắm".
Chị Giàng Thị Chú - mẹ của bé Giông thì vui mừng bày tỏ: "Con bé đi học về cứ đọc thơ, múa hát líu lo, nên vui lắm. Mình cũng không phải vất vả trông con để còn đi làm nương". Hôm nay biết cô Nguyệt có khách lên chơi, chị Chú đã giành thời gian mang lên biếu cô Nguyệt mớ rau cải nương để tiếp khách và cũng là món quà để cảm ơn cô giáo. Chia tay điểm trường Háng Chi Mua, cháu Giông níu tay tôi và nói: "Thỉnh thoảng cô lên đây chơi với cô Nguyệt cho đỡ buồn nhé. Chúng cháu yêu cô giáo lắm". Lúc này tôi đã khóc thực sự và thấy con đường về phố huyện không còn "khốc liệt" như lúc ban đầu.
Chúng tôi lại đến với điểm trường Háng Gàng - một trong những thôn xa nhất của xã Pá Hu. Hôm nay trời nắng, nên cô Mạnh lai tôi lên điểm trường bằng xe máy. Nhưng, đường lên đây cũng chẳng khác gì lên Háng Chi Mua.
Bước vào căn phòng của cô mạnh, tôi bất chợt nghẹn ngào khi nhìn căn phòng nhỏ với cái bàn soạn giáo án và chiếc đèn dầu. Phòng của cô giáo khác phòng thầy giáo vùng cao là có thêm cái gương, cái lược. Và nơi đây cũng như bao đỉnh non xanh khác, chẳng cô giáo mầm non nào cần đến phấn son, kem dưỡng da đắt tiền và mốt thời trang công sở. Tôi chợt nhớ câu nói hài hước của Mạnh: "Bọn em về thành phố, cả tỉnh biết chúng em là cô giáo mầm non trên bản xuống, vì nhìn quê quá lại còn ôm theo áo rét giữa mùa hè...".
Các cô giáo vẫn cứ giản dị, lạc quan cống hiến tuổi thanh xuân cho vùng cao như thế. Hỏi Mạnh có buồn không, khi chỉ có 2 chị em giữa rững xanh núi đỏ và cuối tuần lại 3 tiếng đồng hồ đường núi về thăm con? Mạnh cười: "Mình chọn nghề mà chị! Chúng em giống như bộ đội ấy mà. Mỗi người thay nhau lên đây một năm, có lúc buồn phát khóc nhưng nhìn bọn trẻ cũng thương lắm".
Trạm Tấu hiện có 12 xã, thị trấn có trường mầm non, trong đó có 62 điểm trường lẻ và còn 58 phòng học tạm với 284 cán bộ quản lý, giáo viên, 108 lớp mầm non với 3.052 cháu. Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 100%; tỷ lệ chuyên cần duy trì từ 95% trở lên ở các điểm chính và từ 92% - 95% trở lên ở các điểm lẻ. Từ năm 2014, huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Bà Trần Thị Tuyết - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết: "Có rất nhiều những cô giáo phải xa gia đình, đặc biệt là nhiều cô có con nhỏ chưa đầy 1 tuổi để "cắm bản". Ở những nơi xa trung tâm huyện, vào mùa mưa, các cô giáo phải vượt núi từ 2 - 3 giờ đồng hồ mới đến nơi làm việc. Nhưng bằng nhiệt huyết với nghề nghiệp, tình yêu thương con trẻ, sự cảm thông chia sẻ với đồng bào vùng cao, các cô đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào thành công của chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi".
Những cô giáo mầm non tuổi đôi mươi rừng rực cháy đã chọn cho mình con đường làm cô giáo vùng cao, không quản ngại gian khổ băng đèo, vượt suối mang những lời hát, những câu chuyện cổ tích có ông Bụt, cô tiên biến giấc mơ của người nghèo thành hiện thực; gieo những con chữ ê, a... trong giọng đọc đầu đời của con trẻ vùng cao, khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Tiếp xúc với các cô mới thấy, họ chính là những người đang viết nên huyền thoại cho nền giáo dục ở vùng cao Trạm Tấu còn muôn vàn khó khăn.
Phương Thùy
Các tin khác
YBĐT - Tận dụng những diện tích eo, ngách mặt nước trên hồ Thác Bà, một số hộ dân ở huyện Yên Bình đã mạnh dạn đầu tư mua lưới về quây để nuôi cá theo phương thức bán thâm canh. Cách làm này không chỉ giúp bà con có việc làm, thu nhập mà còn mở một hướng đi mới cho nghề nuôi cá trên hồ Thác Bà.
YBĐT - Là một trong 62 huyện khó khăn của cả nước, nhưng từ sự đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc, bộ mặt Mù Cang Chải hôm nay đang đổi thay từng ngày, xứng đáng với truyền thống anh hùng thời kỳ đổi mới mà Đảng, Nhà nước đã phong tặng.
YBĐT - Chúng tôi về Đông An (Văn Yên) khi cái nắng đầu thu như dát vàng lên những cánh đồng màu trù phú được đắp bồi bởi phù sa của dòng sông Hồng khoáng đạt. Đông An hôm nay đang chuyển mình, vượt ra khỏi những tư duy xưa cũ trong phát triển kinh tế. Càng mừng hơn khi trên 350 lao động của địa phương đã và đang tham gia vào các thị trường lao động quốc tế, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc và một số quốc gia khác như Nhật Bản, Malaysia..., đưa Đông An trở thành một trong những địa phương dẫn đầu huyện về xuất khẩu lao động.
YBĐT - Những năm qua, phát huy tinh thần "kính Chúa, yêu nước", đồng bào công giáo tỉnh Yên Bái đã tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cần cù, sáng tạo thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng vững mạnh, giàu đẹp.