Vũ Văn Thiệp - người hai lần vào Đảng
- Cập nhật: Thứ năm, 15/12/2016 | 8:15:44 AM
YBĐT - “Anh Thiệp là một công dân tốt, một đảng viên gương mẫu và là một người rất có tâm” - đó là lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Mạc - Bí thư Chi bộ khu phố Hoàng Hoa Thám I, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái về anh Vũ Văn Thiệp, 48 tuổi, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Thiệp - Bình.
Anh Vũ Văn Thiệp chỉ đạo công nhân dây chuyền cán kéo dây thép.
|
Đi lên từ tay trắng
Học xong THPT, năm 1988, chàng thanh niên Vũ Văn Thiệp tình nguyện đi bộ đội với khát khao trở thành một sỹ quan hải quân hoặc ít nhất là sẽ được rèn luyện trong quân đội. 3 năm sau, anh hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương - xã Trực Tuấn, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Với suy nghĩ, mình không thể ở lại quê để rồi cày cấy hai vụ chiêm, mùa mà chẳng đủ ăn, nên đầu năm 1992 anh Thiệp lên Yên Bái làm phụ việc bán hàng cho gia đình chị gái ở chợ Yên Bái. Bà con tiểu thương chợ Yên Bái ngày ấy không quên chàng thanh niên ăn nói có duyên, chịu khó và tốt bụng. Chính những đức tính ấy của Thiệp đã chiếm được cảm tình của mọi người và đó cũng là yếu tố để anh có mối lái buôn bán sau này.
Đặc biệt là, ở đây anh đã có cơ duyên để anh “lấy được trái tim” của cô gái Kim Thanh Bình - người vợ đảm cùng anh xây dựng tổ ấm. Vợ chồng Thiệp - Bình gom góp, vay mượn mở một cửa hàng phụ tùng xe đạp ở chợ Yên Bái để buôn bán. Với phương châm “mua tận gốc, bán tận ngọn”, anh Thiệp không quản ngại đường xa, đến các cơ sở sản xuất kinh doanh lớn ở Hà Nội, Nam Định, Hà Tây, Bắc Ninh để mua hàng về bán. Đặc biệt, anh tuân thủ phương châm “buôn bán trung thực” nên cửa hàng của anh luôn tấp nập người mua. Để rồi, 3 năm sau, vợ chồng Thiệp - Bình đã có tiền mua được ngôi nhà lớn ngay cổng chợ Yên Bái mở cửa hàng sắt. Thành công tiếp tục đến với những người chăm chỉ và biết chắt chiu. Đến năm 1998, anh chị Thiệp - Bình đã mua được một cơ sở lớn trên đường Hoàng Hoa Thám để mở cửa hàng sắt và hàng vật liệu nhôm, nhựa.
Anh Thiệp cho biết, đấy là quyết định hết sức đúng đắn vì muốn làm lớn không thể quanh quẩn khu chợ được và nhờ thế mà Thiệp - Bình đã trở thành một thương hiệu lớn cung cấp hàng kim khí, điện máy và nhôm định hình, inox… ở thành phố Yên Bái và khắp các huyện, thị trong tỉnh. Cuối năm 2013, Thiệp - Bình gây “tiếng vang” lớn khi mua lại gần hết diện tích bến xe Yên Bái cũ (tiếp giáp với cơ sở hiện có) để mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh của mình lên đến hàng nghìn mét vuông. Khi đã thành công trên lĩnh vực thương mại, Thiệp - Bình chuyển sang sản xuất.
Anh tâm sự: “Việc buôn bán đã vào nề nếp, 25 nhân viên đã thạo việc, tôi quyết định đầu tư mấy tỷ đồng để mua vài máy dệt lưới thép, mấy cái máy rập đinh và dây chuyền cán kéo dây thép các cỡ. Đầu tư nhỏ nhưng lại hiệu quả. Hàng làm ra đảm bảo chất lượng, giá thành hạ so với hàng nhập từ Trung Quốc nên đã đi ngay vào được thị trường. Với 15 công nhân tuyển vào làm, lương từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, thế là mừng rồi!”.
Câu nói “thế là mừng rồi” của anh Thiệp đã gây ấn tượng với tôi. Nó ẩn chứa sự điềm đạm, chắc chắn, an toàn nhưng rất mạnh mẽ, bởi hình thành trong một con người đi lên từ bàn tay trắng và giờ đã có được sự thành công như Thiệp - Bình. Không ít doanh nhân am hiểu thương trường Yên Bái đã thừa nhận “Rất khó cạnh tranh được Thiệp - Bình, dù mạnh tới đâu, đi trước bao xa”.
9 năm phấn đấu để được Đảng kết nạp lần hai
Rất nhiều người sẽ bất ngờ để rồi khâm phục khi biết chuyện một anh ngồi chợ bán hàng phụ tùng xe đạp mà miệt mài phấn đấu suốt 9 năm trời để được kết nạp Đảng, nhưng đây là câu chuyện rất thật về trường hợp đảng viên Vũ Văn Thiệp.
Trong môi trường quân đội, chiến sỹ Vũ Văn Thiệp đạt nhiều thành tích và rất có chí hướng, nên tháng 11 năm 1990 anh đã vinh dự được kết nạp vào Đảng, khi ấy anh mới 19 tuổi. Chưa đầy một năm sau, Vũ Văn Thiệp hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Hồ sơ quân nhân và hồ sơ đảng viên đều ghi rõ “là đảng viên dự bị”.
Anh Thiệp kể lại: “Chuyện sẽ chẳng có gì nếu tôi ở lại địa phương và tham gia sinh hoạt tại Chi bộ Đông Thành, Đảng bộ xã Trực Tuấn. Nhưng vì ở quê nghèo đói quá, tôi lên Yên Bái làm thuê kiếm sống, không duy trì sinh hoạt thường xuyên và nhất là không theo học lớp đảng viên mới với thời gian 3 tháng ở huyện Trực Ninh được. Lá đơn xin thôi không sinh hoạt Đảng gửi về quê, tôi đã viết trong nước mắt. Tôi nói thế, chắc ít người tin, nhưng đó là sự thật, vì tôi hiểu về Đảng, tôi có lý tưởng và tôi rất tiếc quãng thời gian miệt mài phấn đấu khi ở trong quân ngũ”.
Một góc cơ sở sản xuất Thiệp - Bình.
Khi cuộc sống đã ổn định trên quê mới - phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, năm 2000, anh Vũ Văn Thiệp đã đến gặp các đồng chí trong Chi bộ khu phố để bày tỏ nguyện vọng muốn phấn đấu để trở thành đảng viên của mình. Lời tâm sự: “Vì cuộc sống khó khăn mà phải làm đơn thôi không sinh hoạt Đảng, thực sự là nỗi buồn trong cuộc đời” mà anh Thiệp bày tỏ, đã khiến không ít đồng chí đảng viên mến phục. Chi ủy khu phố nhận thấy anh là một tiểu thương gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, gia đình thuận hòa, hạnh phúc, có tâm nguyện vào Đảng, nhiệt tình với mọi công việc chung và có trí hướng phấn đấu như thế thì xứng đáng được kết nạp Đảng lắm. Tiếc là, lần nào chi bộ đưa ra thảo luận, đánh giá, nhận xét thì lại xuất hiện ý kiến: “Anh đó đã bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên rồi, có nên kết nạp lại không?”; “Phải làm rõ, động cơ vào Đảng có phải vì vụ lợi gì không?”… Thế là suốt 8 năm trời, chuyện vào Đảng của anh Thiệp chỉ dừng lại ở phần lấy ý kiến của Chi ủy.
“Tôi thấy mình hoàn toàn có đủ tư cách, phẩm chất để trở thành người đảng viên nhưng không được kết nạp. Những lúc ấy, tôi thấy buồn lắm nhưng không tiêu cực mà tiếp tục phấn đấu, để rồi sang năm thứ 9, chính những đồng chí phản đối trước đây, nay lại đề nghị Chi bộ kết nạp tôi vào Đảng”- anh Thiệp kể lại. Tháng 11 năm 1999, Chi bộ phố Hồng Phú, phường Hồng Hà tổ chức lễ kết nạp rất “đặc biệt” cho đồng chí Vũ Văn Thiệp vào Đảng. Vậy là, sau 9 năm miệt mài phấn đấu, Vũ Văn Thiệp đã lại được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đồng chí Bí thư Đảng ủy phường cùng rất nhiều đảng viên lão thành đã tới chúc mừng anh lần thứ hai được kết nạp Đảng.
Có mặt tại cơ sở sản xuất kinh doanh của Thiệp - Bình, xem anh chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, mới thấy anh là người có tài. Nghe anh động viên, nhắc nhở công nhân tuân thủ quy trình sản xuất, phòng tránh tai tệ nạn, nhất là tệ nạn xã hội, chi tiêu tiết kiệm, dành dụm tiền bạc cho tương lai, mới thấy anh là người có tâm. Càng quý hơn khi biết anh rất nhiệt tình công việc phường phố, sẵn lòng giúp đỡ mọi người.
Những ngày cuối năm, dù công việc kinh doanh khá bận rộn nhưng anh vẫn cố gắng bố trí thời gian để tham gia các hoạt động tổng kết công tác năm 2016 chi hội cựu chiến binh, tổng kết chi bộ Đảng của khu phố nơi anh là một trong những thành viên tích cực nhất.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Từng có thời hoàng kim “ăn nên làm ra” và tay đút túi quần ngày cũng có tiền triệu. Vậy mà, chàng trai tên Trần Hữu Hưng, sinh năm 1978 lại "đột ngột" bỏ đô thị nhộn nhịp ở tỉnh Hưng Yên lên với xã miền núi Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Ai cũng cho rằng, Hưng bị “hâm”, “gàn dở” nhưng sau hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất này, anh đã có một gia đình hạnh phúc cùng mô hình nuôi vịt bán trứng thương phẩm cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
YBĐT - Ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên có 3 thôn Tĩnh Hưng, Khe Năm, Đát Quang được tiếng chăm chỉ làm ăn. Dân địa phương thường gọi đây là vùng Tĩnh - Mỹ - Hưng, nơi có 36% số dân của xã sinh sống.
YBĐT - Trong tổng số 50 vạn thanh niên xung phong (TNXP) trên khắp mọi miền Tổ quốc, tỉnh Yên Bái có gần 1.300 hội viên (chưa tính gần 1.000 hội viên của 2 đơn vị mới được công nhận là TNXP) đã có 46 ngàn đồng chí bị thương, trên 10 ngàn đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học và 10 ngàn đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi xuân phơi phới.
YBĐT - Trên 50.000 hộ gia đình; trên 1.000 làng, thôn, bản, tổ dân phố; 300 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá và hàng trăm gương điển hình tiêu biểu của các tổ chức, cá nhân trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được tuyên dương, nhân rộng.