Cuộc sống mới nơi non cao Trạm Tấu
- Cập nhật: Thứ năm, 22/12/2016 | 8:13:57 AM
YBĐT - Ông Lao bồi hồi tâm sự thêm: “Ngày xưa cũng chỉ vì thách cưới mà 2 vợ chồng mình đã phải làm lụng vất vả hàng chục năm mới trả hết nợ nên khi có chủ trương xây dựng nếp sống mới mình thấy rất phù hợp và áp dụng luôn”.
Cô dâu, chú rể người dân tộc Mông (Trạm Tấu) nhận chén rượu chúc phúc từ người thân trong gia đình.
|
Vùng cao Trạm Tấu khi ánh hoàng hôn đã bao phủ khắp các triền đồi, vang vọng các bản làng là tiếng cười nói, đùa vui sau một ngày lao động hăng say. Bên ánh lửa hồng bập bùng, tôi được các già làng, trưởng bản kể cho nghe về những câu chuyện, những tập tục văn hóa đậm đà bản sắc của người Mông.
Đặc biệt, trong tập tục cưới hỏi đã có nhiều đổi mới. Nhờ sự đồng lòng của người dân, nhiều hủ tục đã được xóa bỏ, đám cưới tổ chức trên tinh thần tự nguyện, không còn tục thách cưới cao.
Mùa cưới của người Mông là mùa xuân, khi núi đồi rực rỡ sắc hồng của đào, sắc trắng của hoa tớ dày đua nở. Đám cưới của người Mông có rất nhiều tập tục lạc hậu truyền từ đời này sang đời khác. Trước đây, vào mùa cưới hình ảnh những chàng trai khỏe mạnh đi kéo các cô gái về làm vợ, có khi cả những bé gái mới 13, 14 tuổi là chuyện không hiếm.
Và khi đám cưới diễn ra điều khiến nhiều người ám ảnh nhất là tục thách cưới, theo đó nhà gái sẽ thách cưới một hũ bạc trắng, vài con trâu, bò đáng giá bằng cả cơ ngơi mà người Mông phải gây dựng cả đời cũng không có được. Sau này khi bạc trắng không còn sử dụng thì nhà gái thách cưới bằng tiền mặt, thường là từ 30 đến 40 triệu đồng.
Không những vậy, mỗi đám cưới đều được tổ chức linh đình, bao nhiêu trâu, bò, gà lợn đều đem mổ thịt, làm cỗ. Trai bản say sưa trong điệu khèn, điệu sáo, rộn ràng cả một khoảng trời vùng cao, cỗ bàn la liệt trong 3, 4 ngày. Sau mỗi một đám cưới, với gia đình giàu có thì cũng vơi dần tài sản còn những gia đình không có điều kiện thì nợ nần chồng chất, có những gia tộc chỉ vì hủ tục thách cưới mà hết đời này sang đời khác phải nai lưng ra làm vẫn chưa trả được nợ. Vì vậy cái đói, cái nghèo cứ thế đeo đuổi.
Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước, của quá khứ còn giờ đây mọi chuyện đã thay đổi. Hôm nay, tới vùng cao Trạm Tấu trong câu chuyện của chính những người Mông nơi đây, chúng tôi thấy niềm vui hiển hiện trên từng khuôn mặt, họ vui và tự hào bởi đã góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để đời sống được ấm no hơn. Trên các bản làng là những mùa vàng no ấm, thóc lúa đầy bồ. Trạm Tấu đã “trở mình” đổi thay, không còn cảnh nghèo đói quanh năm. Sự đổi thay này là thành quả trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có việc xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong đám ma, đám cưới để không còn rườm rà, phức tạp mà chỉ diễn ra trong 1 đến 2 ngày.
Nhấp ngụm trà nóng trong thời tiết giá lạnh của vùng cao, ông Mùa A Lao - người có uy tín của bản ở thôn Đầu Cầu, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu phấn chấn nói với chúng tôi: “Giờ người Mông mình tân tiến rồi cán bộ à, không thách cưới như trước đâu. Chẳng riêng gì bản mình, cả bản trên, bản dưới đều thế mà!”.
Vừa chuyện ông Lao vừa chỉ tay về phía cô gái đang chăm chỉ ngồi thêu váy trên nhà bảo: “Đấy là con dâu út của mình, vợ chồng nó mới cưới nhau được một tháng thôi. Nghe theo lời cán bộ vận động gia đình mình tổ chức đám cưới cho các con đều theo nếp sống mới, đám cưới chỉ diễn ra trong 1 ngày, mời bà con họ hàng đến ăn uống 1 - 2 tiệc là kết thúc. Nhờ làm đám cưới tiết kiệm mà chúng nó cưới xong mình còn cho chúng tiền làm vốn, rồi trâu, bò, dê để chúng nó ra riêng lấy vốn làm ăn đấy!”.
- Việc người Mông mình thay đổi cả một tập tục đã ăn sâu vào tiềm thức có khó khăn nhiều không ông? Tôi hỏi.
- Lúc đầu cũng khó khăn lắm, chị ạ! Cán bộ về tuyên truyền, vận động dân mình không nghe đâu. Mình là già làng mình phải gương mẫu trước. Mấy đứa con của mình tất cả đều tổ chức đám cưới theo nếp sống mới, riêng con gái mình vẫn lấy sính lễ nhưng chỉ lấy gọi là cho phải đạo để cúng tổ tiên thôi, đứa nào cũng chỉ tổ chức cưới có 1 ngày. Thấy ý nghĩa, không tốn kém nên giờ cả bản ai cũng thực hiện vậy cả.
Dường như là sự thấm thía với cuộc đời mình, ông Lao bồi hồi tâm sự thêm: “Ngày xưa cũng chỉ vì thách cưới mà 2 vợ chồng mình đã phải làm lụng vất vả hàng chục năm mới trả hết nợ nên khi có chủ trương xây dựng nếp sống mới mình thấy rất phù hợp và áp dụng luôn”.
Tạm biệt gia đình ông Mùa A Lao, trong cái se lạnh của buổi đêm vùng cao, chúng tôi tới thăm chị Giàng Thị Bầu, sinh năm 1992, thôn Đầu Cầu vừa tổ chức lễ cưới được mấy tháng.
Khi được hỏi về chuyện cưới xin, chị Bầu tâm sự: “Chúng em tình cờ quen nhau trong một lần đi chơi hội, thấy ưng cái bụng thế là tìm hiểu nhau, tới lúc thấy hợp nhau, thương nhau thì xin phép bố mẹ cho làm đám cưới. Nghe những câu chuyện bố, mẹ kể về tập tục thách cưới ngày trước, tốn kém lại được các cán bộ tuyên truyền về nếp sống văn hóa mới chúng em xin phép bố mẹ làm đám cưới nhỏ gọn, chỉ mời anh em, họ hàng và làng xóm thân thiết. Bố mẹ hai bên cũng hiểu, bên gia đình nhà bố mẹ đẻ em cũng không thách cưới gì hết, chỉ xin một ít tiền, mấy lít rượu, con gà gọi là để trình tổ tiên. Giờ vợ chồng em chỉ lo làm ăn. Mà nhà báo ơi, ở đây cả bản, cả xã thanh niên đều như vậy, không thách cưới như ngày xưa đâu chị ạ!”.
Từ chuyện đám cưới rồi sang chuyện làm ăn, câu chuyện với chị Bầu mỗi lúc một rôm rả. Lấy nhau, vợ chồng chị Bầu được bố mẹ cho một đàn dê, một con trâu để làm vốn, đồ dùng trong nhà cũng được sắm sửa tươm tất. Tôi biết vợ chồng chị Bầu đang rất hạnh phúc, điều đó ánh lên qua đôi mắt và nụ cười nụ cười như say men tình yêu, hứa hẹn về một tương lai tương sáng.
Những câu chuyện, những lời tâm sự của người dân nơi đây đã cho tôi hình dung ngày càng rõ nét về sự chuyển biến từ trong nhận thức tới hành động của các thế hệ đi trước cho đến thế hệ trẻ ngày nay.
Cùng với Xà Hồ, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trạm Tấu những năm gần đây đều thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa. Tại xã Bản Mù, nơi có gần 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, qua đồng chí Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã được biết: “Bản Mù giờ đã xóa bỏ hoàn toàn tục thách cưới, không còn tổ chức ăn uống nhiều ngày, không còn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Con trai 20 tuổi, con gái 18 tuổi mới xây dựng gia đình".
"Có được kết quả này là nhờ được cán bộ tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa, cưới hỏi tiết kiệm, chúng nó ưng nhau, tìm hiểu mới lấy nhau chứ không còn tục cướp vợ, mà tổ chức đám cưới cũng không thách cưới đến 4, 5 con trâu bò, 30 bạc trắng hay tổ chức linh đình 3, 4 ngày như trước nữa. Nhà nào ít tiền thì làm vài mâm cỗ gọi là ra mắt tổ tiên, có nhiều tiền thì mời anh, em họ hàng, bà con hàng xóm thân thiết đến chung vui” - Chủ tịch Lù chia sẻ.
Cùng với công tác tuyên truyền huyện Trạm Tấu đã rất chú trọng đến vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín, họ vừa là người tuyên truyền cũng luôn là những tấm gương sáng thực hiện nếp sống văn minh trong ma chay, cưới hỏi. Nhờ đó, đến nay, cả 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa mới đặc biệt trong việc cưới, việc tang.
Có được thành công này chính là nhờ sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Hàng năm tại các thôn bản, nhân dân đều tự giác thực hiện nghiêm các quy định trong hương ước, quy ước về tổ chức đám ma, đám cưới, lễ tết, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, không thách cưới, không ăn uống linh đình…
Từ năm 2007 đến hết năm 2015 trên địa bàn huyện có 1.062 đám cưới thực hiện theo nếp sống mới. Những thủ tục, nét đẹp truyền thống trong đám cưới người Mông vẫn được lưu giữ song giờ đây đã được thực hiện đơn giản hơn trước. Nhờ đó, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết cộng đồng dân tộc.
Trạm Tấu giờ đây đã đổi thay nhiều lắm, dù những hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc đây đó vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, gia đình nhưng về cơ bản không ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân. Những đổi thay này đã tác động tích cực đến việc xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Tạm biệt Trạm Tấu khi đất trời đã dần chuyển ấm áp, với kết quả đã làm được trong những năm qua, chúng tôi tin tưởng nơi đây sẽ có một tương lai tương sáng, no ấm, hạnh phúc, xóa bỏ hoàn toàn những tập tục lạc hậu.
Lê Thương
Các tin khác
YBĐT - “Anh Thiệp là một công dân tốt, một đảng viên gương mẫu và là một người rất có tâm” - đó là lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Mạc - Bí thư Chi bộ khu phố Hoàng Hoa Thám I, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái về anh Vũ Văn Thiệp, 48 tuổi, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Thiệp - Bình.
YBĐT - Từng có thời hoàng kim “ăn nên làm ra” và tay đút túi quần ngày cũng có tiền triệu. Vậy mà, chàng trai tên Trần Hữu Hưng, sinh năm 1978 lại "đột ngột" bỏ đô thị nhộn nhịp ở tỉnh Hưng Yên lên với xã miền núi Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Ai cũng cho rằng, Hưng bị “hâm”, “gàn dở” nhưng sau hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất này, anh đã có một gia đình hạnh phúc cùng mô hình nuôi vịt bán trứng thương phẩm cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
YBĐT - Ở xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên có 3 thôn Tĩnh Hưng, Khe Năm, Đát Quang được tiếng chăm chỉ làm ăn. Dân địa phương thường gọi đây là vùng Tĩnh - Mỹ - Hưng, nơi có 36% số dân của xã sinh sống.
YBĐT - Trong tổng số 50 vạn thanh niên xung phong (TNXP) trên khắp mọi miền Tổ quốc, tỉnh Yên Bái có gần 1.300 hội viên (chưa tính gần 1.000 hội viên của 2 đơn vị mới được công nhận là TNXP) đã có 46 ngàn đồng chí bị thương, trên 10 ngàn đồng chí bị nhiễm chất độc hóa học và 10 ngàn đồng chí đã anh dũng hy sinh khi tuổi xuân phơi phới.