Cho vụ đông xuân xanh mạ, vàng bông

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/12/2015 | 9:47:57 AM

YBĐT - Ở miền xuôi, làm vụ đông xuân là điều đương nhiên trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Nhưng ở những địa phương vùng cao như Mù Cang Chải, chỉ quen làm một vụ mùa để có những thửa ruộng vụ đông xuân xanh mạ, vàng bông là cả sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Dê (thứ 2, trái sang) trao đổi về kế hoạch sản xuất đông xuân với lãnh đạo thôn Lìm Mông.
Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Dê (thứ 2, trái sang) trao đổi về kế hoạch sản xuất đông xuân với lãnh đạo thôn Lìm Mông.

Ở miền xuôi, làm vụ đông xuân là điều đương nhiên trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Nhưng ở những địa phương vùng cao như Mù Cang Chải, chỉ quen làm một vụ mùa để có những thửa ruộng vụ đông xuân xanh mạ, vàng bông là cả sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đã quá trưa nhưng cuộc họp triển khai sản xuất vụ đông xuân của bản Lìm Mông (xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải) tại nhà trưởng bản hôm ấy vẫn chưa kết thúc. Bí thư  Chi bộ bản Sùng A Già, Phó bí thư Chi bộ Sùng A Chù, Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc bản Giàng Sáy Dình, Trưởng bản Lý Sấy Dơ và già làng Thào Chờ Rùa đều vẫn rất sôi nổi bàn việc. Bí thư Già khẳng định: “Việc thành lập tổ tự quản sản xuất đông xuân ở mỗi dòng họ là rất cần thiết. Quan trọng nhất là chọn ai phụ trách mỗi tổ”.

Trưởng bản Lý Sấy Dơ cho rằng: “Bản ta có 5 dòng họ nên mỗi dòng họ có một tổ sản xuất”. “Theo tôi, số hộ trong mỗi dòng họ là khác nhau, chúng ta để khoảng 10 gia đình vào một tổ sản xuất là hợp lý trong quản lý và triển khai công việc. Còn tổ trưởng, tổ phó nên chọn những người có uy tín, trách nhiệm, vừa biết nói vừa biết làm” - già làng Thào Chờ Rùa bày tỏ quan điểm… Sau rất nhiều ý kiến bàn thảo nghiêm túc, đầy trách nhiệm và sâu sắc, cuối cùng, danh sách những người có uy tín sẽ được giao nhiệm vụ phụ trách tổ sản xuất đã được thiết lập.

Đồng thời, các đầu mối công việc chuẩn bị cho việc ngâm ủ mạ tập trung cũng được tính toán rõ ràng, như Bí thư Già kết luận: “Đảng viên trong chi bộ chịu trách nhiệm nhận giống từ ủy ban xã về; lực lượng dân quân lấy củi đun nước; Chi hội Phụ nữ đảm nhiệm công việc đốt củi; Đoàn Thanh niên chuẩn bị cây rơm; lực lượng cựu chiến binh chuẩn bị xô chậu để ngâm giống; cán bộ cấp ủy chi bộ và người có trọng trách của bản sẽ thay nhau giám sát các phần việc và trông chừng giống đã nhận về…”.

Ngay tối ấy là cuộc họp với các hộ dân trong bản để trực tiếp triển khai công việc tới bà con. Trưởng bản Lý Sấy Dơ nói rõ: “Những diện tích ruộng mà cấy được cây lúa vụ đông xuân thì bà con phải tích cực gieo cấy, chăm sóc để có thêm thóc lúa, không bị thiếu ăn. Nhà nước cấp giống, hỗ trợ phân bón là rất quan tâm tới bà con mình đấy”.

Một vài ý kiến xì xào sợ cây lúa không phát triển. Bí thư Sùng A Già khẳng định: “Bà con yên tâm, diện tích trong vùng quy hoạch sản xuất 2 vụ đều đã được khảo sát cả rồi, đảm bảo sản xuất được mới để bà con làm, bà con không phải lo, quan trọng là chúng ta tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật mà cán bộ hướng dẫn”. “Thế sao không cho tôi thóc giống về tôi tự ngâm ủ mạ?” - một người có ý kiến.

Trưởng bản Dờ giải thích rõ ràng: “Ngày trước, bà con lấy thóc giống tự ngâm ủ mạ nhưng có người không làm đúng kĩ thuật, mạ hỏng; có người lại để dành ít thóc giống cho vụ mùa, như vậy cũng không đúng. Ngâm ủ mạ tập trung tuy có hơi kích rích nhưng được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn trực tiếp, đảm bảo nảy mầm đẹp. Mạ đẹp rồi mỗi hộ chỉ việc lấy về cấy vào ruộng nhà mình, như thế rất đảm bảo…”.

Trưởng bản dứt lời, đâu đó là những cái gật đầu, những tiếng thừa nhận “ừ phải”, “ừ phải” thốt ra. 24 giờ đêm, bà con lục tục ra về, dường như ai cũng sẵn sàng cho việc gieo cấy lúa đông xuân. Những Bí thư Già, trưởng bản Dờ hay già làng Rùa… trở về nhà khi đã quá nửa đêm sau một ngày tích cực cho vụ đông xuân này.

Lìm Mông có diện tích quy hoạch sản xuất vụ đông khoảng 44ha. Vụ đông xuân năm ngoái gieo cấy 43ha. Đông xuân năm nay kế hoạch gieo cấy hết diện tích quy hoạch. Hóa ra, sau những con số này của bản là những công việc cụ thể, trực tiếp, chi tiết và hết sức sát sao đến từng hộ dân của Chi bộ và những người có trọng trách ở bản. Lìm Mông thế, Lìm Thái, Tà Chơ hay Ngài Thầu… - những bản làng của Cao Phạ cũng thế.

Suốt thời gian qua, Bí thư Đảng ủy xã Cao Phạ - Sùng A Dê đi lại Lìm Mông rất nhiều bận, để nắm bắt tình hình, sâu sát cùng cấp ủy Chi bộ Lìm Mông chỉ đạo triển khai sản xuất đông xuân. Khi đồng chí Sùng A Dê lên Lìm Mông thì Phó Bí thư Đảng ủy xã - Lý A Lử và Phó Chủ tịch UBND xã - Tô Văn Học đến bản Sề Sáng; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã - Vàng A Chái lại lên Ngài Thầu, Phó Chủ tịch UBND xã - Giàng A Dờ về Lìm Thái… 10 đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng ủy xã có nhiệm vụ chỉ đạo trực tiếp công tác sản xuất đông xuân ở mỗi bản, đều sát sao cơ sở.

Đồng chí Sùng A Dê cho hay: "Ở Cao Phạ, chỉ có bản Kháo Nhà là không thể sản xuất lúa đông xuân vì ở địa hình quá cao. Xã bắt đầu sản xuất đông xuân từ những năm 1994, 1995. Theo thời gian, diện tích vụ đông xuân tăng dần. Có những năm rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng đến việc gieo cấy và ảnh hưởng đến tư tưởng về sản xuất đông xuân của bà con, chúng tôi lại phải tăng cường công tác tuyên truyền hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo".

Lãnh đạo Chi bộ cùng Ban công tác Mặt trận, già làng, Trưởng bản Lìm Mông xem xét diện tích quy hoạch sản xuất vụ đông xuân.

Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016 của Đảng ủy xã Cao phạ cũng cho thấy cả sự quyết liệt trong chỉ đạo: Những hộ nào thuộc diện hộ nghèo có diện tích ruộng sản xuất được 2 vụ mà không chịu làm đông xuân thì sẽ tính là hộ thoát nghèo, không đề nghị Nhà nước hỗ trợ cho hộ đó. "Phải quyết liệt vậy bởi Đảng ủy xã xác định rõ, sản xuất đông xuân góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo ở địa phương" - Phó bí thư Đảng ủy xã Lý A Lử cho hay.
Năm 2010, Cao Phạ sản xuất 140ha lúa đông xuân, năng suất đạt 40 tạ/ha. Đến năm 2014, diện tích này tăng lên 210ha, năng suất đạt 54,7 tạ/ha. Vụ đông xuân 2015 - 2016, xã đang nỗ lực cho kế hoạch 238ha bằng một sự quyết tâm cao trong chỉ đạo, hành động, sự sâu sát của từng cán bộ có trách nhiệm từ cấp ủy, chính quyền xã đến sự vào cuộc mạnh mẽ của những người có trọng trách ở từng thôn, bản. Ngoài những yếu tố ấy, để có thể dẫn tới thành công trong sản xuất vụ đông xuân như ở Cao Phạ, còn cần đến cả những “đầu tầu gương mẫu” thực hiện cho bà con nhìn thấy, làm theo.

Ở Lìm Mông, gia đình Bí thư Chi bộ hay Trưởng bản đều là hộ đi đầu trong làm vụ đông xuân. Trưởng bản Lìm Mông - Lý Sấy Dơ kể: "Làm vụ mùa được năm chục, sáu chục bao, làm thêm vụ đông xuân nữa cũng được khoảng năm chục bao nữa. Không lo đói, lại còn có thóc bán, sắm sửa được nhiều cái khác. Mình làm, mình mới vận động được bà con chứ". Từ nhiều năm nay, Trưởng bản Dơ đã dựng lán ngay gần ruộng nhà, để tiện việc làm nông. Thóc lúa cứ chất đầy trong lán.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Dê, Cao Phạ chính là một trong hai xã sản xuất vụ đông xuân đầu tiên ở Mù Cang Chải. Ở miền xuôi, làm vụ đông xuân là điều đương nhiên trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Nhưng ở những địa phương vùng cao như Mù Cang Chải, để có những thửa ruộng vụ đông xuân xanh mạ, vàng bông là cả sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Cao Phạ thế, Nậm Có thế, hay Lao Chải, Khao Mang… cũng thế!

Thu Hạnh

Các tin khác
Cô giáo Nguyễn Thị Gấm trong giờ lên lớp.

YBĐT - “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”- đó là đánh giá, cảm nhận của lãnh đạo, bạn bè, đồng nghiệp và học sinh về cô giáo Nguyễn Thị Gấm - giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế (Lục Yên). Chị cũng là tấm gương tiêu biểu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” của ngành giáo dục huyện Lục Yên.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp -Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu và lãnh đạo xã Trạm Tấu kiểm tra sinh trưởng một số giống ngô năng suất cao được trồng khảo nghiệm tại xã Trạm Tấu. (Ảnh: Hữu Hà)

YBĐT -Loại cây vốn dĩ rất quen thuộc trong cái nghèo, một ngày vào nghị quyết của Đảng trở thành loại cây đột phá cho chiến dịch xóa đói giảm nghèo vùng cao. 

Chị Đặng Thị Hiền Thu trong giờ làm việc.

YBĐT - Những nữ thủ quỹ của ngành Tài chính, Ngân hàng dưới đây là thí dụ điển hình về những con người thanh liêm ấy.

Các cháu mẫu giáo ở điểm trường Tống Trong quây quần bên thầy giáo Thào A Tủa. (Ảnh: Quyết Thắng)

YBĐT - Chuyện giáo viên mầm non là nữ chẳng có gì lạ, bởi nghề “cô nuôi dạy trẻ” được coi là nghề dành cho phái yếu. Song, những thầy giáo mầm non mà chúng tôi được gặp tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã khiến chúng tôi phải thay đổi quan niệm về giới tính và nghề nghiệp. Chúng tôi gọi họ là những "người thầy đặc biệt” đang ngày ngày miệt mài gieo ươm những mầm non nơi vùng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục