Yên Bình phát huy hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/11/2024 | 1:59:51 PM

YênBái - Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, sau hơn 3 năm triển khai, huyện Yên Bình đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo, diện mạo nông thôn mới ở Yên Bình có nhiều khởi sắc.

Đồng bào DTTS huyện Yên Bình tích cực tham gia kiến hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng NTM.
Đồng bào DTTS huyện Yên Bình tích cực tham gia kiến hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng NTM.


Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình có tổng nguồn lực đầu tư hỗ trợ 156.637 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 133.706 triệu đồng; vốn sự nghiệp 22.931 triệu đồng. 

Với nguồn vốn này, huyện đã xây dựng mới và nâng cấp 18 công trình đường giao thông nông thôn, 5 cầu qua suối, 2 công trình nước sạch tập trung, 7 trường lớp học, 6 chợ trung tâm; hỗ trợ làm mới 123 nhà cho hộ nghèo DTTS với kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ; hỗ trợ 261 hộ mua sắm nông cụ, máy móc chuyến đổi nghề; 224 bồn chứa nước sinh hoạt cho các hộ dân nghèo; hỗ trợ mua trâu, bò cho các hộ nghèo DTTS thuộc các thôn đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng, tạo điều kiện giúp các hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trước đây, gia đình ông Trần Ngọc Thanh, dân tộc Cao Lan, ở thôn Đát Dẻ, xã Vĩnh Kiên là 1 trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn của xã. Vợ chồng ra ở riêng với 2 bàn tay trắng, các con còn nhỏ, toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình chỉ trông vào công việc đồng áng. Thông qua Hội Nông dân xã, ông Thanh được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi. Từ số vốn đó, ông đầu tư vào trồng rừng và chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm nên đến nay, đàn gia súc ngày càng phát triển, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. 

Ông Thanh chia sẻ: "Nhờ có sự hỗ trợ vốn vay của Nhà nước cũng như việc được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc nên đời sống kinh tế của gia đình cũng đã ngày một khấm khá”.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi có tác động tổng thể đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của toàn huyện cũng như đời sống của nhân dân. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi thay tích cực, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, khoảng cách phát triển giữa các DTTS dần được rút ngắn, một số vấn đề bức thiết trong đời sống của đồng bào DTTS như: thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà ở, đất ở, đất sản xuất… đã được các cấp ủy, chính quyền huyện giải quyết kịp thời. 

Đến hết năm 2023, nhiều chỉ tiêu trong Chương trình đã đạt mục tiêu đề ra, 100% số xã của huyện ra khỏi xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS qua các năm đều giảm trên 5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025; 100% thôn có đường đến ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 99% số hộ dân trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; trên 90% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; 100% thôn có nhà văn hóa; 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện người DTTS.


Nhờ sự hỗ trợ của nhà nước, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Yên Bình vươn lên thoát nghèo.

Mỹ Gia là xã vùng Đông hồ của huyện, đời sống kinh tế chủ yếu của người dân là phát triển trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song những năm qua được sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển mới.

Ông Trần Văn Tự - Chủ tịch UBND xã Mỹ Gia cho hay, trong thời gian qua, từ các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, của huyện, cùng với sự đồng thuận của nhân dân, xã đã huy động đầu tư xây dựng trên 30,5 km đường giao thông nông thôn, trong đó, mở mới 1,3 km, bê tông hóa 29,2 km. Đường giao thông liên thôn, ngõ xóm, nội đồng phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân đạt trên 95,7%. Tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 100%; 100% thôn có nhà văn hóa; trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn theo quy định; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 7,6%. Tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Qua đó, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020 và đạt chuẩn NTM nâng cao vào tháng 12/2023.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã luôn quan tâm triển khai thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ giảm nghèo, quan tâm, chú trọng và triển khai phổ biến đến cán bộ, đảng viên, người dân để từng bước hiểu rõ hơn về công tác giảm nghèo, nhằm nâng cao ý thức tự giác thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo.


Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025,  huyện Yên Bình đã và đang triển khai thực hiện 5 dự án với 8 tiểu dự án thành phần, với tổng kinh phí được bố trí đến nay là 16.373 triệu đồng để hỗ trợ triển khai các dự án hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện dinh dưỡng cho người nghèo... 

Sau hơn 3 năm triển khai, với nguồn kinh phí của Nhà nước, huyện đã hỗ trợ được 7 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp cho 88 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại các xã, tổ chức 21 lớp đào tạo nghề cho 600 lao động nông thôn; hỗ trợ các xã, thôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm giảm nghèo về thông tin. Đến nay, toàn huyện đã giải ngân được 7.880,6/16.373 triệu đồng, đạt 48,13% kế hoạch kinh phí giao.

Cùng với đó, Chương trình xây dựng NTM của huyện đã được triển khai đồng bộ, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, huy động nguồn lực từ các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện, nguồn xã hội hóa, trong đó từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 là 152.168 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư là trên 108 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 12,3 tỷ đồng để đầu tư 16 công trình đường giao thông nông thôn, 25 công trình trường học, 8 công trình chợ, 6 công trình nước sạch tập trung, 30 công trình khác và hỗ trợ phát triển sản xuất nông thôn. Đến nay, toàn huyện đã giải ngân trên 115.786/152.168 triệu đồng, đạt 75,6% kế hoạch vốn giao.

Bí thư Huyện ủy Yên Bình Đỗ Văn Nghị khẳng định, từ việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách nói chung và các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS nói riêng, cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn Yên Bình; đặc biệt đã khơi dậy được sự đồng thuận trong dân, tạo sức lan tỏa và phát huy sức mạnh đại đoàn kết, tính chủ động, sáng tạo. Nhờ đó, xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều gương điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân…

Huyện Yên Bình đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIII đề ra. Kết quả này càng củng cố niềm tin của đồng bào DTTS vào chủ trương, đường lối của của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.

Đức Toàn

Tags Yên Bình phát huy hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số nông thôn mới

Các tin khác
Lực lượng vũ trang huyện Mù Cang Chải tham gia giúp đỡ hộ nghèo xã Mồ Dề xóa nhà tạm năm 2024

Mồ Dề là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải. Toàn xã có 8 bản, 874 hộ với 4.916 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 99,5%. Trong những năm qua, xã đã triển khai thực hiện tốt và đầy đủ các chính sách của Đảng và Nhà nước và của tỉnh dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Văn Yên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao.

Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Văn Yên đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Người có uy tín trên địa bàn huyện Mù Cang Chải thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia phát triển kinh tế.

Toàn huyện Mù Cang Chải có 97 người có uy tín. Đội ngũ này đã có nhiều đóng góp trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người dân xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã chú trọng đẩy mạnh Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân về các điều kiện kinh tế, vật chất, giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục