9X “mê” sáng chế
- Cập nhật: Thứ ba, 5/1/2016 | 3:36:00 PM
YBĐT - Không phải đợi đến khi "rinh" giải Nhất về trường, thầy cô và bạn bè mới biết tới Minh Hoàng - Khánh Huyền bởi 2 bạn đều là những “cao thủ” văn ôn võ luyện.
Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho những học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2014 - 2015.
|
Mô hình “Hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời” với tính năng hữu ích, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống do Hoàng và Huyền sáng chế xuất phát từ ý tưởng muốn tìm ra một quy trình chế tạo thiết bị thu nhiệt mặt trời đun nước nóng dựa trên các nguyên vật liệu rẻ, phổ dụng, dễ tìm, dễ thi công lắp đặt, thay đổi cấu hình phù hợp từng đối tượng, đặc biệt với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
“Mong muốn, ước mơ và ý tưởng sáng tạo của chúng em sẽ trở thành các sản phẩm thực tế, hữu ích và tiện dụng để người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái cũng sẽ có điều kiện sử dụng các tiện nghi của xã hội nhưng lại làm giảm được hiệu ứng nhà kính, góp phần phát triển xã hội thông qua sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, góp phần giảm ô nhiễm môi trường” - đó là chia sẻ của hai bạn Lương Minh Hoàng và Vũ Khánh Huyền - học sinh lớp 11L, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Hai "nhà sáng chế" 9X là chủ nhân giải Nhất, cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh” dành cho học sinh trung học năm 2015 với Dự án “Hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời”.
Từ ý tưởng đến hiện thực
Mô hình “Hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời” với tính năng hữu ích, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống do Hoàng và Huyền sáng chế xuất phát từ ý tưởng muốn tìm ra một quy trình chế tạo thiết bị thu nhiệt mặt trời đun nước nóng dựa trên các nguyên vật liệu rẻ, phổ dụng, dễ tìm, dễ thi công lắp đặt, thay đổi cấu hình phù hợp từng đối tượng, đặc biệt với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Từ ý tưởng đó, hai em đã xây dựng quy trình chế tạo hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời quy mô gia đình từ các vật liệu đơn giản phổ dụng, có giá thành thấp. Bởi theo Hoàng: "Ngoài thế mạnh vật liệu có sẵn và thông dụng, dễ kiếm như: ống nước mạ kẽm, kính xây dựng, tôn lá, thép không làm thùng chứa, xốp làm vật liệu cách nhiệt… để chế tạo được bộ thiết bị đun nước bằng năng lượng mặt trời có diện tích 3m2, dung tích thùng chứa 200 lít thì quy trình chế tạo hệ thống này cũng rất đơn giản, có thể chế tạo thủ công, đơn chiếc ở bất kỳ nơi nào hoặc cũng có thể chế tạo ở quy mô công nghiệp".
Không hổ danh "dân" chuyên Lý, Hoàng thổ lộ: "Chúng em đã làm khảo sát vật liệu cách nhiệt trên mô hình, lấy vật liệu đơn giản là hộp bánh có chất liệu bằng tôn, sau đó bôi sơn đen làm vật liệu cách nhiệt bề mặt hấp thụ nhiệt, kết nối các hệ thống, lấy hộp sữa làm bình bảo ôn (bình giữ nước nóng) rồi sử dụng bóng đèn điện sợi đốt cỡ 200W để mô phỏng mặt trời. Cấu hình hệ thống linh hoạt, đáp ứng được mọi nhu cầu sử dụng nước nóng cho hộ gia đình với tiện ích không cần chuẩn bị mặt bằng lắp đặt, có thể đặt trực tiếp lên mái nhà".
Để hoàn thành sản phẩm này, 2 bạn đã mất 3 tháng với khoảng trên 30 thí nghiệm. Kể về những khó khăn ban đầu, Huyền cho biết: Đã có ý tưởng, song nguyên lý hoạt động của mô hình chúng em cũng chưa nắm rõ cùng việc kiếm tìm nguyên vật liệu để gia công... Nhưng chúng em đã được sự trợ giúp rất nhiều từ các thầy cô giáo trong nhà trường, đặc biệt là thầy Vi Biên Cương - người trực tiếp hướng dẫn chúng em thực hiện Dự án".
Thạc sỹ Vi Biên Cương - giáo viên Vật lý, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết: "Khi các em đưa ra ý tưởng, tôi rất ủng hộ. Bởi vì, các em là "dân" chuyên Lý, vốn đã được tiếp xúc với những nguyên lý về cơ, điện và khi hình thành ý tưởng là các em đã có sự quan sát tinh tế, sự tìm tòi để thấy được những vấn đề cần thiết của cuộc sống. Sau mỗi giờ học, thầy trò lại cùng nghiên cứu, bàn bạc và thử các thí nghiệm để biến ý tưởng của các em thành hiện thực".
Thầy giáo Vi Biên Cương (giữa) và hai em Hoàng - Huyền nghiên cứu và kiểm tra các thí nghiệm mô hình “Hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời”.
Bằng kiến thức, sự cần cù và đam mê sáng tạo, hai "kỹ sư" tuổi teen Hoàng và Huyền đã cho "ra lò" một mô hình sản phẩm chất lượng với ưu điểm phù hợp với người dân cả ở vùng sâu, vùng xa - nơi không có điều kiện sử dụng sản phẩm thương mại với giá thành đắt đỏ, đồng thời còn rất tiện lợi vì không tốn diện tích, có thể đặt bất cứ đâu thấy tiện lợi.
Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài, nghiêm túc và đầu tư nhiều công sức của thầy và trò từ việc hình thành ý tưởng, thu thập và phân tích dữ liệu, thử nghiệm đến khâu hoàn thành phẩm. Trở thành chủ nhân của giải Nhất cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh” dành cho học sinh trung học năm 2015, đề tài đánh dấu sự khởi đầu ước vọng của hai nhà sáng chế 9X.
Tiến sỹ Vật lý Ngô Quang Thành - Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết: "Cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học được tổ chức hàng năm đã hướng tới vai trò chủ động, sáng tạo của học sinh. Để các em được thỏa sức sáng tạo, nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để ý tưởng của các em có cơ hội trở thành một sản phẩm cụ thể. Mỗi năm, nhà trường lựa chọn 5 đề tài tham gia cuộc thi và năm 2015, hai trong số đó đã đạt giải. Đề tài “Hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời” của 2 em Hoàng và Huyền đạt giải Nhất. Đây là một sân chơi thú vị để các em có thể biến niềm đam mê của mình thành hiện thực".
Không chỉ là "nhà sáng chế"!
Không phải đợi đến khi "rinh" giải Nhất về trường, thầy cô và bạn bè mới biết tới Minh Hoàng - Khánh Huyền bởi 2 bạn đều là những “cao thủ” văn ôn võ luyện. Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo Lâm Giang, huyện Văn Yên, ông bà, bố mẹ Hoàng chỉ làm nghề nông. Những năm tháng tuổi thơ của Hoàng cũng như bao đứa trẻ làng quê mái rạ, đến trường nửa buổi và nửa buổi còn lại giúp bố mẹ việc nhà.
Vất vả là thế nhưng thành tích học tập của cậu học trò trường làng khiến nhiều bạn cùng trang lứa phải "ngả mũ". Em luôn đứng trong tốp đầu của lớp, của trường với 8 năm liên tục là học sinh giỏi. Học hết cấp 1, cấp 2 trường làng, Hoàng xuất sắc ghi tên mình vào danh sách học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành. Mái trường chắp cánh tài năng, bảng thành tích của Hoàng lại dày lên theo năm tháng: danh hiệu học sinh giỏi năm lớp 10 và đạt giải Nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý năm học 2015 – 2016; Huy chương Vàng môn Vật lý tại Trại hè Olympic Hùng Vương; giải Khuyến khích học sinh giỏi môn Vật lý khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ.
Và năm học này, em là 1 trong 6 gương mặt đội tuyển tỉnh sẽ tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn Vật lý. Chia sẻ về dự định tương lai, Hoàng cười hiền: “Em mong muốn mình sẽ có thêm nhiều những sáng chế để mang lại lợi ích cho mọi người, đặc biệt là người dân nghèo. Trở thành một giáo viên Vật lý là mơ ước của em!”.
Mô hình “Hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời” của hai nhà sáng chế 9X Hoàng và Huyền.
Khánh Huyền - “cặp bài trùng” của Hoàng thì sinh ra trong một gia đình bố mẹ là công chức nhà nước tại thành phố, nên tuổi thơ của cô gái “mê" khoa học êm đềm, không trải qua nhiều vất vả như Hoàng. Chỉ giống nhau là thành tích học tập của "cô bạn cùng tiến" cũng thật đáng nể với bao nhiêu năm đi học bấy nhiêu năm đều là học sinh giỏi.
Thích môn Tiếng Anh vì “em muốn sau này sẽ được làm trong tổ chức phi chính phủ để được đi nhiều, biết nhiều và mang nhiều lợi ích từ các dự án đến cho người dân…” nhưng Huyền lại “bén duyên” với nghiên cứu khoa học khi những công việc liên quan đến nghiên cứu khoa học cứ cuốn hút.
Và tham gia cuộc thi này, với Huyền, thật ý nghĩa: "Tham gia vào cuộc thi em được trải nghiệm và thấy mình trưởng thành hơn, đặc biệt là quá trình làm việc nhóm giúp em có tư duy tốt hơn. Hiện, em đang tiếp tục nghiên cứu mô hình "Bếp củi tiết kiệm năng lượng" để tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2016 và em hy vọng, đó cũng sẽ là một đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống".
Đó là những khát khao không ngừng của sức trẻ đam mê và sáng tạo. Xin mượn lời của Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trong phiên bế mạc Đại hội Tài năng trẻ lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội sáng 13/12 vừa qua thay cho lời nhắn gửi tới các bạn: "Sự có mặt của mỗi tài năng trẻ là niềm tự hào của tất cả chúng ta, vì các bạn là nguồn lực, là vốn quý, niềm tự hào của tuổi trẻ Việt Nam".
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Xác định vai trò của chi bộ là đặc biệt quan trọng, cán bộ và đảng viên giữ vai trò nòng cốt, quyết định hiệu quả thực hiện các nghị quyết của Đảng, Đảng bộ xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã quan tâm lãnh đạo, gắn công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế. Sự tham gia tích cực và gương mẫu của các đảng viên là nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế ở địa phương…
YBĐT - Ông Hinh tâm sự: “Luyện tập và truyền thụ thể dục dương sinh, tôi như tìm được một chân lý sống: sống vì cộng đồng, vì sức khỏe của bản thân và của mọi người”.
YBĐT - Vận động đồng bào không để người chết lâu trong nhà đảm bảo vệ sinh và giảm chi phí ăn uống tốn kém cho con cháu, tiếp đó phải kể đến việc vận động đồng bào Mông thực hiện "ba bỏ" cây thuốc phiện.
YBĐT - Ở miền xuôi, làm vụ đông xuân là điều đương nhiên trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Nhưng ở những địa phương vùng cao như Mù Cang Chải, chỉ quen làm một vụ mùa để có những thửa ruộng vụ đông xuân xanh mạ, vàng bông là cả sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp.