Táng Khờ ngày mới
- Cập nhật: Thứ ba, 24/1/2017 | 9:16:07 AM
YBĐT - Những câu chuyện về một Làng Lao xa tít, biệt lập với thế giới bên ngoài và căn bệnh lạ, chuyện chạy “ma” mùa nứa khuy ở thôn người Mông xa nhất, khó khăn nhất xã Cát Thịnh, mới đó vài chục năm thôi mà giờ đã nghe như cổ tích. Người Mông thôn Làng Lao đã thực sự đổi đời từ sau cuộc “cách mạng” hạ sơn năm 2011 của huyện Văn Chấn. Cuộc sống đang hồi sinh nơi bản định cư mới và cuộc đời bao người Mông ở Làng Lao cũng đổi thay từ đây...
Lũ trẻ tung tăng trên con đường bê tông về bản.
|
Hết cảnh “3 không”
Nói như anh Sa Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh thì Làng Lao bây giờ đã hết cảnh “3 không”: không đường, không trường, không trạm. Bản Táng Khờ gồm Táng Khờ 1 và Táng Khờ 2 là bản định cư mới của 70 hộ người Mông với hơn 460 khẩu của thôn Làng Lao cũ hạ sơn, được lập lên cách trung tâm xã Cát Thịnh gần 7 km.
Năm 2016, con đường lên Táng Khờ đã và đang được Nhà nước quan tâm đầu tư mở rộng và bê tông hóa, giúp nối gần bản định cư Táng Khờ với các thôn, bản trong xã, mở ra hoạt động giao thương hàng hóa với các địa phương trong vùng. Năm 2013, với sự hỗ trợ, chia sẻ của các nhà hảo tâm, nhân dân thôn Làng Lao đã làm được 7 km đường từ khu định cư Táng Khờ 2 lên khu sản xuất của làng cũ. Việc đi lại, vận chuyển các sản phẩm nuôi trồng của nhân dân về bản định cư mới không còn khó khăn như trước.
Trường học cho con em đồng bào cũng đã được xây dựng ngay gần bản. Người dân được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước như: vay vốn học sinh, sinh viên; vay vốn phát triển kinh tế, vốn xóa đói giảm nghèo; vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội làm nhà 167; hỗ trợ tấm lợp để làm nhà ở; hỗ trợ san tạo mặt bằng nơi ở mới; hỗ trợ tiền làm thủy điện nhỏ, hỗ trợ téc nước... Cuộc sống của người Mông nơi đây đã bớt đi nhiều cái không.
Nhớ lại gần chục năm trước, lên Làng Lao là cả một thử thách, nhất là vào những ngày mưa. Bởi chẳng có gì thay thế nổi đôi chân cuốc bộ. Con đường độc đạo từ thị tứ Ba Khe lên Làng Lao xa lắc với những lối mòn cheo leo trên đỉnh các ngọn núi, miệng vực, lòng khe. Chỗ rộng nhất chỉ khoảng 80 cm, chỗ hẹp chỉ vừa một người đi. Nhiều đoạn dốc đầu gối chấm trán, nhiều đoạn đường chỉ là mấy cây gỗ gá ngang qua miệng vực, sảy chân là nguy hiểm khôn lường. Anh Huy bảo: “Bẻ que rừng mà đếm thì lên đến Làng Lao phải đi qua tất cả hơn 60 khe suối lớn, nhỏ. Ngựa và nhiều vật nuôi khác không thể đi nhưng con đường này vẫn là sợi dây duy nhất để người Mông Làng Lao kết nối thông tin, giao thương với thế giới bên ngoài. Cũng bởi Làng Lao không đường, không trường, không trạm và không có điện, cuộc sống lại chủ yếu là tự túc tự cấp nên cả thôn đều là hộ nghèo”...
Đất khó đã hồi sinh
Bản Táng Khờ qua mấy mùa hạ sơn, cuộc sống của người dân đã ổn định. Cả bản đã khai hoang được 8 ha ruộng nước; trồng được 60 ha rừng kinh tế; đàn trâu, bò bước đầu phát triển với gần 200 con; đàn lợn gần 1.000 con. Nhà nào cũng chăn nuôi tuy quy mô chưa lớn. Có nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi dê, nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế. Như gia đình ông Chảo Sáo Dua, khu Táng Khờ 1 – một trong những gia đình được xem là khá nhất ở bản đã trồng được hơn 10 ha rừng kinh tế là bồ đề và quế, kết hợp phát triển chăn nuôi gần chục con lợn thịt, 10 con trâu, bò sinh sản. Mỗi năm ông bán đi một đến hai con bò để trang trải sinh hoạt.
Năm nay được mùa, gia đình ông và nhiều hộ khác trong bản rủng rỉnh thóc nếp, thóc tẻ, ngô, sắn. Tết này, ông Dua đã chuẩn bị sẵn 2 con lợn béo để tạ ơn tổ tiên, cũng để cháu con sum vầy đoàn tụ hưởng trọn vẹn niềm vui sau một năm làm lụng vất vả. Hạ sơn muộn hơn nhiều hộ khác ở khu Táng Khờ 1, đón cái tết thứ 3 cùng gần 40 hộ trong khu, anh Sùng Vảng Khoa đã làm được cho gia đình ngôi nhà mới khang trang sau nhiều năm chặt cây góp gỗ, chắt chiu tiền bạc.
Anh Khoa bảo: “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, cuộc sống của bà con bây giờ sướng hơn trước nhiều. Đường mở rộng rồi, xe máy chạy về tận nhà. Xuống xã, xuống chợ cũng chỉ mất chưa đến một tiếng đồng hồ. Bà con chỉ còn mong Nhà nước sớm cho kéo điện sáng về bản nữa là cuộc sống hết khổ...”
Đứng trên đỉnh con dốc đỏ nhìn xuống bản định cư Táng Khờ, cuộc sống thật bình yên. Trước sân, ngôi nhà nhỏ của Bí thư Chi bộ Vàng A Tếnh – người đảng viên đầu tiên của Chi bộ thôn Làng Lao, lá cờ Tổ quốc như đuốc lửa hồng bay cao trong gió.
Ông bảo: “Dân bản sống tập trung thành khu, chi bộ và các đoàn thể được củng cố, kiện toàn hoạt động hiệu quả. Cái quan trọng nhất bây giờ là tuyên truyền, vận động để đồng bào thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nâng cao trình độ thâm canh, biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển chăn nuôi hàng hóa, trồng rừng kinh tế. Có thế kinh tế mới vững, người dân mới giàu”.
Mong ước ngàn đời của người dân Làng Lao về một con đường thì đường lớn đã mở về tận trung tâm thôn. Ước mơ có điện cũng sẽ không quá xa vời. Và tôi tin, với định hướng phát triển kinh tế đúng, phù hợp của địa phương, một ngày không xa, rừng Làng Lao sẽ làm giàu cho chính người dân đất này...
Minh Thúy
Các tin khác
YBĐT - Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Bí thư Chi đoàn thôn Đại Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên với sản phẩm bếp nóng lạnh Huỳnh Phát vừa được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái tuyên dương là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2016. Sinh năm 1993, ông chủ 9x giờ đã có trong tay tiền tỷ với hệ thống 6 cơ sở sản xuất và cửa hàng cung cấp sản phẩm bếp Huỳnh Phát trên địa bàn tỉnh Yên Bái, thành phố Hà Nội và Lào Cai.
YBĐT - Đến với bộ môn cầu lông ở tuổi 30 đơn giản chỉ là để rèn luyện sức khỏe song có lẽ năng khiếu trời sinh và cái duyên với giải đã đưa chị Hoàng Thị Mai Hòa - giáo viên Mỹ thuật của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình trở thành vận động viên (VĐV) tên tuổi trong làng thể thao của tỉnh Yên Bái nói riêng. Đặc biệt, tại các giải thể thao gia đình toàn quốc, nhiều năm liên tục, gia đình chị luôn giành được những bộ Huy chương Vàng (HCV) danh giá…
YBĐT - Là một trong số 62 huyện nghèo của cả nước, Trạm Tấu có trên 31.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 75%.
YBĐT - Vượt qua đèo Din, chúng tôi về xã Đại Lịch anh hùng nơi vừa mới đây thôi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã tưng bừng, phấn khởi ra mắt xã nông thôn mới. Tất cả đã đổi thay, từ những con đường, dòng mương, những nếp nhà khang trang bên cánh đồng hay vạt đồi xanh ngắt của đồng bào người Tày, người Kinh... Cuộc sống mới, ngày mới đang về trên quê hương người anh hùng, liệt sỹ Hoàng Văn Thọ.