Đại Lịch ngày mới
- Cập nhật: Thứ ba, 27/12/2016 | 8:15:27 AM
YBĐT - Vượt qua đèo Din, chúng tôi về xã Đại Lịch anh hùng nơi vừa mới đây thôi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã tưng bừng, phấn khởi ra mắt xã nông thôn mới. Tất cả đã đổi thay, từ những con đường, dòng mương, những nếp nhà khang trang bên cánh đồng hay vạt đồi xanh ngắt của đồng bào người Tày, người Kinh... Cuộc sống mới, ngày mới đang về trên quê hương người anh hùng, liệt sỹ Hoàng Văn Thọ.
Gia đình anh Trần Văn Phùng ở thôn 10, xã Đại Lịch phát triển kinh tế từ cây cam sành, quýt sen, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. (Ảnh: Ngọc Đồng)
|
Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ
Trên đường cùng chúng tôi tới thăm thôn Bằng Là, Thanh Tú, Đồng Mè, Khe Mơ, Khe Liền, Thanh Bồng..., đồng chí Phạm Tuấn Anh - Chủ tịch xã Đại Lịch chuyện: “Đại Lịch là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, cách trung tâm huyện 40 km. Xã có 1.180 hộ, 4.556 nhân khẩu với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đại Lịch có tiềm năng lớn về đất đai, về lao động. Trước đây, kết cấu hạ tầng còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, tư duy sản xuất lạc hậu nên kinh tế của xã chưa phát triển xứng tầm. Thu nhập chính của người dân chỉ từ sản xuất nông nghiệp nên đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Khi đó, đội ngũ cán bộ xã luôn đau đáu làm sao để phát huy lợi thế của địa phương, xây dựng Đại Lịch ngày càng phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng lên”.
Thực tế, trong điều kiện của một xã sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả kinh tế còn thấp, thiếu bền vững, nghề, làng nghề sản xuất không ổn định, nhất là nguồn vốn ngân sách hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn còn hạn hẹp trong khi khả năng đóng góp của người dân nông thôn có hạn, Đại Lịch xác định vừa kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ qua các kỳ đại hội Đảng bộ xã, mặt khác tranh thủ tối đa mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời từng bước nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm nòng cốt trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội xây dựng đời sống mới của địa phương.
“Thông qua công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là triển khai nghiêm túc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên” - đồng chí Chủ tịch UBND xã chia sẻ những điều tâm huyết.
Quả thật, công tác cán bộ là khâu quan trọng nhất nên Đảng bộ thực hiện nghiêm việc quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ đúng theo quy định đã đề ra. Mặt khác tăng cường đào tạo, nâng cao, lựa chọn cán bộ kỹ càng cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt… Qua đó, cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đại Lịch đã có nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội địa phương như thôn Thanh Tú, thôn Đồng Mè…
Xã phát triển
Có được đội ngũ cán bộ tốt với nhận thức phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu cốt lõi trong công tác phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở Đại Lịch với nhiều giải pháp đồng bộ trong phát triển kinh tế, xã hội đã tập trung chỉ đạo vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế tổ hợp tác, xây dựng các mô hình kinh tế mang thế mạnh của địa phương. Đại Lịch quy hoạch và chia làm 5 vùng phát triển kinh tế theo tiềm năng phát triển của từng vùng.
Khu vực thôn Khe Làng, thôn Kè có tiềm năng thế mạnh về phát triển sản xuất chuyên canh rau an toàn, chuyên canh hoa, cây ăn quả khác. Các thôn: Bằng Là, Khe Liền, Đồng Mè… phát triển mạnh về trồng rừng kinh tế như keo, bồ đề, quế. Thôn 9 phát triển mạnh về thủy sản. Các thôn: Thanh Tú, Khe Mơ, Thanh Bồng… phát triển mạnh về tiểu thủ công nghiệp, mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh, các hộ thương mại cá thể. Thôn 11, 13 phát triển thế mạnh trồng cây công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp được quan tâm và có bước phát triển. Xã duy trì sản xuất 217 ha lúa 2 vụ với việc đưa vào thâm canh các giống lúa lai, lúa thuần.
Hiện tổng sản lượng lương thực của Đại Lịch đạt trên 3.500 tấn/năm, bình quân lương thực đạt 730kg/người/năm. Toàn xã đã có 40 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, quýt, vải thiều, duy trì 375 ha chè kinh doanh… Mặt khác, trong 5 năm gần đây (2011 - 2015), xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện và Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn tổ chức mở các lớp dạy nghề ngắn hạn tại địa phương, đồng thời tạo điều kiện cho lao động đi làm tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn và các tỉnh thành khác hoạt động và thu hút lực lượng lao động của địa phương có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập từ lao động tại chỗ cho người dân. Hiện, trên 90% lao động địa phương có việc làm thường xuyên. Từ việc nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quần đầu người năm 2010 là 15 triệu đồng/người nay tăng lên 22 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,9%.
Trong những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ tỉnh và huyện, người dân Đại Lịch đã tích cực phát triển các mô hình kinh tế như: trồng thanh long, chanh tứ thì… Ngoài việc thực hiện theo các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm, nhân dân trong xã còn tích cực phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn gà, vịt... Vừa tranh thủ kiểm tra đàn lợn, ông Hoàng Đình Hạnh ở thôn 14 vừa cho chúng tôi biết: “Chăn nuôi lợn đã 15 năm nhưng gần 2 năm nay gia đình tôi mới mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi. Được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật, động viên, đến nay gia đình có gần 100 con lợn. Chuồng trại được kiên cố hóa, trung bình mỗi năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu về trên 150 triệu đồng”.
Đồng chí Hà Thị Kim Cương - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm: “Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên Đại Lịch hôm nay đã có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Ngoài gia đình ông Hạnh làm giàu từ chăn nuôi còn có gia đình anh Trần Văn Phùng ở thôn 10, xã Đại Lịch phát triển kinh tế từ cây cam sành, quýt sen, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng; hộ gia đình anh Hoàng Tiến Công, thôn 4 mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ chế biến gỗ rừng trồng... Ở Đại Lịch, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh có hiệu quả”.
Đến Đại Lịch hôm nay ai cũng cảm nhận được một xã nông thôn mới thay đổi rõ rệt. Đường làng ngõ xóm phong quang sạch đẹp, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Mấy năm qua, cùng với các nguồn vốn của Nhà nước, của doanh nghiệp, người dân Đại Lịch đã đóng góp trên 10.000 ngày công, trên 47.000 m2 đất và gần 10 tỷ đồng để tu sửa, mở mới, cứng hóa các tuyến đường trong thôn. 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 85% đường trục thôn, liên thôn, 78% đường ngõ xóm, 59% đường trục chính nội đồng được cứng hóa; hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh, 70% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hoá… Bên cạnh đó, các vấn đề xã hội cũng được Đại Lịch quan tâm.
Hiện Đại Lịch đã huy động 100% trẻ trong độ tuổi đến trường, duy trì chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được người dân tích cực hưởng ứng với 100% thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước, 13/15 thôn, bản được huyện công nhận đạt chuẩn văn hóa, hàng năm có trên 85% số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa…
Nông thôn mới ở Đại Lịch đã hiện hữu và mang lại nhưng đổi thay rõ rệt. Thành công này được bắt đầu từ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục đặc biệt có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên, phân cấp, quản lý, cụ thể, rõ ràng, không để tình trạng né tránh, tập trung lãnh đạo với phương châm “dễ làm trước khó làm sau”; thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng “Lấy sức dân để lo cho dân”. Từ đó, nội lực của đội ngũ cán bộ đảng viên và nhân dân trong xã được phát huy cùng thi đua lao động sản xuất xây dựng Đại Lịch ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Khánh Linh
Các tin khác
YBĐT - Chẳng phải ngẫu nhiên anh nông dân hiền lành chất phác Bùi Sỹ Tới chỉ học hết trung học cơ sở lại vinh dự được Thủ tưởng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác của các bộ, ngành trung ương, địa phương. Anh đã có những sáng kiến đóng góp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm máy cày mi ni canh tác trên địa hình ruộng bậc thang, đồi núi cao.
YBĐT - Ông Lao bồi hồi tâm sự thêm: “Ngày xưa cũng chỉ vì thách cưới mà 2 vợ chồng mình đã phải làm lụng vất vả hàng chục năm mới trả hết nợ nên khi có chủ trương xây dựng nếp sống mới mình thấy rất phù hợp và áp dụng luôn”.
YBĐT - “Anh Thiệp là một công dân tốt, một đảng viên gương mẫu và là một người rất có tâm” - đó là lời nhận xét của ông Nguyễn Văn Mạc - Bí thư Chi bộ khu phố Hoàng Hoa Thám I, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái về anh Vũ Văn Thiệp, 48 tuổi, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh Thiệp - Bình.
YBĐT - Từng có thời hoàng kim “ăn nên làm ra” và tay đút túi quần ngày cũng có tiền triệu. Vậy mà, chàng trai tên Trần Hữu Hưng, sinh năm 1978 lại "đột ngột" bỏ đô thị nhộn nhịp ở tỉnh Hưng Yên lên với xã miền núi Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Ai cũng cho rằng, Hưng bị “hâm”, “gàn dở” nhưng sau hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất này, anh đã có một gia đình hạnh phúc cùng mô hình nuôi vịt bán trứng thương phẩm cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.