Cuộc sống mới trên bản Lìm Mông
- Cập nhật: Thứ tư, 25/1/2017 | 9:42:03 AM
YBĐT - Con đường ngược núi vào Lìm Mông trước lún thụt đất đá là thế mà nay đã rộng mở thênh thang. Những em nhỏ người Mông đi học về tung tăng chiếc cặp trên tay, đùa nhau ríu rít. Những cô gái Mông duyên dáng trong trang phục với những gam màu nhiều họa tiết, đôi má ửng hồng cười vui, sau lưng là những gùi ngô, thực phẩm để chuẩn bị đón tết.
Làng bản Lìm Mông thanh bình.
|
Giữa đông, tôi quyết định lên đường để tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông trên bản Lìm Mông, xã Cao Phạ - xã đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Mất 4 giờ đồng hồ từ trung tâm thành phố Yên Bái, chúng tôi mới đến được trụ sở UBND xã Cao Phạ. Mùa này, tiết trời vùng cao vô cùng khắc nghiệt, cái rét ở đây cũng lạnh hơn, trưa rồi mà các bản làng vẫn chìm trong màn sương mù dày đặc. Vì hẹn trước nên Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Dê đã đợi chúng tôi ở trụ sở UBND xã.
Sau cái bắt tay thật chặt, Bí thư Đảng ủy xã thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã và nhấn mạnh: “Lìm Mông là bản đông nhất của xã, gần 200 hộ dân. Tự hào là nơi sinh ra và lớn lên của Đội trưởng Đội du kích Khau Phạ Lý Nủ Chu năm xưa nên người dân trong bản đoàn kết phát triển kinh tế, định canh định cư xây dựng cuộc sống ấm no, nhà nào cũng thóc lúa đầy bồ, trâu bò đầy chuồng, nhiều hộ giờ đã khá giả. Từ một bản đông nhất, nghèo nhất nay Lìm Mông đã trở thành bản khá nhất của xã”.
Từ trụ sở UBND xã Cao Phạ, vi vu trên những cung đường uốn lượn ngược dốc như dải lụa vắt ngang đỉnh núi, hơn 10 phút đồng hồ, chúng tôi đã đến tận cuối bản Lìm Mông. Bí thư Đảng ủy xã Sùng A Dê phấn khởi thông tin: “Trước đây, đường vào bản khá là vất vả, chỉ có hơn 3 km từ trụ sở UBND xã nhưng cũng phải mất cả giờ đồng hồ mới vào tới bản vì đường đất lại nhiều khe suối, dốc cao, mùa mưa gần như chia cắt chỉ những chiếc xe máy dã chiến mới có thể vào được. Do vậy, nhiều chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phổ biến đến bản đều chậm, hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, số người đọc thông, viết thạo ngôn ngữ phổ thông chỉ chiếm trên đầu ngón tay. Cái nghèo khó cứ đeo bám dai dẳng người dân nơi đây bao đời”.
Vậy mà, giờ đây nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, con đường bê tông đã về đến tận cuối bản. Giao thông, trao đổi hàng hóa giờ cũng rất thuận tiện, các sản phẩm nông sản, lâm sản làm ra đều thông thương dễ dàng. Nếu mấy năm trước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới trên 90% thì nay chỉ còn trên 50%. Có đường, có điện, người dân trong bản đã vươn lên phát triển kinh tế với các mô hình chăn nuôi trâu, bò và phát triển kinh tế đồi rừng, thâm canh tăng vụ, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Chỉ vào ngôi nhà khang trang ngay đầu bản, Bí thư Sùng A Dê cho biết đó là nhà của ông Lý Sáy Dờ, nguyên là Trưởng bản Lìm Mông cũng là con út của Đội trưởng Đội du kích Khau Phạ Lý Nủ Chu năm xưa. Tự hào về truyền thống gia đình, những năm qua, gia đình ông Lý Sáy Dờ luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện phát triển kinh tế, vận động người dân định canh định cư ổn định cuộc sống, nhờ đó nhiều người dân trong bản đã thoát nghèo. Là người tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế, được dân bản tin yêu tín nhiệm và giờ đây tuy tuổi đã cao, không còn làm Trưởng bản song ông Dờ vẫn luôn tận tụy hết lòng vì dân bản. Chẳng thế mà ông đã cùng chính quyền xã vận động dân bản làm điểm trường mầm non bán trú tại thôn và mời giáo viên vùng thấp lên cắm bản để dạy chữ cho con em người Mông; vận động các cặp vợ chồng trẻ gia đình trẻ thực hiện sinh đẻ kế hoạch, không tảo hôn, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cùng nhau phát triển kinh tế.
Rót chén rượu ngô thơm nồng mời khách, ông Dờ tâm sự: “Ngày trước, bản có vài chục nóc nhà, mỗi nhà ở một chỏm đồi, dân bản chỉ quen với việc đốt rừng làm nương rẫy, trông chờ vào tự nhiên là chính, đói ăn quanh năm. Muốn vận động dân bản đổi mới từ nếp sinh hoạt tới làm kinh tế thì mình phải là người tiên phong, gương mẫu làm trước thôi”.
Và từ những thửa ruộng lúa nước đầu tiên ông Dờ cùng gia đình trồng giống lúa mới năng suất cao đã cho thu hoạch hiệu quả từ 1 vụ rồi hai vụ, những chỗ trồng lúa nương cũng được thay bằng cây ngô, cây sắn để lấy lương thực phát triển chăn nuôi. Vậy là, người dân trong bản học tập và làm theo, nhiều gia đình đã có cuộc sống ấm no. Giờ đây, người Mông trong bản đã biết sản xuất lúa nước 2 vụ và trồng rừng, trồng ngô, sắn trên đồi để bán lấy tiền và phát triển chăn nuôi.
Không chỉ có vậy, nhiều gia đình còn phát triển chăn nuôi trâu bò, vừa để phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa để làm hàng hóa. Nhiều hộ đã mua được máy cày bừa, máy xay xát phục vụ cho gia đình và làm dịch vụ. Hiện tại, diện tích lúa nước hai vụ trong bản là 52 ha, năng suất bình quân đạt trên 40 tạ/ha. Đặc biệt, vụ đông xuân năm 2016 - 2017, bản Lìm Mông đã đăng ký với huyện trồng 10 ha cải dầu trên những diện tích đất ruộng hai vụ, nhiều hộ gia đình cũng tập trung trồng các loại cây rau màu để tăng thêm thu nhập.
Qua khảo sát và đánh giá thì tình trạng đói giáp hạt, đứt bữa không còn, nhiều hộ đã khá giả như hộ ông Sùng Vảng Chông, Thào Trờ Rùa, Thào Sái Chú chăn nuôi 2 - 3 con trâu bò, làm ruộng nước 2 vụ; gia đình anh Sùng Vảng Páo có 3 con trâu, 1 con bò, 7 con lợn thịt và 3 con lợn nái, phát triển kinh tế đồi rừng, thâm canh tăng vụ, mỗi năm thu 8 tấn thóc; gia đình anh Trang A Của làm dịch vụ bán hàng tạp hóa và phát triển chăn nuôi lợn, gà…
Nhịp điệu mùa vàng. (Ảnh: Minh Quang)
Thành quả hôm nay, ngoài sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương còn phải kể đến những đảng viên trẻ gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế. Bí thư Chi bộ bản Lìm Mông Lý Tồng Lử cho biết thêm: “Ngày trước, thôn có hơn 100 hộ dân, vận động mãi mấy năm trời mới được thêm một đến hai quần chúng được kết nạp vào Đảng, bởi người thì không có trình độ văn hóa, người có trình độ lại vi phạm chính sách dân số, tảo hôn... Nay đã khác, gần 200 hộ dân đã có 14 đảng viên, nhiều người trẻ, năng nổ nhiệt tình, gương mẫu đi đầu trong việc phát triển kinh tế gia đình, trong đó có nhiều đồng chí làm cán bộ của xã. Mừng hơn là trong 10 năm trở lại đây, trong bản đã có 10 người đi học cao đẳng, đại học, một số đã trở về công tác tại địa phương để xây dựng bản làng ngày một no ấm”.
Con đường ngược núi vào Lìm Mông trước lún thụt đất đá là thế mà nay đã rộng mở thênh thang. Những em nhỏ người Mông đi học về tung tăng chiếc cặp trên tay, đùa nhau ríu rít. Những cô gái Mông duyên dáng trong trang phục với những gam màu nhiều họa tiết, đôi má ửng hồng cười vui, sau lưng là những gùi ngô, thực phẩm để chuẩn bị đón tết. Bọn trẻ theo mẹ háo hức trong bộ quần áo mới. Xuân đã về trên bản Lìm Mông.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Thành lập 18 năm nay, Câu lạc bộ Trang trại Thanh niên thị trấn Nông trường Trần Phú năm 2016 nguyên cây cam, các thành viên thu xấp xỉ một ngàn tấn, tính rẻ cũng có hơn 5 tỷ đồng. Là Bí thư Đoàn thị trấn kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Phạm Văn Thắng chính là gương mặt duy nhất của tỉnh Yên Bái giành Giải thưởng Lương Định Của năm 2016 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng.
YBĐT - Những câu chuyện về một Làng Lao xa tít, biệt lập với thế giới bên ngoài và căn bệnh lạ, chuyện chạy “ma” mùa nứa khuy ở thôn người Mông xa nhất, khó khăn nhất xã Cát Thịnh, mới đó vài chục năm thôi mà giờ đã nghe như cổ tích. Người Mông thôn Làng Lao đã thực sự đổi đời từ sau cuộc “cách mạng” hạ sơn năm 2011 của huyện Văn Chấn. Cuộc sống đang hồi sinh nơi bản định cư mới và cuộc đời bao người Mông ở Làng Lao cũng đổi thay từ đây...
YBĐT - Nguyễn Văn Huỳnh - Phó Bí thư Chi đoàn thôn Đại Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên với sản phẩm bếp nóng lạnh Huỳnh Phát vừa được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái tuyên dương là một trong 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu tỉnh Yên Bái năm 2016. Sinh năm 1993, ông chủ 9x giờ đã có trong tay tiền tỷ với hệ thống 6 cơ sở sản xuất và cửa hàng cung cấp sản phẩm bếp Huỳnh Phát trên địa bàn tỉnh Yên Bái, thành phố Hà Nội và Lào Cai.
YBĐT - Đến với bộ môn cầu lông ở tuổi 30 đơn giản chỉ là để rèn luyện sức khỏe song có lẽ năng khiếu trời sinh và cái duyên với giải đã đưa chị Hoàng Thị Mai Hòa - giáo viên Mỹ thuật của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Yên Bình trở thành vận động viên (VĐV) tên tuổi trong làng thể thao của tỉnh Yên Bái nói riêng. Đặc biệt, tại các giải thể thao gia đình toàn quốc, nhiều năm liên tục, gia đình chị luôn giành được những bộ Huy chương Vàng (HCV) danh giá…