Một rừng cây, một đời người
- Cập nhật: Thứ hai, 9/11/2015 | 10:35:35 AM
YênBái - YBĐT - Đến với vùng cao Trạm Tấu, ấn tượng để lại trong lòng mỗi người là những rừng thông xanh ngút tầm mắt. Đồng bào Trạm Tấu hôm nay đã được hưởng 2 lợi ích từ rừng đó là lợi ích phòng hộ và lợi ích kinh tế. Đằng sau những cánh rừng ngút ngàn ấy là những mảnh đời bình dị, gắn đời mình với rừng cây.
Bao quanh thị trấn Trạm Tấu là những rừng thông ngút ngàn xanh.
|
Năm 1973, Trạm Trồng rừng Trạm Tấu thuộc Ty Lâm nghiệp Nghĩa Lộ được thành lập. Ngày ấy, có 103 công nhân đều là những cán bộ miền xuôi lên lập nghiệp. Đó là thời của anh Trượng, anh Ba, chị Diên, chị Sồi, chị Mây... nay họ đã đều trên tuổi ngũ tuần, người đã quây quần hạnh phúc bên con cháu, người vẫn “gối lẻ, chăn thừa”.
Trong ký ức của đồng chí Đinh Thanh Ba - Giám đốc Ban quản lý (BQL) rừng huyện Trạm Tấu đó là một thời không thể nào quên: “Ngày ấy, toàn bộ rừng huyện Trạm Tấu đều một tay công nhân lâm trường trồng cả. Tập quán đốt nương làm rẫy của đồng bào Mông khiến công tác trồng rừng khó khăn chồng chất khó khăn. Mùa nương, dân đốt lửa làm cháy lan sang rừng. Nhìn cả một vạt núi đỏ rực lửa, anh em công nhân lâm trường gạt nước mắt lao lên rừng dập lửa nhưng sức người chẳng thấm tháp với gió Lào khốc liệt. Cháy đi rồi lại trồng mới. Cả tháng lợp lán mái gianh ngủ lại trên rừng với những đêm co ro bên đống lửa, mưa tạt tốc cả mái, anh em ướt như chuột, co rúm cả vào nhau. Cả tháng lấm lem bùn đất, nhọ nhem khói củi thông để vừa trồng vừa tuyên truyền vận động, công tác trồng rừng mới đạt kết quả. Lúc ấy, cây rừng là tất cả cuộc sống của công nhân vì Nhà nước trả lương dựa trên số cây trồng. Vừa là trách nhiệm vừa là cuộc sống của mình nên anh em công nhân dốc toàn bộ tâm sức vào rừng. Cây bị phá, bị cháy thì trong lòng như chảy máu".
38 năm gắn bó với núi rừng Trạm Tấu, những ký ức không thể phai nhòa với đồng chí Đinh Thanh Ba là những bữa rau rừng, măng muối, chia nhau mẩu sắn nướng khi lương thực chưa kịp tiếp tế lên núi để trồng rừng. Trong khó khăn, tình đồng chí, đồng nghiệp với ước mong giữ lá phổi xanh cho vùng cao khỏe mạnh đã là động lực để họ yêu rừng và hy sinh cho rừng.
Đồng chí Đinh Thanh Ba cho biết: "Các dự án của Chính phủ đã tiếp thêm sức mạnh cho người gắn bó với rừng. Kinh phí bảo vệ gắn với trách nhiệm bảo vệ, đời sống công nhân được nâng cao. Người dân có ý thức để bảo vệ rừng (BVR). Mấy chục ngàn héc-ta rừng lúc ấy bớt "tai bay vạ gió" và công tác trồng rừng đạt kế hoạch đề ra".
Đoàn viên thanh niên huyện Trạm Tấu giúp dân trồng rừng kinh tế.
Chọn cuộc đời gắn với rừng thì chẳng lúc nào hết khó khăn bởi tập quán người dân đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn lẩn khuất trong đời sống. Vì vậy, thế hệ những cán bộ trẻ hôm nay như Lê Xuân Huy, Phạm Văn Cường, Phạm Văn Thắng chọn cho mình con đường ở bản tại 3 trạm bảo vệ, phát triển rừng ở 3 khu. "Cắm bản" để tuyên truyền vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm lợi ích của dân gắn với trách nhiệm. Nơi xa nhất ở Túc Đán 7 tiếng đi bộ, nơi gần cũng tính bằng giờ. Mùa trồng rừng là mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Mưa đi bộ về ở với dân, cùng dân kiểm tra cây giống tránh bỏ sót, bảo đảm trồng đúng kỹ thuật, để không phí công ươm giống. Anh Phạm Văn Cường - Trưởng trạm khu 2 tâm sự: "Dân dậy đi trồng rừng từ 3 giờ sáng. Chúng tôi mở cờ trong bụng, quên hết mệt nhọc của những ngày thức đêm tuyên truyền vận động với những hôm trèo núi co cứng cơ chân. Túc Đán một xã vốn vào "sổ đỏ" vì chậm tiến độ thì mấy năm nay năm nào trồng rừng cũng vượt kế hoạch đề ra".
Trồng rừng đã khó, BVR lại càng lắm gian truân. Có lần, đi chữa cháy rừng, trời tối không kịp xuống núi, mấy anh em nằm cạnh vũng trâu đằm ôm nhau mà ngủ. Rồi có lúc chui vào hang, đắp cả mảnh chăn dân dùng để chống rét cho ngựa. Lấy rau cải nương cuốn với muối, hơ trên ngọn lửa để ăn chống đói. Sáng ra nhìn nhau mà rớt nước mắt. Xót rừng, tiếc công, thương cảnh làm cán bộ vùng cao. Kỷ niệm ấy hằn sâu trong lòng anh Thọ, anh Hưng, anh Liêm, anh Đô - những cán bộ quản lý BVR đã gắn bó với vùng cao hơn chục năm. Anh Phạm Thanh Liêm - người cũng có 16 năm với rừng Trạm Tấu nay là Trưởng phòng Chỉ đạo sản xuất chia sẻ: "Làm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, anh em công nhân, cán bộ ở rừng giúp dân trồng xong mới về là chuyện thường. Mùa khô hanh, giấc ngủ không yên. Có lúc, cả tuần, cả tháng vật vã với chữa cháy, thống kê diện tích, khắc phục hậu quả cháy rừng. Có lúc, vừa từ rừng này về, chưa kịp cất ba lô thì có tin rừng kia cháy, lại khoác ba lô lên đi tiếp". Nói về rừng, kỷ niệm với rừng của họ là nguồn cảm hứng không vơi cạn. Họ lạc quan, vất vả, khó khăn chứ không phải khổ.
Hôm nay, BQL rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu có 48 cán bộ, công nhân, viên chức với diện tích bảo vệ là 34.706 ha. Nay không chỉ bảo vệ rừng phòng hộ, còn rừng kinh tế, rừng sản xuất với 11 vườn ươm lưu động theo từng năm ở 11 xã vùng cao. Kinh nghiệm thực tiễn phải dựa vào dân nên Ban đặt công tác tuyên truyền vận động lên hàng đầu. 5.769 lượt hộ tham gia BVR tự nhiên với số tiền bảo vệ trả cho dân gần 10 tỷ đồng. Đó là lý do để Trạm Tấu khống chế được tình trạng cháy rừng, cơ bản không còn tình trạng đốt nương làm rẫy trái phép. 5 năm trở lại đây, huyện đã trồng 4.014 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ lên 54%.
Anh Giàng A Sáy Chù ở thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ chia sẻ: "Nhìn cán bộ BQL rừng toàn những người ở miền xuôi lên mà mùa trồng rừng, quần xắn móng lợn bê bết đất, mùa hanh khô thì mắt quầng sâu thiếu ngủ, chúng tôi rất xúc động. Vì lợi ích của bà con dân bản mà họ không ngại khó, ngại khó, ăn cùng, ở cùng, làm cùng. Chúng tôi hiểu rằng, nỗ lực trồng, BVR vì chính cuộc sống của bản thân mình nên thi đua trồng rừng, BVR".
Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xà Hồ - đồng chí Hờ A Su cho biết: "Mỗi cánh rừng ở Xà Hồ đều có bước chân của những cán bộ BQL rừng phòng hộ. Mùa trồng rừng cùng dân chăm sóc từng bầu ươm đến lúc thành rừng. Mùa khô hanh cùng dân bảo vệ. Nơi nào bất cẩn xảy ra cháy rừng thì lại chính những người cán bộ ấy, đội nắng, đội gió đo đạc lại thống kê diện tích cháy để trình cấp trên có phương án khắc phục. Họ chính là những người nuôi nguồn sống cho rừng".
Trong chuyến công tác lên Phình Hồ, anh Lê Đức Thọ - Trưởng phòng Quản lý BVR nói với tôi: "Ở gần rừng, chúng tôi nghe và hiểu được tiếng của cây rừng nên chỗ nào có sự cố là biết và đến ngay". Chẳng hiểu đấy là câu nói thật hay đùa nhưng đi với họ, tôi nghe được lời cảm ơn từ chính những người dân bản địa. Già làng Giàng Dua Ký chia sẻ: "Gần hết đời người ở đây, bao nhiêu lượt cán bộ trồng rừng lên với dân bản, họ sống tình cảm với dân lắm, chẳng quản mưa nắng, có lúc trèo núi xây xát chân tay hết cả, thở không ra hơi nhưng các chú ấy vẫn kiên trì vận động nhân dân trồng rừng, BVR. Rừng của Phình Hồ tốt tươi cũng nhờ rất nhiều công sức của họ”.
Với già làng Sùng Sống Tu ở Tà Xi Láng, mỗi đợt trồng rừng với ông là một kỷ niệm. Ông cho biết: "Dân bản Tà Xi Láng có cả thảy 250 ha rừng phòng hộ. Một thời rừng chẳng phải của riêng ai nên mạnh ai người ấy lấy gỗ, đốt nương làm rẫy, nhìn mà xót xa vì với người Mông mỗi cây gỗ to như một nét tâm linh. Cuộc đời tôi gặp nhiều cán bộ trồng rừng rồi. Nhờ có họ vận động tuyên truyền, người dân biết bảo vệ cho cây rừng, được Nhà nước trả công, lại bảo vệ chính cuộc sống của mình nên giờ những cánh rừng được bình yên".
Duyên nợ với rừng. Những con người bình dị chọn sự nghiệp gắn với rừng đã nuôi lớn nguồn sống cho vùng cao, cho màu xanh bình yên thêm bất tận.
Phương Thùy (Đài TT - TH huyện Trạm Tấu)
Các tin khác
YBĐT - Đỉnh Xéo Dì Hồ ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải quanh năm ngập trong sương trắng giữa bạt ngàn rừng núi hoang vu. Ở đó có những thầy cô giáo trẻ đang lặng lẽ, cần mẫn như người gieo hạt, mang cái chữ đến vùng cao hẻo lánh. Họ đã dệt nên bao huyền thoại về dạy chữ, rèn người.
YBĐT - Trong chuyến công tác ở "vùng đất ngọc", trao đổi với chúng tôi về phong trào hoạt động của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong huyện, Bí thư Huyện đoàn Lục Yên - đồng chí Hoàng Trung Chinh giới thiệu nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình từ sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ đến chế tác đá quý... Nhưng tôi thực sự ấn tượng với mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm cả lợn rừng, hươu sao; gà, vịt của đoàn viên Hoàng Trung Hiếu ở thôn Cốc Há, thị trấn Yên Thế (Lục Yên).
YBĐT - Đó là những cán bộ mặt trận không những hết lòng vì công việc mà còn thấu hiểu điều gì làm nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
YBĐT - “Tuy chỉ là giải phong trào, nhưng tất cả 16 thôn đều có đội bóng đá nam tham gia giải hàng năm do xã tổ chức và năm 2015 này, đã có 9 đội bóng đá nữ được thành lập. Qua đó, cho thấy, phong trào thể dục thể thao (TDTT) của Động Quan phát triển khá mạnh mẽ”. Đó là ghi nhận của Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Lục Yên - Trần Anh Tuấn khi nói về phong trào thể thao ở xã Động Quan.